Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử vụ án dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật - Thực tiễn vận dụng và một số kiến nghị

Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử là một trong những nguyên tắc quan trọng, chi phối hoạt mọi lĩnh vực, bao gồm cả tư pháp dân sự. Nguyên tắc Tòa án độc lập xét xử được áp dụng trong lĩnh vực tư pháp dân sự được đảm bảo để hoạt động xét xử các vụ án dân sự không chịu sức ép, bị chi phối bởi bất kỳ một yếu tố nào nhằm bảo vệ lợi ích của các bên một cách công bằng. Bài viết phân tích cách tiếp cận mới đối với việc áp dụng nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong tư pháp dân sự, từ đó nêu kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng nguyên tắc này trong giải quyết việc dân sự.

Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử vụ án dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật - Thực tiễn vận dụng và một số kiến nghị

                                                                                                    Hoàng Minh Sơn*

 

Tóm tắt: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử là một trong những nguyên tắc quan trọng, chi phối hoạt mọi lĩnh vực, bao gồm cả tư pháp dân sự. Nguyên tắc Tòa án độc lập xét xử được áp dụng trong lĩnh vực tư pháp dân sự được đảm bảo để hoạt động xét xử các vụ án dân sự không chịu sức ép, bị chi phối bởi bất kỳ một yếu tố nào nhằm bảo vệ lợi ích của các bên một cách công bằng. Bài viết phân tích cách tiếp cận mới đối với việc áp dụng nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật trong tư pháp dân sự, từ đó nêu kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng nguyên tắc này trong giải quyết việc dân sự.

Từ khóa: độc lập xét xử; tư pháp dân sự; vụ án dân sự, việc dân sự; người tiến hành tố tụng dân sự; Thẩm phán, Hội thẩm

Abstract. Judges, People's Jurors are independent and obey only to the law in judicial activities is one of fundamental  principles of justice in all judicial fields, including  civil justice. Application of the principle of judicial independence  in civil justice ensures judges and jurors are not under any pressure or influence by any factor, any person in order to fairly protect the interests of the parties. The article analyzes the new approach to applying the principle of independent judgment and only obeying the law in civil justice, thereby making recommendations to improve the effectiveness of applying this principle in resolving civil matters.

Keywords: judicial independence; civil justice; civil cases, civil matters; person conducting civil proceedings; Judge, Jury

 

1.  Dẫn đề

Trong xã hội dân chủ pháp quyền, xét xử độc lập của Tòa án đã trở thành một trong những nguyên tắc hiến định ở hầu hết các quốc gia nhằm bảo đảm sự công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp pháp lý của Tòa án. Có ý kiến cho rằng “không có sự độc lập của Tòa án thì sẽ không có công lý và không có được niềm tin của nhân dân vào công lý”[1]. Độc lập của Tòa án trong hoạt động xét xử đã trở thành giá trị đồng hành với công lý và “được coi là một trong những yêu cầu tiên quyết của nền pháp quyền dân chủ”[2]. Ở Việt Nam, nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập trong TTDS được hiểu là không ai và không một cơ quan nào có quyền can thiệp vào hoạt động xét xử của Tòa án; đồng thời, xét xử độc lập còn được hiểu là sự độc lập của mỗi cấp xét xử theo thẩm quyền. Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

2.  Những giá trị phổ quát và đặc thù của nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử vụ án dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

