Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 với doanh thu thuần đạt 2.452 tỷ đồng, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về 619 tỷ đồng (chiếm 25%); Mảng từ lương thực đem về doanh thu 1.675 tỷ đồng; Còn lại doanh thu từ hạt giống cây trồng 112 tỷ đồng. Tuy nhiên do giá vốn hàng bán tăng gần 400 tỷ đồng đã đẩy lợi nhuận gộp giảm 50%, xuống còn 273 tỷ đồng.
Trong kỳ, chi phí tài chính tăng gấp 2 lần lên 147 tỷ đồng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cao. Kết quả, Tập đoàn báo lỗ trước thuế 77 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 244 tỷ đồng, và lỗ sau thuế là hơn 81 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 được tổ chức vào giữa tháng 4/2023, Tập đoàn đặt kế hoạch lợi nhuận vượt kế hoạch (400 tỷ đồng). Với kết quả trên, LTG không đạt được kế hoạch lợi nhuận sau thuế tối thiểu 400 tỷ đồng đề ra tại ĐHĐCĐ năm nay. Ngoài ra, tập đoàn này còn định hướng đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2024, đạt 1 triệu ha đất canh tác theo mô hình sản xuất Lộc Trời 123 – sản xuất quy mô lớn và cơ giới hoá đồng bộ, giảm 1 triệu lít hoá chất rải xuống đồng ruộng.
Tính tới ngày 31/3/2023, tổng tài sản của LTG đạt 10.936 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm. Trong đó, tăng chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn hơn 4.891 tỷ đồng, chiếm 45% tổng tài sản. Chỉ số hàng tồn kho đạt 2.742 tỷ đồng, tăng 29% so với số đầu năm, chủ yếu đến từ nguyên vật liệu và thành phẩm.
Dư nợ tính đến cuối tháng 3/2023 của Tập đoàn là 7.870 tỷ đồng, tăng 41% so với số đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng 67% lên 6.253 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Tập đoàn tính đến cuối kỳ của công ty ghi nhận 3.067 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/5 cổ phiếu LTG giảm sâu còn 27.400 đồng/cp.
Báo cáo nhận định về LTG của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, LGT là doanh nghiệp dẫn đầu ngành thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và gạo có thương hiệu; Do vậy, xu hướng dịch chuyển sang sử dụng các sản phẩm hữu cơ, thuốc sinh học trong nông nghiệp sẽ tạo tiềm năng tăng trưởng cho mảng thuốc bảo vệ thực vật của LTG.
VNDirect kỳ vọng công ty sẽ ghi nhận mức tăng trưởng ổn định từ năm 2023. Bên cạnh đó, mảng thực phẩm sẽ hưởng lợi từ nhu cầu nhập khẩu gạo tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Philippine và Trung Quốc. Đồng thời giá gạo có xu hướng tăng ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu và người tiêu dùng tại các thành phố lớn đang có xu hướng chuyển sang tiêu thụ gạo có thương hiệu. Cũng do vậy, ngoại trừ kết quả lỗ trong quý 1/2023, nếu tiết giảm được chi phí sẽ cải thiện được doanh thu và lợi nhuận sau thuế của LTG trong các quý tới.
Theo ước tính của VNDirect, tổng doanh thu của các doanh nghiệp niêm yết ngành gạo đã tăng 8,5% trong năm 2022. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận biên lợi nhuận gộp giảm do áp lực chi phí đầu vào như chi phí phân bón và giá thu mua lúa tăng cho rằng nhu cầu gạo thế giới sẽ duy trì ở mức cao trong năm 2023 do những bất ổn thế giới, đẩy nhu cầu dự trữ gạo lên cao. Năm 2023, do ảnh hưởng của hạn hán, sản lượng gạo của Trung Quốc được dự báo giảm hơn 3 triệu tấn. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo, trong đó có Việt Nam. Với doanh thu chính từ mảng lương thực đây cũng là cơ hội cho LTG mảng doanh thu cốt lõi của Tập đoàn…