Những ngày qua, bà con nông dân cùng với chính quyền địa phương ngày đêm túc trực ngoài đồng để triển khai các biện pháp cứu lúa, cứu hoa màu, nhưng xem ra vụ mùa chính của bà con miền Trung trong năm nay đã bị thiên tai “cướp sạch”.
Tại thôn Kim Long (xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), trong ngày 4-4, mưa ngớt hạt nhưng ruộng lúa vẫn ngập sâu trong lũ. Hàng trăm người dân chia thành nhiều nhóm đắp bờ bao, ngăn lũ cứu lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trổ bông ngã đổ. Ông Nguyễn Trần Quả (73 tuổi, thôn Kim Long, xã Hải Quế) buồn bã nói: “Trải qua không biết bao đợt mưa lũ lịch sử, nhưng chưa thấy đợt mưa lũ nào dị thường, xảy ra khi lúa làm đòng, trổ bông.
Bà con rồi đây không biết lấy gì mà sống khi lúa đông xuân là vụ chính của năm giờ ngập chết hết”. Cạnh đó, ông Hoàng Ngọc Thảo (trú thôn Hội Yên, xã Hải Quế) cho biết: “Gia đình trồng hơn 1,4ha lúa cùng 6 sào sắn, toàn bộ diện tích đều bị ngập trong nước lũ. Bà con không ai dám nghỉ ngơi, không kể ngày đêm tập trung lại để cứu lúa, cứu hoa màu”.
Tờ mờ sáng, vợ chồng ông Nguyễn Hữu Hối (thôn Triều Quý, xã Phong Bình, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tất tả ra ruộng lúa của mình. Gạt mái tóc rối rủ xuống mặt, ông Hối buồn rười rượi: “Đã cùng bà con xúc từng bao cát, dùng ghe thuyền vượt lũ để đắp đê cứu lúa, vậy nhưng vẫn không ngăn nổi dòng nước bạc nhấn chìm ruộng đồng.
Giờ nước vẫn chưa rút để thấy cây lúa”. Theo ông Lê Tấn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình, bà con nông dân coi như mất trắng vụ lúa đông xuân, ước tính thiệt hại lũ trái mùa gây ra cho địa phương trên 55 tỷ đồng.
Ngoài lúa đông xuân ngập úng, hàng ngàn hécta rau, hoa màu ngắn ngày như đậu phộng, dưa hấu… sắp đến vụ thu hoạch tại các huyện Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc, thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) cũng ngập sâu trong lũ. Bà Nguyễn Thị Chung (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh) đang đắp bờ đấu úng cho ruộng dưa, nói như khóc: “Khi mưa xuống gây ngập gần 1ha dưa, cả nhà dùng máy bơm nước từ ruộng dưa ra mương.
Mấy ngày rồi tiêu tốn cả triệu đồng tiền xăng, nhưng xem ra không cứu vãn được nữa rồi. Dưa bị thối rễ, héo lá, trong khi trái vẫn còn non. Bao nhiêu vốn liếng, kể cả vay mượn, giờ đã theo dòng nước lũ bất thường cuốn đi”. Ngược ra hướng thị xã Điện Bàn, cả ngàn hécta đậu phộng của người dân chưa kịp thu hoạch cũng bị ngập, thiệt hại gần 90%.
Nỗi lo còn phía trước
Hiện nông dân khắp các tỉnh miền Trung lâm vào tình cảnh trớ trêu bởi lúa làm đòng đổ rạp, không thể cứu vãn, mà cắt bỏ để làm lại vụ mới thì không hợp thời vụ. Còn để như vậy thì lãng phí đất, vì hơn 1 tháng nữa mới đến gieo sạ vụ lúa hè thu. Bà Trần Thị Hải (khối phố Ngân Câu, phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) cho biết: “Gia đình làm 8 sào ruộng, trong đó có 4 sào là lúa giống.
Số lúa giống trong mùa này sẽ bán cho bà con xung quanh, cũng như để gia đình dùng sản xuất vụ tiếp theo. Nhưng cả 4 sào lúa giống đang thời kỳ làm đòng thì bị mưa lũ làm hư hại hết. Tôi đã nhận tiền đặt cọc của bà con để mua lúa giống. Số tiền đó cũng đã dùng vào chi phí sản xuất, giờ mất hết lấy gì trả lại cho bà con. Không những thế, vụ tới phải chạy vạy mượn tiền để mua giống nữa. Thật là quá khổ”.
Ông Lê Văn Anh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên - Huế), cho biết, đối với diện tích lúa mới làm đòng ngập úng sâu thì xem như mất trắng. Đối với diện tích lúa có thể cứu được thì đang hướng dẫn các địa phương, hợp tác xã khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa...
Đối với diện tích lúa giai đoạn trổ bông chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng, cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3-5 gốc lúa lại với nhau bằng sợi ni lông, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ, vào chắc và chín. Việc này sẽ giúp bà con vớt vát được phần nào hay phần đó. Tuy nhiên, theo dự báo thì tình hình mưa, lũ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới khi bão, áp thấp nhiệt đới sắp vào Biển Đông. “Chưa bao giờ thấy người dân ở miền Trung lại gặp khốn đốn như thế này. Giữa mùa khô lại trắng tay vì mưa lũ. Thời tiết thật quá dị thường”, ông Anh buồn rầu.
Kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ trái mùa gây ra tại Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị trong ngày 3-4, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, cho rằng, ngoài việc triển khai khẩn cấp các biện pháp khắc phục lúa, hoa màu bị ngập nhẹ, các tỉnh cần sớm có báo cáo cụ thể gửi cơ quan Trung ương xem xét hỗ trợ khắc phục. Ngoài ra, các địa phương cần tiến hành nghiên cứu giải pháp chuyển đổi mùa vụ phù hợp đối với một số vùng thấp trũng trước hiện tượng thời tiết bất thường ngày càng gia tăng.
Thống kê từ các địa phương ở miền Trung, đợt mưa lũ, lốc xoáy bất thường vừa qua đã khiến 4 người chết (Phú Yên 1, Quảng Nam 1, Quảng Trị 1, Thừa Thiên - Huế 1); 1 người mất tích ở Phú Yên; 50 nhà sập hoặc tốc mái; 262 ghe, thuyền bị chìm; 2.592 lồng bè bị thiệt hại. Mưa lũ cũng khiến 88.055ha lúa, 16.177ha hoa màu bị ngập úng, hư hỏng.
Ngày 4-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đã đến thăm hỏi, động viên và trao số tiền 5 triệu đồng cho gia đình chị Lê Thị Diệu Q. (32 tuổi, trú tại thôn Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng) bị nước lũ cuốn trôi gây tử vong. Đồng thời đến thăm và tặng căn nhà đại đoàn kết trị giá 62 triệu đồng cho gia đình bà Lê Thị Thu (ở thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) có nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng do mưa lũ gây ra. /.