Ngày nay, trên thế giới, nguyên tắc xét xử độc lập của Tòa án trở thành giá trị mang tính phổ quát, phổ biến, được pháp luật quốc tế và pháp luật của nhiều quốc gia ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Tuyên ngôn thế giới về quyền con người (tại Điều 10) và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (tại khoản 1, Điều 14) khẳng định rằng: mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một Tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được thành lập trên cơ sở pháp luật. Các văn kiện quốc tế và ở các khu vực trên thế giới đều đưa ra những nguyên tắc căn bản để các quốc gia thành viên xây dựng chế định bảo đảm Tòa án xét xử độc lập. Chẳng hạn, Nghị quyết 40/32 ngày 29-11-1985 và Nghị quyết 40/146 ngày 13-12-1985 quy định các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của Tòa án, khuyến nghị các nội dung và điều kiện tiên quyết để bảo đảm để Tòa án độc lập, xét xử phải “vô tư, không thiên vị”[3]. Tương tự, Hiến chương châu Âu về quy chế đối với Thẩm phán năm 1998; Hiến chương phổ quát về Thẩm phán năm 1999; Quy chế Thẩm phán IberoAmerica năm 2001; Nguyên tắc ứng xử tư pháp Bangalore về đạo đức tư pháp năm 2002 đã ghi nhận rõ nội dung tính độc lập của cá nhân Thẩm phán. Như vậy, Tòa án độc lập là việc Tòa án giải quyết các vụ án phải hoàn toàn có khả năng thực hiện các công việc chuyên môn mà không bị ảnh hưởng bởi áp lực từ cơ quan lập pháp, hành pháp, của Tòa án cấp trên hay cấp mình, hoặc bất kỳ cơ quan, cá nhân nào. Ngược lại, Tòa án độc lập là điều kiện tiên quyết nhằm bảo đảm công lý, bảo vệ quyền con người.

Độc lập của Tòa án phải được ghi nhận ở trong Hiến pháp hoặc ở các đạo luật quan trọng trong pháp luật của các quốc gia. Tuyên bố Bắc Kinh (1995) về các nguyên tắc độc lập tư pháp đã nêu rõ rằng độc lập tư pháp có nghĩa là “Cơ quan tư pháp… không chịu sự tác động sai trái, trực tiếp hay gián tiếp của bất kỳ cá nhân, tổ chức, hay cơ quan nào”[4]. Tương tự, Hiến pháp năm 2003 của Ý (tại Điều 104) quy định: “Tư pháp là một nhánh tự trị và độc lập với tất cả các nhánh quyền lực khác”[5]; hay Hiến pháp năm 1996 của Cộng hòa Nam Phi (tại Điều 165) quy định: “Quyền tư pháp của nước Cộng hoà được trao cho các toà án. Các toà án độc lập và chỉ phải tuân thủ Hiến pháp và luật, và phải áp dụng Hiến pháp và luật một cách vô tư, không sợ hãi hay thiên vị[6]Trong khi đó, Hiến pháp năm 1993 của Liên bang Nga quy định: “Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp độc lập với nhau”[7] (Điều 10). Hiến pháp năm 1946 của Nhật Bản (tại Điều 76) quy định: “Các Thẩm phán xét xử một cách độc lập, theo lương tâm, Hiến pháp và luật pháp”[8]. Điều dễ hiểu, rằng nhiều quốc gia ghi nhận và thực hiện nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập bởi vì “độc lập tư pháp mang lại được giá trị cao nhất cho xã hội là người được sống trong một xã hội mà công lý ngự trị, được công lý bảo vệ chống lại những sự xâm hại đối với tài sản, sức khỏe, nhân phẩm và tính mạng”[9].

Việc ghi nhận, thực thi nguyên tắc Tòa án độc lập nói chung và trong xét xử VADS nói riêng có tính đặc thù vì ở mỗi quốc gia do điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa khác nhau. Trong khi ở nhiều quốc gia, quyền tư pháp và sự độc lập của Tòa án là tuyệt đối do cấu trúc mô hình quyền lực nhà nước là phân quyền cứng rắn, hay đối trọng quyền lực thì ở Việt Nam, sự độc lập của Tòa án được đặt trong quan hệ quyền lực nhà nước thống nhất ở Nhân dân: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (khoản 3, Điều 2, Hiến pháp năm 2013). Theo đó, quyền tư pháp, độc lập xét xử của Tòa án là đặc trưng được thừa nhận rộng rãi, như một giá trị không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN), được hiến định tại khoản 3, Điều 103, Hiến pháp năm 2013: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm” và được ghi nhận trong nhiều văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Gần đây, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới khẳng định: “Ðẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”[10].  Do vậy, có quan điểm cho rằng “mức độ của tính độc lập, mức độ của sự kiểm soát của quyền tư pháp đối với quyền hành pháp ở nước ta cũng không giống như ở các nước theo chế độ phân quyền tuyệt đối”[11]. Tựu trung lại, ở nước ta, độc lập của Tòa án là sự độc lập giữa các Tòa án theo thẩm quyền xét xử, độc lập giữa các cấp xét xử bên trong hệ thống của mình; độc lập giữa Thẩm phán, Hội thẩm khi xét xử, nghiêm cấm mọi sự can thiệp vào hoạt động xét xử. Nội hàm của nguyên tắc trên đây trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đã tiệm cận đến các giá trị chung, phổ quát của nền tư pháp dân chủ, phù hợp với pháp luật quốc tế.

