Chưa bao giờ, mạng lưới hỗ trợ sự kết nối mạng lưới trí thức người Việt ở nước ngoài với hệ sinh thái khởi nghiệp lại trở nên sôi động đến như thế. Kể từ tháng 7/2021, khi Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia NSSC (Bộ Khoa học và Công nghệ) và Cục Người Việt ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) kí biên bản hợp tác để xây dựng mạng lưới Các hội trí thức kiều bào hỗ trợ ĐMST và thương mại hóa công nghệ, tính đến nay đã có hơn 1600 startup tiếp cận được với thông tin của chương trình, 53 trí thức người Việt đăng ký làm mentor, 27 mentor chính thức tham gia chương trình. Tại buổi hội thảo Kết nối chuyên gia kiều bào với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia được tổ chức ngày 4/12, 21 trí thức đại diện đến từ 15 quốc gia đã có mặt, bất kể sự chênh lệch múi giờ để cùng thảo luận về việc, có thể làm gì giúp cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước phát triển.
Mang về và mang đi
Những trí thức người Việt ở nước ngoài có thể làm gì cho hệ sinh thái khởi nghiệp? Đó là câu chuyện vừa dễ trả lời vừa khó trả lời. Dễ là bởi, họ luôn sẵn sàng, lại là những trí thức có trình độ cao, sở hữu kiến thức và cả những mạng lưới quan hệ với chuyên gia, tổ chức hàng đầu trong nước. Cái khó là làm thế nào để mối liên kết này bền vững, chặt chẽ và hiệu quả, không phải chuyện nhất thời, “hôm nay biết chuyện hôm nay”.
Dẫn theo lời của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng tại hội thảo thì, sau khi hệ sinh thái đã hoàn thiện, phát triển thì đây là cơ hội lớn để giải pháp sáng tạo kết quả nghiên cứu khoa học ứng dụng công nghệ, thương mại hóa, đưa vào đời sống thực tiễn. “Chúng tôi mong muốn những hiểu biết tri thức công nghệ của người Việt ở nước ngoài sẽ được chuyển về nước giúp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Đồng thời các trí thức cũng thực hiện hoạt động đào tạo cho sinh viên, các bạn khởi nghiệp có thêm kiến thức trong quá trình đóng góp cho Tổ quốc”.
Trong suốt cuộc hội thảo, “mang về” và “mang đi” là hai từ khóa được các trưởng làng và đại diện của các hội trí thức từ các nước nhắc đến nhiều lần. Theo đó, tất thảy đều kỳ vọng rằng, các trí thức người Việt ở nước ngoài sẽ trở thành trung gian, cầu nối, mang về Việt Nam các nguồn lực như công nghệ, tri thức, các chuyên gia hàng đầu thậm chí là tài chính về hỗ trợ cho hệ sinh thái. Cùng với đó, khi đánh giá được những startup tiềm năng, họ sẽ đem những startup này ra thế giới, tận dụng nguồn lực, phòng lab, mối quan hệ…, để các startup hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa ở thị trường quốc tế.
Từ Nhật Bản, anh Lê Đức Anh – Chủ tịch Hội trí thức người Việt ở Nhật Bản cho biết, hiện có khoảng 500 nghìn người Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực khác nhau ở đây, và sẽ còn tăng nhanh trong những năm tới. Hội chia thành bốn khối lớn là các nhà khoa học; Cộng đồng các chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp; Cộng đồng thanh niên, sinh viên; Các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam ở Nhật Bản như FPT, CMC, Ominext…
Thời gian qua, cộng đồng người Việt cũng tổ chức chương trình Viet Startup Contest để tìm kiếm, hỗ trợ cho các ý tưởng công nghệ của người Việt ở Nhật bản và đồng thời xây dựng tuyển tập khoa học công nghệ Nhật Bản, tuyển lựa những công nghệ phù hợp với Việt Nam.
