Nơi in dấu tình hữu nghị Việt - Lào
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Nầm hiện an táng 1.208 hài cốt liệt sỹ. Ngoài những chiến sỹ đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đây cũng là nơi an nghỉ của hàng trăm quân tình nguyện Việt Nam tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, trong đó Lào là nhiều nhất.
Theo các tài liệu lịch sử, ngày 30/10/1949, trên cơ sở thắng lợi của cách mạng hai nước Việt Nam - Lào, Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương quyết định cử các lực lượng quân sự Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp đỡ cách mạng Lào, tổ chức thành hệ thống riêng và lấy tên là quân tình nguyện (gồm quân tình nguyện và chuyên gia).
Ngày 02/12/1975, nước CHDCND Lào thành lập, mở ra một kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, đất nước Lào lúc đó vẫn chìm trong bom đạn, các thế lực liên tục chống phá. Theo đề nghị của Đảng và Nhà nước Lào, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục sát cánh với nhân dân các bộ tộc và lực lượng vũ trang Lào chiến đấu, đập tan sự chống đối của các nhóm phản động (nhóm Phỉ), ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Năm 1999, nhóm Phỉ cuối cùng tại Lào bị xóa sổ.
Ngoài ra, quân tình nguyện Việt Nam còn giúp nước bạn Lào khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn làm sạch môi trường hàng nghìn ha đất; thi công hàng nghìn km đường giao thông; xây trường học, cơ sở y tế; giúp dân các bộ tộc vùng sâu vùng xa bảo vệ bản làng, phát triển kinh tế.
Với 145 km đường biên giới tiếp giáp với Lào, Hà Tĩnh và nhiều tỉnh của Lào luôn duy trì mối quan hệ gắn kết về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội… Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Hà Tĩnh đã cử 60 cán bộ, chiến sĩ sang phối hợp với quân dân Lào chiến đấu, giải phóng một số vùng. Đến thời kỳ chống đế quốc Mỹ, Tiểu đoàn 48B, Tiểu đoàn 44B, Tiểu đoàn 50, hai đại đội đặc công, hai đại đội súng máy, một đại đội pháo 85 ly, một đại đội DKZ, hơn 500 dân công hỏa tuyến của tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục sang Lào, phối hợp với nước bạn đánh địch, bảo vệ Đảng, chính quyền, giải phóng hoàn toàn hai tỉnh Bôlykhămxay và Khăm Muộn.
Theo thống kê của Ban liên lạc quân tình nguyện - chuyên gia Việt Nam giúp cách mạng Lào, trong thời gian làm nhiệm vụ quốc tế, hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ, chuyên gia Việt Nam đã hy sinh, bị thương. Hà Tĩnh có gần 1.000 liệt sỹ, 2.000 thương binh đã ngã xuống và bị thương ở xứ sở Triệu Voi.
Từ năm 1999 đến nay, tỉnh Hà Tĩnh thành lập đoàn công tác đặc biệt, phối hợp với nhà nước Lào, tìm kiếm, cất bốc được 660 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia hy sinh tại Lào đưa về nghĩa trang Nầm an táng. Riêng mùa khô 2021-2022, đội quy tập của tỉnh tổ chức 50 lượt tìm kiếm, cất bốc được 9 hài cốt liệt sỹ.
Đón hàng nghìn lượt khách mỗi năm
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Nầm xây dựng từ năm 1978, nằm trên ngọn đồi thoải rộng 22.000 m2 dưới núi Nầm, giáp ranh giữa hai xã Sơn Châu và Sơn Bình (huyện Hương Sơn). Đây là vùng đất sơn thủy hữu tình, được bao bọc bởi núi Nầm sừng sững uy nghi, phía mặt tiền là dòng sông Ngàn Phố uốn hình cánh cung đổ về bến Tam Soa (xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ), phía sau là những rừng thông trùng điệp, gió thổi vi vu, du dương như bản nhạc.
Nghĩa trang gồm các hạng mục chính như tượng đài, các khu mộ, đường lên xuống, công trình thoát nước, hệ thống cây xanh… Nhìn từ trên cao, quần thể trông giống hình mai rùa với những ngôi mộ xếp theo hình bậc thang, tạo nên kiến trúc độc đáo. Tại các đường đi giữa những ngôi mộ, cỏ cây luôn được cắt tỉa sạch sẽ. Hệ thống đường đi xung quanh nghĩa trang được xây bằng bêtông và đổ nhựa, thuận tiện cho xe cộ ra vào. Tại khu vực này hệ thống cây xanh được chính quyền trồng nhiều nhằm tạo cảnh quan xanh, sạch, là nơi khách hành hương nghỉ ngơi, hóng mát. Vào mùa hoa, những bông bằng lăng trước cổng luôn nở rộ, khoe sắc tím mang lại dấu ấn tỏa sáng, ấm áp cho toàn công trình.