3.  Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử vụ án dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

3.1. Độc lập xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm trong xét xử vụ án dân sự

Trên cơ sở quy định tại Hiến pháp năm 2013, nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong xét xử VADS đã được Bộ luật TTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) cụ thể hóa, phát triển đầy đủ. Ngoài việc ghi nhận nội dung nguyên tắc tại Điều 12, Bộ Luật này còn quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, Hội thẩm; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc giải quyết TTDS, bảo đảm sự độc lập, khách quan trong xét xử VADS. Sự độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm được xem là sự độc lập trên thực tế đối với các yếu tố bên ngoài và những yếu tố chủ quan của Thẩm phán, Hội thẩm trong thực hiện nhiệm vụ xét xử. Trong bối cảnh chịu nhiều áp lực, đòi hỏi Thẩm phán, Hội thẩm phải độc lập để hoàn thành tốt nhiệm vụ xét xử. Nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong xét xử VADS được thực hiện trong toàn bộ các giai đoạn tố tụng, thể hiện qua các nội dung sau đây:

 Thứ nhất, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong nội bộ hệ thống Tòa án. Việc quản trị nội bộ hệ thống Tòa án hiện nay ở nước ta được thực hiện bằng cơ chế Tòa án cấp trên quản lý các Tòa án cấp dưới về tổ chức[12]. Cơ chế quản trị này đảm bảo cho cơ quan quản lý nắm chắc năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Tòa án trong đó có đội ngũ Thẩm phán để đào tạo, bồi dưỡng, phân công nhiệm vụ, điều động, bổ nhiệm Thẩm phán. Bên cạnh thẩm quyền quản lý tổ chức nhân sự, theo quy định tại Điều 47, Bộ luật TTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), Chánh án các Tòa án còn có thẩm quyền tổ chức công tác giải quyết vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền. Vì vậy, Thẩm phán, Hội thẩm cần phải được độc lập với Tòa án cấp trên, với Tòa án nơi mình công tác để tránh sự lệ thuộc đối với lãnh đạo Tòa án trong công tác quản lý.

Thực tiễn xét xử VADS cho thấy, cơ chế quản trị nội bộ của Tòa án có thể tác động đến quan hệ tố tụng. Nếu không phân định rành mạch hai quan hệ này sẽ tiềm ẩn khả năng Tòa án cấp trên có thể can thiệp hoặc gây áp lực cho Tòa án cấp dưới, chi phối đến hoạt động xét xử của của Thẩm phán, Hội thẩm[13]. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong xét xử một số VADS, có Thẩm phán, Hội thẩm chưa hoàn toàn được độc lập. Một số trường hợp, khi quyết định đường lối giải quyết vụ án có trường hợp Thẩm phán, Hội thẩm phụ thuộc vào ý kiến của Ủy ban Thẩm phán. Ngoài ra, việc tổ chức hệ thống Tòa án theo cấp cấp hành chính (ở cấp tỉnh, cấp huyện) như hiện nay dễ dàng phát sinh quan hệ mệnh lệnh, hành chính giữa các cấp Tòa án thông qua hoạt động “hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật” của Tòa án có thẩm quyền. Mặc dù về nguyên tắc các “hướng dẫn” này chỉ mang tính chất tham khảo, trao đổi nghiệp vụ nhưng trước áp lực về chuyên môn và vì muốn bảo đảm “an toàn nghề nghiệp” nên có trường hợp “Thẩm phán Tòa án cấp dưới chưa dám xử nếu chưa xin được ý kiến của cấp trên. Năng lực yếu, nỗi lo án hủy dẫn đến nguy cơ không được giới thiệu tái bổ nhiệm, làm cho không ít Thẩm phán phải dựa vào cấp trên”[14].

