Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng quy định tổ chức tín dụng chỉ được phép mua lại TPDN khi doanh nghiệp đạt một số điều kiện sẽ hạn chế hoạt động tái cơ cấu lại nợ như tinh thần Nghị định 08 vừa qua về trái phiếu doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều và ngưng hiệu lực thi hành khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10.11.2021 quy định về việc TCTD mua, bán trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Theo đó, dự thảo ngưng hiệu lực thi hành đối với quy định tại khoản 11 Điều 4 Thông tư số 16/2021/TT-NHNN đến hết ngày 31.12.2023. Ngân hàng chỉ được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom mà ngân hàng này đã bán và/hoặc trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết được phát hành cùng lô/cùng đợt phát hành với trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết mà tổ chức tín dụng đã bán.
Điều kiện kèm theo là bên mua trái phiếu doanh nghiệp từ tổ chức tín dụng thanh toán toàn bộ tiền tại thời điểm ký kết hợp đồng bán trái phiếu doanh nghiệp cho bên mua trái phiếu; doanh nghiệp phát hành trái phiếu được xếp hạng ở mức cao nhất theo quy định xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng tại thời điểm gần nhất trước khi tổ chức tín dụng mua trái phiếu doanh nghiệp…
Với doanh nghiệp phát hành, hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành và đã được kiểm toán.
Ngoài ra, tổ chức tín dụng khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong đó có mục đích nhằm thực hiện bảo đảm nghĩa vụ, tổ chức tín dụng phải phong tỏa số tiền mua trái phiếu cho đến khi chấm dứt nghĩa vụ bảo đảm. Không những thế, các ngân hàng phải sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch mua trái phiếu với bên bán trái phiếu.
Thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư yêu cầu các tổ chức tín dụng tất toán trái phiếu trước hạn. Tuy nhiên, quy định hiện hành khiến NHTM không mua lại được chính những trái phiếu doanh nghiệp mà họ từng bán ra và có cam kết mua lại cho nhà đầu tư cá nhân.
Việc dự thảo cho phép ngân hàng mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trước đó, sẽ giảm áp lực cho chính ngân hàng thương mại và doanh nghiệp phát hành, giúp tăng tính thanh khoản cho thị trường trái phiếu trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng, khá nhiều doanh nghiệp phải "khất nợ" trái phiếu đến hạn thanh toán.
Dự thảo sửa đổi quy định tổ chức tín dụng chỉ được phép mua lại khi doanh nghiệp đạt một số điều kiện như có phương án khả thi, có khả năng trả nợ gốc và lãi, có tỷ lệ vay nợ thấp và không được dùng để góp vốn, mua cổ phần ở công ty khác để hạn chế rủi ro, TCTD phải sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt,... giúp tránh việc mua lại trái phiếu thiếu chọn lọc, giúp khơi thông dòng vốn cho các ngành sản xuất kinh doanh, bán lẻ, dần phục hồi niềm tin cho thị trường.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung quy định TCTD chỉ có thể mua TPDN của doanh nghiệp phát hành có hệ số nợ phải trả (bao gồm cả khối lượng trái phiếu dự kiến phát hành) không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất tại thời điểm phát hành và đã được kiểm toán. Quy định này sẽ tránh việc nhiều doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy cao, lên đến chục và vài chục lần không được TCTD mua nữa.
Tuy nhiên, quy định này sẽ loại trừ ra khá nhiều trái phiếu doanh nghiệp bất động sản mà ngân hàng thương mại có thể mua lại.
Bình luận về dự thảo này, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết có mối liên quan chặt chẽ với nhau.
Việc ngân hàng - trái chủ lớn nhất - ước tính chiếm khoảng 34% tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành, tham gia tháo gỡ vướng mắc cho trái phiếu doanh nghiệp rất có ý nghĩa trong việc khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản.
Và ngược lại, thị trường bất động sản có dòng tiền “chạy", các nhà phát hành TPDN không vỡ nợ, các ngành nghề "ăn theo" như xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng phục hồi sẽ tránh việc đổ vỡ một cách liên hoàn, ngăn hệ lụy xấu cho cả hệ thống tài chính tiền tệ và nền kinh tế.
Tuy nhiên, cần bổ sung quy định các điều kiện để tổ chức tín dụng được phép mua lại trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lại nợ như tinh thần Nghị định 08 vừa qua, giúp các doanh nghiệp bất động sản đang có khoản nợ trái phiếu không lâm vào cảnh “chết tắc”, mở ra cho họ hy vọng, có thêm thời gian cơ cấu nợ, có phương án thích hợp để tái cấu trúc lại sản phẩm, có cơ hội phát triển, có lợi cho thị trường, nhà đầu tư và kinh tế nói chung.
Bên cạnh đó, để tạo nên một thị trường minh bạch thông tin, ổn định và bền vững, ông Đính cho rằng ngoài việc sửa đổi các quy định pháp luật thì cần thiết phải có một tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín.
Đây là tổ chức trung gian cung cấp thông tin về sức khỏe của tổ chức phát hành, ngăn chặn các rủi ro, đồng thời giúp thị trường TPDN phát triển lành mạnh và bền vững, tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Lấy ví dụ ở Mỹ hiện có ba công ty xếp hạng tín dụng lớn nhất là Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch. Hệ thống xếp hạng tín dụng dựa trên chữ cái duy nhất của mỗi công ty sẽ giúp cho các nhà đầu tư nhanh chóng có thể xem trái phiếu có rủi ro vỡ nợ thấp hay cao và liệu tổ chức phát hành có ổn định về tài chính hay không.
Ví dụ xếp hạng cao nhất của Standard & Poor là AAA và trái phiếu không còn được coi là cấp độ đầu tư nếu nó rơi xuống trạng thái BB+. Xếp hạng thấp nhất, D, chỉ ra rằng trái phiếu bị vỡ nợ. Điều đó có nghĩa là tổ chức phát hành chậm thanh toán lãi và trả nợ gốc cho trái chủ.