Meta chưa qua cơn bĩ cực

11/01/2023 14:00

Theo dõi trên

Doanh thu sụt giảm, cổ phiếu chạm đáy nhưng mọi thứ còn tồi tệ hơn với Meta khi họ bị thua trong một loạt các cuộc chiến pháp lý. Có vẻ mọi thứ đang chống lại “gã khổng lồ” công nghệ của Mỹ.

Mới đây, Meta công ty mẹ của ứng dụng phổ biến Facebook, đã bị phạt một khoản tiền lên tới 414 triệu USD sau khi cơ quan quản lý quyền riêng tư hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) phán quyết rằng chính sách của công ty công nghệ sử dụng thông tin người dùng cá nhân để cá nhân hóa quảng cáo trên Facebook và Instagram đã vi phạm luật bảo vệ dữ liệu mới.

meta-pld-1673420262.jpg

Meta đã bị Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu của Ireland (DPC) phạt một khoản tiền lên tới 414 triệu USD.

Quyết định được công bố bởi Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu của Ireland (DPC), cho công ty ba tháng để tuân thủ.

Có thể nói, quyết định này đã đánh dấu sự kết thúc của cuộc điều tra kéo dài 4 năm về các hoạt động quảng cáo của Meta, được thúc đẩy bởi việc triển khai Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của EU vào năm 2018, một luật bảo vệ người tiêu dùng trên phạm vi rộng.

Mặc dù quyết định này không nêu rõ những bước cụ thể mà công ty phải thực hiện để thay đổi chính sách quảng cáo của mình, nhưng phán quyết có thể sẽ buộc Meta phải xin phép khách hàng trước khi nhắm mục tiêu quảng cáo dựa trên dữ liệu cá nhân.

Meta cho biết họ có kế hoạch kháng cáo quyết định này, nhưng rõ ràng phán quyết này có khả năng giáng một đòn mạnh vào chiến lược quảng cáo của công ty, nguồn doanh thu chính của Meta. Nói cách khác, rất nhiều khả năng Meta sẽ buộc phải đại tu lại toàn bộ chiến lược quảng cáo của họ trên khắp châu Âu.

Đau đớn hơn cho Meta, giá trị cổ phiếu của họ đã bị giảm hơn 66% vào năm 2022 khiến giá trị thị trường của công ty bị mất hơn 600 tỷ USD.

GDPR là gì?

Trên thực tế, GDPR là một dự luật bảo vệ dữ liệu mang tính bước ngoặt do Liên minh châu Âu ban hành vào năm 2018, nhằm đảm bảo quyền riêng tư cho người dùng internet. Được coi là một trong những bộ quy định bảo mật dữ liệu mạnh nhất thế giới, bộ luật rộng lớn này bao gồm 99 điều khoản phác thảo một dự luật cơ bản về quyền kỹ thuật số.

mark-zuckerberg-pld-1673420262.jpeg

Có vẻ Mark Zuckerberg và Meta vẫn chưa thể qua cơn bĩ cực.

Dự luật bao gồm các quy tắc để bảo vệ các cá nhân khỏi bị thao túng dữ liệu quá mức, chẳng hạn như điều khoản yêu cầu  các công ty công nghệ xác định lượng dữ liệu cá nhân tối thiểu mà họ cần để thực hiện mục đích của mình và không thu thập thêm bất kỳ thứ gì. Ngoài ra, luật quy định quyền truy cập bất kỳ dữ liệu nào do công ty tư nhân thu thập, cũng như quyền xóa mọi dữ liệu không còn cần thiết cho mục đích thu thập.

GDPR trao quyền rộng rãi cho EU để phạt các công ty không tuân thủ các quy định, từ việc xử lý sai thông tin cá nhân đến sai sót trong bảo mật dữ liệu. Dự luật đáng chú ý trong việc áp dụng cơ cấu hình phạt lũy tiến, nhằm kiềm chế các công ty đa quốc gia trị giá hàng tỷ đô la bằng cách đánh thuế dựa trên tỷ lệ phần trăm tổng doanh thu toàn cầu của công ty. Hình phạt có thể dao động từ 2% đến 4% tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Trong quá khứ, Meta và Ủy ban Bảo vệ Dữ liệu của Ireland (DPC) đã “va chạm” với nhau không ít lần, nhưng đáng tiếc là lần nào Meta cũng thua và họ đã nhận được không ít trái đắng.

Tháng 9 năm 2021: Meta bị DPC phạt 267 triệu USD vì ứng dụng nhắn tin Whatsapp vi phạm các quy định bảo vệ dữ liệu do GDPR quy định.

Tháng 3 năm 2022: Meta bị DPC phạt 18,6 triệu USD vì một loạt vi phạm dữ liệu và lỗi bảo mật trên các dịch vụ của công ty.

Tháng 9 năm 2022: Meta bị DPC phạt 430 triệu USD sau khi các cơ quan quản lý quy định rằng cách Instagram xử lý dữ liệu của trẻ em vi phạm quy định GDPR.

Tháng 11 năm 2022: Meta bị DPC phạt 275 triệu USD sau khi dữ liệu cá nhân của hơn 530 người dùng Facebook bị rò rỉ trực tuyến, bao gồm cả địa chỉ email và số điện thoại.

Bạn đang đọc bài viết "Meta chưa qua cơn bĩ cực" tại chuyên mục Công nghệ. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com