Theo anh Lê Đức Anh: “Dự án này phi lợi nhuận và là nguồn mở, rất phù hợp để cho các trưởng làng ở TECHFEST tìm kiếm và sử dụng cho các startup. Chúng tôi sẵn sàng liên hệ, tìm kiếm tác giả để họ cố vấn và giúp doanh nghiệp ở Nhật có thể giúp đỡ nếu cần thiết”.
Cũng từ Nhật Bản, anh Ngô Huỳnh Thiện cho biết thêm, để giải quyết các bài toán ở Việt Nam, đội ngũ trí thức người Việt ở Nhật Bản đã mời thêm 40 chuyên gia đến từ hơn 20 nước trên thế giới và thành lập Internaltionl Open Innovation Hub ở Việt Nam.
Anh Thiện giải thích: “Hub này giống như mô hình sandbox ở Singapore, mang tới các chuyên gia trí thức trong các lĩnh vực công nghệ nano, IT, AI,… về nước thử nghiệm công nghệ của họ giải quyết các bài toán sâu ở Việt Nam. Sinh viên, người đi làm… chỉ cần có ý tưởng đều có thể tham gia vào phòng thí nghiệm mở này. Thậm chí, các chuyên gia cũng sẵn sàng đưa những sinh viên này qua Nhật, tham gia vào nhóm nghiên cứu của họ để đào tạo thành các thạc sỹ, tiến sỹ rồi quay về Việt Nam làm việc”.
Từ nước Úc, GS. Nghiêm Đức Long - Chủ nhiệm CLB trí thức kiều bào bang New South Wales hồ hởi cho biết thời gian qua đã có 10 dự án của người Việt tham gia vào chương trình Aus4Innovation do Chính phủ Úc tài trợ, đưa các công nghệ chuyển giao về Việt Nam. Đó là dự án làm sao đưa nông sản tươi đến với người tiêu dùng bằng công nghệ bảo quản và logistics, hay dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc kiểm tra ung thư vú do ĐH Sydney chủ trì, dự án phát triển hệ thống quan trắc chất lượng nước và đưa số liệu trực tuyến tới thiết bị di động cho người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Bài (Phú Yên) giúp nâng cao năng suất nuôi trồng.
GS. Nghiêm Đức Long hồ hởi nói: “Tôi muốn nhắn tới các trưởng làng của Techfest rằng, chúng tôi có tâm huyết và không sợ thiếu vốn, chúng tôi sẵn sàng cùng các bạn đi gọi vốn. Chúng ta cũng không sợ không có cơ chế, vì chúng ta có thể xin cơ chế cùng nhau. Quan trọng là có chung quan điểm và có đồng lòng giải quyết vấn đề của đất nước hay không. Có làm được mới mong mở rộng được mạng lưới này và kết nối để phát triển tăng thêm nguồn lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước”.
Cần một bài toán cụ thể
Tại hội thảo, tâm huyết và nguồn lực của trí thức kiều bào người Việt trên toàn thế giới đều đã được chia sẻ. Không khí cởi mở sẵn sàng khiến các trưởng làng lập tức kết nối.
PGS.TS Trịnh Thị Tuyết – Trưởng làng Công nghệ tài chính tại TECHFEST 2021 lập tức đề nghị với hội trí thức người Việt ở Nhật Bản giới thiệu các chuyên gia trong lĩnh vực fintech để tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu, hội thảo về việc giải quyết các vấn đề khúc mắc giữa trung gian thanh toán và ngân hàng. Ngay sau đó, BS. Hoàng Thị Bạch Dương - Trưởng làng Giải pháp sáng tạo chăm sóc sức khỏe TECHFEST 2021 cũng nhờ mạng lưới trí thức ở Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc… giới thiệu một chuyên gia về bệnh viện thông minh để tham gia vào hội thảo của làng y tế trong thời gian tới.
Dễ dàng hình dung, điều mạng lưới trí thức người Việt có thể giúp ngay được cho hệ sinh thái khởi nghiệp trong nước là giới thiệu các chuyên gia đầu ngành trong các các lĩnh vực. Tuy nhiên, làm thế nào để mạng lưới này bền vững, sự tương tác này được thường xuyên lại là vấn đề không hề dễ dàng.
