Cụ thể, Chủ tịch HĐQT VnDirect - ông Nguyễn Vũ Long đã đồng ý thông qua việc sử dụng vốn vay, bảo lãnh thẻ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB). Tổng giới hạn tín dụng là 10.000 tỷ đồng.
Mục đích sử dụng vốn vay là bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh của công ty.
VnDirect cũng đồng ý thông qua việc sử dụng tài sản thanh khoản cao thuộc sở hữu của công ty (gồm tiền gửi không kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu và các tài sản thanh khoản cao khác theo quy định của Vietcombank theo từng thời kỳ) và các tài sản khác thuộc sở hữu của công ty được Vietcombank chấp thuận và phù hợp với quy định để thế chấp, cầm cố và các hình thức bảo đảm khác cho nghĩa vụ của công ty tại Vietcombank.
Trước đó, VnDirect cũng vừa thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 12.178 tỷ đồng lên trên mức 18.000 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, quý 1/2023, VnDirect ghi nhận tổng doanh thu 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận trước thuế và sau thuế cùng giảm sâu 82% xuống lần lượt 171 tỷ đồng và 136 tỷ đồng.
Tính đến 31/3.2023, tổng quy mô tài sản của VnDirect đạt 37.024 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỉ đồng so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu nhích nhẹ lên 14.650 tỉ đồng. Dư nợ margin tính tới cuối quý I đạt 8.224 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ và chiếm 56% vốn chủ sở hữu. Trong đó tiền và các khoản tương đương tiền giảm sâu 73% xuống 685 tỷ đồng.
Công ty này đã rút hơn 1.858 tỷ đồng khỏi kênh ngân hàng, chỉ giữ lại hơn 19 tỷ đồng. 4.328 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đều là tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm, giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Về cơ cấu doanh mục tự doanh không mấy thay đổi so với cùng kỳ. VNDirect đầu tư hơn 1.322 tỷ đồng vào cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, chiếm hơn 6%. Phần lớn nhất là 9.814 tỷ đồng vào trái phiếu, sau đó là 8.310 tỷ đồng tại chứng chỉ tiền gửi.
Trong quý vừa qua, VNDirect phát hành thêm 200 tỉ đồng trái phiếu ngắn hạn lên 1.050 tỷ đồng. Cộng chung với trái phiếu ngắn hạn, tổng quy mô là 1.450 ty rđồng, giảm 12% so với đầu năm.