Thứ hai, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong xét xử VADS còn được thể hiện trong mối quan hệ giữa các cấp xét xử. Pháp luật quy định việc xét xử các VADS được thực hiện theo nguyên tắc hai cấp xét xử là cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm chỉ xem xét lại phần của bản án, quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến phần có kháng cáo kháng nghị. Khi xét xử, Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm hoàn toàn độc lập với những nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm về nội dung của vụ án. HĐXX phúc thẩm có quyền hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm khi xét xử lại vụ án vẫn độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Thứ ba, Thẩm phán, Hội thẩm phải độc lập với Viện kiểm sát (VKS) trong việc xét xử VADS. Theo quy định của pháp luật, trong TTDS, không phải vụ án nào VKS cũng tham gia mà chỉ chỉ tham gia phiên tòa dân sự đối với những vụ án theo quy định của Khoản 2 Điều 21, Bộ luật TTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022). Khi tham gia phiên tòa xét xử, VKS có nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định tại khoản 3 Điều 58, điểm c khoản 1 Điều 254 và khoản 3 Điều 257, Điều 255, Điều 258, khoản 4 Điều 259, Điều 515 của Bộ luật TTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) và Điều 4 và Điều 5 của Thông tư liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC. Ngoài ra, VKS đề xuất hướng giải quyết TTDS theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật.

Thực tiễn cho thấy, nguyên tắc quan trọng trong giải quyết các VADS là Tòa án phải đóng vai trò là trọng tài phân xử tranh chấp của các bên. Tuy nhiên, có vụ án Thẩm phán, Hội thẩm không hoàn toàn độc lập khi ra quyết định. Có ý kiến cho rằng, vì “lo lắng về khả năng phán quyết có thể bị kháng nghị trong trường hợp ý kiến của VKS và của Tòa án khác nhau quá xa về đường lối xét xử vụ án cụ thể có thể làm Tòa án phải cân nhắc ý kiến của mình...có thể ảnh hưởng đến sự độc lập của Tòa án”[15]. Nghiên cứu dưới góc độ bảo đảm cho nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, có học giả nhận định: “Để bảo đảm nguyên tắc độc lập tư pháp , cần bỏ chức năng kiểm sát hoạt động xét xử của VKS”[16] trong xét xử VADS. Thậm chí có quan điểm rằng, việc tham gia của VKS trong xét xử VADS “chỉ có tính chất giám sát, vẫn là yếu tố không thể chấp nhận đối với nhà nước pháp quyền. Điều đáng nói Việt Nam là quốc gia hiếm có, nếu không phải là duy nhất, đang duy trì một thiết chế như vậy, để kiểm soát hoạt động tư pháp”[17].

Thứ tư, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập còn thể hiện HĐXX phải độc lập với nhau trong quá trình xét xử VADS. Pháp luật TTDS xây dựng cơ chế giảm thiểu hoặc tránh khả năng có thể gây ảnh hưởng từ phía Thẩm phán (là người xét xử chuyên nghiệp) đối với Hội thẩm (là người xét xử không chuyên nghiệp, đại diện cho nhân dân tham gia xét xử) và ngược lại. Các thành viên của HĐXX trong việc nghiên cứu hồ sơ, xem xét, đánh giá tài liệu chứng cứ và đưa ra kết luận về vụ án và áp dụng pháp luật không bị phụ thuộc vào quan điểm của các thành viên khác. Cụ thể, Điều 48; Điều 49 và khoản 2 Điều 203 của Bộ luật TTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán, Hội thẩm trong phạm vi pháp luật cho phép và độc lập với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xét xử.