GS. Lê Bảo Long - Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia công nghệ và phát triển kinh tế người Việt Nam tại Canada cho rằng, những đề xuất của hai trưởng làng là điều cần thực hiện thường xuyên. Nghĩa là cần đưa ra bài toán cụ thể, trong nước cần gì để phía các mạng lưới biết để hỗ trợ.
“Có hai cách hợp tác, hoặc là phía chuyên gia sẽ cung cấp thí điểm một số công nghệ tiềm năng cho phía doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp cử người đại diện trao đổi, nhận tư vấn từ phía chuyên gia nước ngoài để cùng nhau phát triển sản phẩm” – GS. Lê Bảo Long nói.
Để việc này hiệu quả, GS. Long cho rằng cần có những bài toán thật sự cụ thể để cho ra được sản phẩm cụ thể, có như vậy mới lan tỏa, truyền cảm hứng tới cả cộng đồng. Bởi vậy, điều này được thực hiện bài bản, GS. Phạm Đức Long cho rằng cần xây dựng ngay lập tức một cơ sở dữ liệu về startup trong nước với nhu cầu cụ thể và gửi tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Khi đó, phía mạng lưới chuyên gia sẽ tìm cách kết nối startup với chuyên gia phù hợp nhất và xúc tiến để làm việc.
“Các mô hình hợp tác cần hoàn thiện dần để có hợp tác thiết thực trong thời gian tới. Chúng tôi hy vọng Chính phủ, bộ, ngành… sẽ có chính sách hỗ trợ về mặt thông tin, thậm chí là tài chính để sự hợp tác đạt hiệu quả cao nhất” – GS. Lê Đức Long nói.
Đồng tình với ý kiến của GS. Lê Đức Long, GS. Nguyễn Xuân Thính – Chủ tịch mạng lưới Đổi mới sáng tạo ở Đức nhấn mạnh rằng, ‘nhiệm vụ trong những năm tới của mạng lưới là phải trao đổi để có được những sản phẩm, dự án cụ thể. Kết quả cuối cùng là dự án đó như thế nào, giúp ích được gì cho Việt Nam hoặc startup của Việt Nam?”
Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Bà Nguyễn Phương Linh - Trưởng làng Thách thức và Sáng tạo xã hội TECHFEST 2021 cho rằng, mạng lưới trong một tầm nhìn dài hạn cần xây dựng mục tiêu cho 3-5 năm tới với sứ mệnh, giá trị mang lại cho cộng đồng, trách nhiệm của mạng lưới và thậm chí cả “bản mô tả công việc rõ ràng của từng vị trí trong mạng lưới”.
“Mạng lưới có 21 vị chủ tịch và tất cả đều bận rộn, nên cần xây dựng mô hình hoạt động chuyên nghiệp và cơ cấu quản lý hoạt động. Vì vậy, cần xây dựng thêm ban điều phối giúp việc, ban thư ký lo việc hậu cần, liên kết. Không phải việc gì các chủ tịch cũng cần trực tiếp xử lý nên ban thư ký sẽ giúp giải quyết mọi việc nhanh chóng, hiệu quả hơn’- Bà Nguyễn Phương Linh nói.
Mục đích của mạng lưới là thông tin về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và những vấn đề cần giải quyết trong nước sẽ được chuyển tải đầy đủ, liên tục cập nhật đến cộng đồng trí thức người Việt ở nước ngoài. Ở chiều ngược lại, thông tin về các chuyên gia trí thức kiều bào sẽ được cập nhật công bố để tìm kiếm các hoạt động liên kết tiềm năng với trong nước. Chúng tôi mong muốn những hiểu biết tri thức công nghệ của người Việt ở nước ngoài sẽ được chuyển về nước và góp phần phát triển kinh tế xã hội, hoặc tham gia đào tạo cho các bạn sinh viên, doanh nhân có thêm kiến thức giúp phát triển đất nước.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng