Học tập tích cực tạo cho học viên sự hứng thú, phát triển tư duy phản biện, giúp học viên tự khẳng định mình và nuôi dưỡng khát khao sáng tạo. Học viên không thụ động, chờ đợi mà tự lực, tích cực tham gia vào quá trình tìm kiếm, khám phá, phát hiện kiến thức, vận dụng để giải quyết vấn đề trong thực tiễn.
Thông qua phương pháp học tập tích cực còn tác động tới đội ngũ giảng viên phải tìm tòi sáng tạo, linh hoạt trong áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học phù hợp với từng đối tượng học viên. Việc sử dụng phương pháp học tập tích cực thôi thúc học viên chủ động tham gia vào hoạt động học tập từ khâu phát hiện vấn đề, tìm giải pháp và thực hiện các giải pháp, rút ra kết luận dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của giảng viên. Khi chủ động tham gia vào quá trình học tập, học viên không chỉ nắm vững kiến thức mà còn phát triển kỹ năng làm việc nhóm, tự nghiên cứu và ra quyết định độc lập - những kỹ năng cần thiết trong hoạt động quân sự, giúp học viên bổ sung được kiến thức, tư duy và các kỹ năng cần thiết, đáp ứng được chuẩn đầu ra theo mục tiêu, yêu cầu đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ ở từng cương vị công tác sau khi tốt nghiệp ra trường.
Phương pháp học tập tích cực phát triển thái độ tích cực, chủ động, sáng tạo, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, cách giải quyết vấn đề, cách sống và trưởng thành của học viên. Học tập tích cực giúp học viên tăng cường sự tham gia vào các hoạt động học tập, phát triển năng lực sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề.
Các tiềm năng của học viên được phát huy tối đa, tạo ra một môi trường học tập, học viên tự khám phá dưới sự hướng dẫn, định hướng của giảng viên. Học viên tự lựa chọn các hình thức học tập đa dạng, linh hoạt; nội dung học tập phù hợp với khả năng, thiên hướng của học viên, học viên phát triển mối quan hệ thầy - trò, tinh thần hợp tác học viên - học viên dân chủ.
Phương pháp học tập tích cực chuyển từ cơ chế "tiếp nhận" thụ động kiến thức sang cơ chế "tự hình thành" kiến thức. Chuyển từ các phương pháp sao chép, lắng nghe, tái hiện trí nhớ (học thuộc lòng), sang giải quyết tình huống, vấn đề, tự lực tìm kiến thức, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chuyển từ độc thoại, đơn thoại sang đối thoại, hợp tác trò - thầy, trò - trò. Các cấp độ tích cực của học viên được tăng dần từ bắt chước, tái hiện, tìm tòi, sáng tạo.
Học viên chuyển từ vai trò khách thể, tiếp thu thụ động sang vai trò chủ thể, tự chỉ đạo, tự tổ chức, tự kiểm tra, đánh giá quá trình nhận thức của mình. Học viên là chủ thể của hoạt động học, tự tìm ra kiến thức bằng hành động của chính mình. Giảng viên không đặt ra trước cho học viên những kiến thức có sẵn mà là những tình huống, những nhiệm vụ cụ thể, sinh động để học viên có nhu cầu khám phá, giải quyết, phát huy tiềm năng sáng tạo. Mối quan hệ giữa học viên - giảng viên chuyển từ một chiều sang tương tác. Giảng viên là người tổ chức các mối quan hệ trò - thầy, trò - trò. Giảng viên là trọng tài khoa học, đưa ra những kết luận và kiểm tra - đánh giá trên cơ sở học viên tự kiểm tra, đánh giá.
Hiện nay, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Học viện Chính trị tiếp tục có sự phát triển mới cả về quy mô, loại hình, đối tượng, phương thức và yêu cầu ngày càng cao về chất lượng đòi hỏi cần có những giải pháp toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp dạy học tích cực trong đó sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên là một trong những đột phá.
Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường vụ Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, các khoa giáo viên, sự lãnh đạo, chỉ đạo của đảng ủy, chỉ huy các hệ quản lý học viên, hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên ở Học viện Chính trị đã cơ bản đạt được yêu cầu đề ra, học viên sau khi tốt nghiệp ra trường đã khẳng định được phẩm chất, năng lực của bản thân ở từng cương vị công tác. Tuy nhiên, nhận thức của một số chủ thể về nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên chưa đầy đủ; nội dung, hình thức, biện pháp để phát huy hiệu quả sử dụng phương pháp học tập của học viên có thời điểm chưa phù hợp, còn hình thức, hành chính hóa; kết quả học tập và tư duy sáng tạo của học viên có nội dung chưa bền vững.
Quá trình sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên ở Học viện Chính trị hiện nay rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng đối với nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên ở Học viện Chính trị hiện nay
Lý luận và thực tiễn đều cho thấy, mọi hoạt động của con người phải bắt đầu từ nhận thức. Trên cơ sở nhận thức và chỉ có nhận thức đúng mới có cơ sở hành động đúng. Các cấp ủy, chỉ huy, cán bộ, giảng viên và học viên là chủ thể trực tiếp của nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên đòi hỏi phải có nhận thức đúng đắn, đầy đủ, làm cơ sở phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức hoạt động thực tiễn của nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được". Do vậy, có thể khẳng định đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên.
Hiện nay, thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, Học viện đang đẩy mạnh quá trình đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng gắn trang bị kiến thức với trang bị, bồi dưỡng kỹ năng tay nghề; chương trình, đột phá vào nâng cao chất lượng giảng dạy. Vì thế, nhiệm vụ hàng đầu của cán bộ, giảng viên ở Học viện cần quán triệt và thực hiện tốt những chủ trương đổi mới giáo dục, đào tạo của Học viện, trong đó, nhận thức đầy đủ và sâu sắc về phát huy phương pháp dạy học tích cực, cụ thể hóa thành các nội dung, chỉ tiêu cụ thể trong nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy các cấp, kết hợp chặt chẽ giữa giao nhiệm vụ với quá trình tổ chức thực hiện mà bồi dưỡng giáo dục cán bộ, giảng viên cả về ý chí quyết tâm, kỹ năng sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên đạt hiệu quả cao.
Quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo thực chất là hướng tới phát huy cao nhất vai trò người học trong việc biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo. Để quá trình học tập, rèn luyện của học viên thật sự đạt hiệu quả, cần làm cho các chủ thể, trước hết là học viên nhận thức sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của tính tích cực, tự giác trong học tập. Coi đây là một trong những nội dung, biện pháp quan trọng để bản thân có thêm kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; là cơ sở, điều kiện bảo đảm cho bản thân có những phẩm chất, năng lực, tác phong công tác của người cán bộ chính trị. Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, từng học viên phải tự xác định động cơ phấn đấu đúng đắn và quyết tâm tự phấn đấu vươn lên trong học tập tại Học viện. Các chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành cũng như chủ thể trực tiếp điều hành hoạt động giảng dạy, học tập cần đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp theo hướng đề cao vai trò người học, đổi mới phương pháp giảng dạy và đánh giá người học sao cho mỗi cá thể đều có cơ hội được khẳng định đúng, được tôn trọng.
Lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, giảng viên trong Học viện và học viên là chủ thể trực tiếp quá trình nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên. Do vậy, trách nhiệm của lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, giảng viên, học viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả của quá trình giáo dục, đào tạo. Trước hết, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện phải thường xuyên quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cụ thể hóa thành nhiệm vụ, mục tiêu giáo dục, đào tạo của Học viện, phát huy trách nhiệm chính trị của hệ thống chỉ huy, cán bộ, giảng viên và học viên trong quá trình nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên. Trong quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục phải thường xuyên nắm chắc và đánh giá đúng nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên, coi đó là một nội dung trong tiêu chuẩn đánh giá, bình xét đảng viên và tổ chức đảng của các lực lượng tham gia trong quá trình giáo dục, đào tạo.
Các khoa giáo viên trực tiếp trang bị kiến thức cơ bản toàn diện, chuyên sâu về các chuyên ngành, kiểm tra chất lượng giáo dục, đào tạo cho học viên. Do đó, đòi hỏi lãnh đạo, chỉ huy khoa phải thường xuyên chủ động, có kế hoạch cụ thể, thường xuyên bám sát tiến trình đào tạo, lãnh đạo, chỉ đạo đội ngũ giảng viên tích cực đổi mới nội dung, chương trình huấn luyện trong từng chuyên đề, từng học phần theo hướng phát huy tính tích cực của học viên, chú trọng các hình thức xênima, tập bài, thực hành xử lý các tình huống tập bài, tích cực bổ sung những kiến thức mới. Đây là những nội dung rất cần thiết trực tiếp phát huy tính tích cực trong học tập của học viên.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng đối với nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên ở Học viện Chính trị hiện nay
Tăng cường sự lãnh đạo của đảng uỷ; chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chức năng là yêu cầu khách quan và là giải pháp cơ bản có ý nghĩa quyết định thành công đối với nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên. Đây là giải pháp xuất phát từ nguyên tắc tổ chức sự lãnh đạo của Đảng và vai trò, nhiệm vụ lãnh đạo của đảng ủy; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra cơ quan chức năng đối với việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ học tập của học viên. Thực tiễn cho thấy, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên còn có mặt chưa cao là do sự lãnh đạo của cấp uỷ, sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cơ quan chức năng có lúc, có nơi chưa thường xuyên chặt chẽ và sâu sát. Do vậy, hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên có lúc còn thấp, chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có thời điểm còn chưa sát, chưa thiết thực. Việc thực hiện nội dung, vận dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên có thời điểm còn chưa phù hợp, chưa bám sát yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn của đơn vị. Một số cơ quan chức năng chưa phát huy tốt vai trò tham mưu, đề xuất giúp cấp ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên cần tập trung vào tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy Học viện, các đảng ủy phòng, ban, khoa, hệ quản lý học viên, cán bộ chủ trì các cấp; tăng cường sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của các cơ quan chức năng, đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các hệ đối với việc nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đảng ủy hệ quản lý học viên đối với nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên
Ba là, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy theo chuẩn đầu ra nâng cao hiệu quả sử dụng phương pháp học tập tích cực của học viên, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo
Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy theo chuẩn đầu ra là một trong những giải pháp quan trọng, là đòi hỏi bức thiết của thực tiễn giáo dục, đào tạo của Học viện và đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các đơn vị trong toàn quân hiện nay. Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW ngày 20/12/2022 của Quân ủy Trung ương đã chỉ rõ: "Rà soát, đổi mới quy trình đào tạo theo hướng rút ngắn thời gian đào tạo tại nhà trường, tăng cường thực hành, thực tập, thực tế, tự học của học viên... Chuẩn hóa các chương trình đào tạo bảo đảm cách mạng, khoa học, liên tục, kế thừa, tích hợp, sát với thực tế và phát triển... Rà soát, xây dựng, điều chỉnh kịp thời chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo bảo đảm thiết thực, nhất quán với mục tiêu của chương trình đào tạo và liên thông với chuẩn đầu vào của trình độ đào tạo, bậc học cao hơn... Chắt lọc, tinh chỉnh nội dung các chương trình đào tạo để giảm tải, bảo đảm tính khả thi, cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiệu quả, có hệ thống, từng bước hiện đại và được cập nhật thường xuyên... Đổi mới hình thức, phương pháp dạy học theo hướng hiện đại". Tích cực thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng chương trình, nội dung và phương pháp giáo dục, huấn luyện và bồi dưỡng theo phương châm "chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị".
Do vậy, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chuẩn đầu ra thì các khoa, cơ quan, đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, điều chỉnh chương trình, nội dung môn học theo hướng kết hợp trang bị tri thức với kỹ năng tay nghề cho học viên; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy tính tích cực của người học, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, kết hợp trang bị kiến thức với bồi dưỡng kỹ năng tay nghề và đổi mới việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học viên bảo đảm chặt chẽ, khách quan và chính xác, khuyến khích những học viên tích cực sử dụng phương pháp học tập tích cực.