Một ngày tri ân sự hy sinh của những người đã ngã xuống là chưa đủ

Mấy chục năm đằng đẵng chiến tranh, bao nhiêu xương máu của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống.

Ngày này 75 năm về trước, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt nhất, ngày 27/7/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị chọn một ngày trong năm làm "Ngày Thương binh" để bày tỏ tình cảm trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương, hy sinh cống hiến hết mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân.

1-1658887230-1658892231.jpg
 

Từ đó, ngày 27/7 hằng năm trở thành ngày kỷ niệm thiêng liêng của cả dân tộc.

Thiêng liêng bởi lẽ, hiếm có dân tộc nào trên thế giới lại chịu nhiều hy sinh, gian khổ như dân tộc Việt Nam. Mấy chục năm đằng đẵng chiến tranh, bao nhiêu xương máu của lớp lớp các thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống. Trên dải đất hình chữ S, đâu đâu cũng có nghĩa trang liệt sỹ, đâu đâu cũng tượng đài Tổ quốc ghi công.

Để bảo vệ nền độc lập, tự do, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, gần 1,2 triệu người con ưu tú đã ngã xuống, gần 200.000 người trong số đó chưa tìm được hài cốt, gần 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được danh tính, hàng triệu thương binh, bệnh binh vẫn mang trên mình thương tích của chiến tranh. Hơn 9,2 triệu người có công là các cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ...

Dành một ngày để tri ân những hy sinh, mất mát đó, chắc chắn là không đủ.

Nhưng bằng công việc cụ thể, thiết thực để khơi dậy lòng biết ơn, khơi dậy lòng tự hào, khơi dậy trách nhiệm của cộng đồng đối với sự hy sinh, mất mát đó là vô cùng cần thiết.

Trách nhiệm của chúng ta là hoàn thiện chính sách, pháp luật đối với người có công; Khẩn trương xác minh thông tin để công nhận người có công với cách mạng; Xác định danh tính liệt sĩ và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ… đồng thời tích cực phát hiện, điều tra, làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện chính sách người có công với cách mạng để bảo vệ quyền lợi của người có công, đảm bảo ý nghĩa, hiệu quả của chính sách đền ơn đáp nghĩa…

Trách nhiệm của chúng ta ngày hôm nay không chỉ dừng lại ở việc giáo dục thế hệ trẻ về giá trị của hòa bình, giáo dục họ về lòng biết ơn, về tinh thần hy sinh cao cả mà hơn hết, mỗi người Việt Nam phải luôn ý thức được rằng: Chúng ta không được phép phản bội lại lý tưởng của những người đi trước, đề cao chủ nghĩa cá nhân, đoạt vinh hoa phú quý bằng mọi giá, bất chấp đạo lý và công lý.

Sống sao để “xứng đáng với tiền nhân tiên tổ, xứng đáng với máu đào của các liệt sĩ đã hy sinh”- Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn như vậy.

Còn đó những người mẹ chưa yên tâm nhắm mắt xuôi tay vì chưa tìm được phần mộ của con, còn đó những gia đình thương binh, bệnh binh chật vật với cơm áo gạo tiền, còn đó những nạn nhân chất độc da cam sống dưới mức nghèo khổ…

Bù đắp bao nhiêu cũng không đủ nhưng chúng ta hãy hành động bằng mệnh lệnh của trái tim, sớm ngày nào tốt ngày đó, đừng để chậm trễ hơn nữa./.