Thực tiễn thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong xét xử VADS tồn tại một số bất cập. Có ý kiến cho rằng “quá trình xét hỏi tại tòa, ý kiến của nhiều Hội thẩm nhiều khi chỉ là để phụ họa thêm cho Thẩm phán chủ tọa phiên tòa[18]. Thậm chí, có quan điểm nhận định: có vụ án “khi Hội thẩm khi tham gia nghị án, họ thường thiếu lý lẽ để bảo vệ chính kiến của mình, gần như “phó thác” trách nhiệm cho Chủ tọa”[19]. Trong khi pháp luật trao cho Hội thẩm “ngang quyền” với Thẩm phán khi thảo luận quyết định những vấn đề của TTDS tuy nhiên có một số Thẩm phán “thiếu kỷ năng, nghiệp vụ xét xử và không có đủ thời gian để nghiên cứu hồ sơ vụ án như Thẩm phán, khiến họ khó có thể tự mình thực hiện được nhiệm vụ”[20]. Vì thế, trong nhiều VADS, Hội thẩm chưa thể độc lập, ngang hàng đối với Thẩm phán.

Thứ năm, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập với các bên đương sự trong xét xử VADS. Khoản 4, Điều 2 Luật tổ chức TAND năm 2014 và khoản 2, khoản 4 Điều 97 Bộ luật TTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022) quy định Tòa án có trách nhiệm xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ để giải quyết các VADS. Những quy định này nhằm bảo đảm sự khách quan của vụ án, để ra phán quyết công bằng cho tất cả các bên. Ý kiến ủng hộ nội dung những quy định này cho rằng, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay “có sự chênh lệch về khoảng cách giàu nghèo, dân trí, văn hóa, giữa thành thị và nông thôn. Do đó, rất nhiều người dân không có điều kiện tranh tụng một cách đầy đủ và do những khoảng cách ấy, nếu "khoán" cho các bên sẽ rất thiệt thòi cho những người yếu thế”[21]. Do vậy, việc quy định về nghĩa vụ thu thập chứng cứ của Tòa án là hợp lý. Tuy nhiên, có quan điểm ngược lại, rằng: “việc Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ sẽ vô hình chung dẫn tới việc thu thập chứng cứ có lợi hoặc bất lợi cho một bên ảnh hưởng đến nguyên tắc vô tư, khách quan của Tòa án”[22].

Thực tiễn vận dụng nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong xét xử VADS có trường hợp Thẩm phán “chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án để giải quyết là chính, còn sự có mặt của người làm chứng, tài liệu, đồ vật, ý kiến của những người được triệu tập đến phiên tòa chỉ là một thủ tục để hoàn thiện hồ sơ vụ án và đúng trình tự theo luật định”[23]. Có một số vụ án do Tòa án cấp sơ thẩm thiếu sự độc lập, vô tư, khách quan đối với các bên đương sự dẫn đến có bản án, quyết định của Tòa án cấp cao hơn hủy, sửa. Tác giả cho rằng, Tòa án phải luôn phát huy vai trò trung lập, trọng tài trong việc xem xét các yêu cầu của đương sự, không phụ thuộc vào các bên đương sự; phải bảo đảm tính khách quan, công bằng và đúng pháp luật trong giải quyết TTDS; tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự; không thiên vị với các bên đương sự trong quá trình tranh tụng. 