Ông Phạm Duy Tân, 68 tuổi, ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn chia sẻ, hàng chục năm qua thường xuyên qua lại nghĩa trang Nầm để dâng hương, chăm sóc cho phần mộ em trai là liệt sĩ Phạm Anh Tuấn, mất năm 1979 tại chiến trường Lào. “Từ một ngọn đồi trống với vài chục phần mộ, nay Nầm đã thành “ngôi nhà” của hàng nghìn liệt sĩ ngã xuống vì nền hòa bình của dân tộc và sự nghiệp quốc tế cao cả. Tôi và nhiều người nhà liệt sĩ cảm nhận được sự thay đổi tích cực hàng ngày của nghĩa trang cũng như vùng đất Hương Sơn, rất biết ơn và mong chính quyền luôn giữ tinh thần phát triển này", ông Tân nói.
Ông Hồ Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, nghĩa trang liệt sỹ Nầm là công tình biểu tượng cho khối sức mạnh đoàn kết Việt - Lào, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, uống nước nhớ nguồn tới các tầng lớp nhân dân. Những ngày lễ trọng đại của đất nước và địa phương, huyện thường xuyên tổ chức các đoàn đến Nầm dâng hương, báo công, bày tỏ lòng thành kính đối với các anh hùng liệt sĩ. Mỗi năm nơi đây đón hàng nghìn lượt khách, thân nhân liệt sĩ đến hành hương.
Theo ông Hồ Thái Sơn, quy mô phần mộ tại nghĩa trang là hơn 1.400 ngôi mộ, đến nay đã an táng hơn 1.200 ngôi mộ, còn khoảng 200 mộ phần nữa, dự kiến đủ đáp ứng cho khoảng 30 năm tới. Trong định hướng phát triển, huyện Hương Sơn đang trình lên tỉnh phương án mở rộng, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ Nầm từ quy mô 22.000 m2 lên 38.000 m2, với tổng kinh phí đề xuất khoảng 150 tỷ đồng, đổi tên thành Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào Nầm Hương Sơn, kế hoạch thực hiện khoảng năm 2030.
Với kế hoạch vạch ra, quần thể sẽ được nâng cấp phần tượng đài, mở rộng mộ liệt sĩ cùng nhiều công trình phụ trợ khác. Hệ thống cây được trồng thêm với xu hướng trở thành công viên cây xanh, một số biểu tượng liên quan quân đội sẽ được dựng mới, tạo nên nhiều thiết kế kiến trúc độc đáo mang điểm nhấn riêng. Trong tương lai, huyện Hương Sơn muốn xây dựng nghĩa trang liệt sĩ Nầm thành một điểm du lịch văn hóa tâm linh, kết nối với các địa chỉ đỏ khác của tỉnh Hà Tĩnh, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân trong vùng.
Theo phân tích, Sơn Châu và Sơn Bình, nơi nghĩa trang Nầm tọa lạc là vùng đất giàu trầm tích văn hóa. Nơi này sẽ liên kết với với các danh thắng nổi tiếng trong vùng như Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông (xã Sơn Trung), chùa Côn Sơn (xã Sơn Tiến) chùa Bụt Mọc (xã Sơn Ninh), đền Đức Mẹ, đền Bạch Vân (xã Sơn Thịnh)… hình thành nên chuỗi du lịch tâm linh của Hương Sơn nói riêng và Hà Tĩnh nói chung, đó là điều mà người làm quy hoạch hướng đến.
“Những lần đón hài cốt liệt sĩ từ Lào về, hàng nghìn người đứng dọc hai bên đường chào đón, bày tỏ sự biết ơn thành kính. Chứng kiến tình cảm đó chúng tôi rất xúc động, thấu hiểu nỗi lòng của bà con. Xác định được vai trò, trách nhiệm lớn lao, trong tương lai huyện sẽ tập trung nguồn lực, thay áo mới cho nghĩa trang Nầm, đưa công trình trở thành ngôi nhà chung của các liệt sĩ, in dấu tình hữu nghị quốc tế, làm tròn đạo lý đối với quân đội, quân tình nguyện, chuyên gia đã hi sinh”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Hồ Thái Sơn nói.