Thứ sáu, Thẩm phán, Hội thẩm độc lập khi xét xử VADS còn thể hiện sự độc lập trong mối quan hệ với các cấp chính quyền và nguyên tắc Đảng lãnh đạo toàn diện đối với Nhà nước và xã hội. Ở Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan tư pháp nói chung, Tòa án nói riêng là vấn đề có tính nguyên tắc, hiến định. Sự lãnh đạo của Đảng thông qua đường lối, chủ trương, chính sách về công tác tư pháp mà không làm thay công việc của Tòa án. Các cấp ủy đảng và đảng viên không được can thiệp và chi phối hoạt động xét xử của Tòa án. Điều 221 của Bộ luật TTDS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2022), khoản 7 Điều 2 của Luật tổ chức TAND năm 2014 quy định trong quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán, HĐXX phát hiện và kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Quy định này nhằm nâng cao vai trò của Tòa án và bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập trong mối quan hệ với các cấp chính quyền. Tuy nhiên, trên thực tế, có ý kiến cho rằng “đôi khi sự chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án cấp trên bị nhận thức là sự chỉ đạo của Đảng do lãnh đạo Tòa án các cấp đều là đảng viên giữ cương vị lãnh đạo”[24].

3.2. Kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hệ thống kiểm soát hoạt động tư pháp trong TTDS là khá đa dạng. Kiểm soát hoạt động tư pháp trong TTDS, bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập thể hiện trên các khía cạnh:

Một là, hoạt động kiểm soát của Tòa án “cấp cao hơn” đối với toà án “cấp thấp hơn” được tiến hành ngay trong quá trình tố tụng, từ sơ thẩm đến phúc thẩm và giám đốc thẩm. Giám sát quy trình tố tụng và năng lực chuyên môn của Thẩm phán cũng luôn được quan tâm trong xét xử VADS. Xét xử phúc thẩm là phương thức nổi bật trong cơ chế kiểm soát hoạt động tư pháp trong TTDS. Bởi vì trong hoạt động xét xử, HĐXX phúc thẩm thực hiện “giám đốc việc xét xử đối với Tòa án cấp sơ thẩm, kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của bản án, quyết định sơ thẩm”[25]; góp phần nâng cao trách nhiệm của HĐXX, bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập. Trong khi đó, xét xử giám đốc thẩm là cơ chế kiểm soát đặc trưng nhất của hệ thống Tòa án nhằm đảm bảo kiểm soát được tính đúng đắn của phán quyết nhưng không can thiệp vào hoạt động xét xử độc lập của Thẩm phán, Hội thẩm. Ngoài ra, cơ chế kiểm soát hoạt động tư pháp trong TTDS được thực hiện thông qua phương thức thanh tra, kiểm tra các quyết định, hành vi tố tụng của Thẩm phán nhằm xem xét, đánh giá về quyết định và hành vi tố tụng của Thẩm phán có phù hợp với pháp luật hay không.

Hai là, kiểm sát hoạt động tư pháp trong tố tụng thông qua cơ quan tiến hành TTDS. VKS kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS nhằm bảo đảm cho việc giải quyết VADS đúng quy định của pháp luật; mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Trên thực tế, kiểm sát viên vừa thực hiện quyền kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong TTDS, thực hiện các quyền yêu cầu, đề xuất ý kiến về việc giải quyết vụ án, quyền kháng nghị vụ án; đồng thời, thực hiện kiểm soát hoạt động tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng. Như vậy, VKS thể hiện mình như một cơ quan giám sát hoạt động tư pháp đồng thời lại là cơ quan tiến hành tố tụng tư pháp.

Ba là, kiểm soát hoạt động tư pháp trong TTDS bằng sự tham gia của Hội thẩm. Hội thẩm là những người đại diện cho nhân dân. Hội thẩm được lựa chọn mang tính cơ cấu và xử án theo sự phân công của Chánh án và thực hiện nhiệm vụ xét xử “ngang quyền” với Thẩm phán. Sự tham gia của Hội thẩm trong quá trình xét xử cũng được xem như một phương thức kiểm soát nội bộ trong hệ thống Tòa án. Độc lập xét xử tạo sức mạnh, cơ hội cho Hội thẩm có thể kiểm soát hoạt động tư pháp của Thẩm phán. Mặc dầu vậy, phương thức kiểm soát này cũng tồn tại những hạn chế nhất định. Qua thực tiễn xét xử cho thấy vai trò của Hội thẩm khá mờ nhạt, mang nhiều tính hình thức. Thực tế có nhiều trường hợp, khi xét xử Hội thẩm không nắm vững các tình tiết của vụ án nên thụ động trong công tác xét xử, có tâm lý ỷ lại vào Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa; không thể hiện được hết vai trò tại phiên tòa, nhất là vai trò phản biện.

Bốn là, kiểm soát hoạt động tư pháp trong TTDS thông qua hoạt động giám sát của công dân và giám sát xã hội, của dư luận báo chí. Công dân thực hiện quyền tố cáo không chỉ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình mà còn góp phần đưa những sai phạm của cán bộ tư pháp ra trước công chúng. Thông qua báo chí, người dân tiếp nhận thông tin và phản hồi thông tin, phản ánh những sai phạm, yếu kém, tiêu cực trong hoạt động của cơ quan và cán bộ tư pháp, tạo công luận để khôi phục trật tự pháp luật và đạo lý trong hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, thực tiễn có nhiều trường hợp công dân nhân danh thực hiện giám sát hoạt động Tòa án để gây khó khăn cho hoạt động tư pháp. Trong khi đó, báo chí cũng có những thông tin chưa xác thực hoặc chưa được kiểm chứng, gây khó khăn cho hoạt động xét xử.

3.3. Một số điều kiện đảm bảo Thẩm phán, Hội thẩm xét xử vụ án dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

- Hệ thống TAND của Việt Nam cần sớm được tổ chức theo cấp xét xử. Theo đó, mỗi cấp Tòa án chỉ xét xử một loại án hoặc sơ thẩm, hoặc phúc thẩm, hoặc giám đốc thẩm. Các Tòa án này độc lập với nhau về mặt thẩm quyền cũng như tổ chức nhân sự, hành chính, cán bộ. Mối quan hệ giữa các Tòa án chỉ là mối quan hệ tố tụng do pháp luật quy định chặt chẽ và độc lập, đảm bảo tính chuyên sâu, chuyên trách, chuyên nghiệp của mỗi cấp xét xử. Điều này góp phần hạn chế được sự can thiệp trái pháp luật vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm từ nhiều phía. Trên thực tế, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án ở nước ta hiện nay vừa theo nguyên tắc lãnh thổ, vừa theo nguyên tắc thẩm quyền xét xử; thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, Thẩm phán chưa thực sự hiệu quả. Thực tiễn xét xử vẫn còn tồn tại các hành vi can thiệp trái pháp luật của người có chức vụ lãnh đạo trong bộ máy tổ chức của chính quyền địa phương vào hoạt động xét xử của Tòa án[26].

- Hệ thống pháp luật phải xác lập đầy đủ, đồng bộ các biện pháp nhằm nhằm thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử VADS độc lập hiệu quả. Nguyên tắc này phải trở thành nội dung tư tưởng, chi phối, định hướng cho hoạt động của hệ thống Tòa án và hoạt động TTDS. Pháp luật TTDS quy định rõ ràng, đầy đủ các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của phán, Hội thẩm, của từng thành viên tham gia HĐXX; đồng thời, bảo đảm chế độ xét xử công khai, minh bạch từ khi thụ lý vụ án cho đến khi Tòa án ra phán quyết. Pháp luật TTDS quy định chặt chẽ mọi chứng cứ phải được làm rõ tại phiên tòa, xác lập và thực hiện cơ chế tranh tụng tại phiên tòa; ngăn cấm và xử lý kịp thời mọi hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử.

- Cơ chế quản trị hoạt động Tòa án phải hợp lý. Cơ chế này cần phải phân biệt rõ ràng thẩm quyền quản lý hành chính và thẩm quyền tố tụng của Chánh án Tòa án; bảo đảm hoạt động xét xử của Thẩm phán không bị can thiệp. Do vậy, cần thực hiện quy trình phân án ngẫu nhiên đồng bộ, toàn diện đối với tất cả các loại án, hạn chế được sự phụ thuộc về mặt hành chính giữa Thẩm phán và Chánh án. Mặc dù Tòa án đã triển khai thực hiện quy định phân công án ngẫu nhiên[27], nhưng một số địa phương vẫn còn tồn tại hình thức phân công án chỉ định, cơ chế, cách thức vận hành còn tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến tính độc lập xét xử của Tòa án. Ngoài ra, các hoạt động khác như thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo đối với các hành vi, quyết định tố tụng của Thẩm phán cần phải được thực công khai, minh bạch và đúng thẩm quyền vì chúng tác động đến sự độc lập của Thẩm phán.

- Năng lực, trình độ, địa vị pháp lý, cơ chế bảo vệ Thẩm phán, Hội thẩm cần phải được bảo đảm. Muốn Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trước tiên họ phải có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ của mình. Bởi vì “việc Thẩm phán không đủ năng lực và điều kiện làm việc cũng là nguyên nhân dẫn đến sự phụ thuộc của họ vào các nhánh quyền lực khác”[28]. Cần phải coi xét xử là nghề đặc biệt, là công cụ để duy trì và củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Vì vậy, tiêu chuẩn, chế độ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật Thẩm phán, Hội thẩm phải sớm hoàn thiện đồng bộ để họ có thể độc lập và yên tâm làm nhiệm vụ xét xử. Có quan điểm cho rằng “Thẩm phán phải có nhiệm kỳ lâu dài, thậm chí có thể là suốt đời...Nếu Thẩm phán chỉ được bổ nhiệm trong một nhiệm kỳ ngắn ngủi theo bất cứ một thể thức nào, họ sẽ không có được một tinh thần độc lập và cương quyết”[29]. Đồng thời, chế độ, chính sách của Thẩm phán cần được bảo đảm để họ không “chịu sự tác động, cám dỗ vật chất nào khác từ những người tham gia tố tụng có liên quan…công lý không tồn tại trong một nền tư pháp hối lộ, tham nhũng”[30]. Thực tế, cơ chế bảo vệ Thẩm phán, Hội thẩm ở nước ta hiện nay chưa hiệu quả; chế độ, chính sách của Việt Nam kém hơn so với nhiều nước, trong khi nhiều quốc gia có cơ chế bảo vệ rõ ràng[31].

4. Một số kiến nghị nâng cao hiệu quả áp dụng nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử vụ án dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật

- Đổi mới hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo ngành TAND, các tầng lớp nhân dân về nội dung, yêu cầu, cũng như chủ trương, chính sách, pháp luật bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm độc lập trong xét xử VADS. Hoàn thiện pháp luật, xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi xâm phạm đến hoạt động xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân trong xét xử VADS.

- Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của TAND tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo hướng hệ thống TAND được tổ chức độc lập theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; hoàn thiện, đổi mới nhiệm vụ, thẩm quyền của Tòa án theo cấp xét xử; phân định rõ nhiệm vụ cấp xét xử sơ thẩm, cấp xét xử phúc thẩm mà không theo cấp hành chính như hiện nay.

- Đổi mới cơ chế quản trị nội bộ của hệ thống Tòa án, nâng cao hiệu quả hoạt động xét xử VADS. Nghiên cứu, đổi mới thiết chế Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia theo hướng đổi mới cơ cấu tổ chức, tăng thẩm quyền quản lý, quản trị độc lập hệ thống Tòa án nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch, tính độc lập trong hoạt động của Thẩm phán và độc lập giữa các cấp Toà án.

- Nghiên cứu thiết lập cơ quan hành chính chuyên trách trực thuộc Chánh án TAND tối cao, độc lập với tiến trình tố tụng tư pháp để thực hiện các nhiệm vụ không liên quan trực tiếp quá trình giải quyết, xét xử các VADS. Công khai quá trình giải quyết VADS trên nền tảng số từ khâu nhận đơn, thụ lý đơn đến khi ra bản án; tạo điều kiện thuận tiện trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự.

- Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với TAND. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cư đối với tổ chức và hoạt động của TAND. Nghiên cứu hạn chế, tiến tới bỏ chức năng kiểm soát hoạt động tư pháp, kiểm soát việc tuân theo pháp luật trong xét xử VADS của VKS để bảo đảm cho Tòa án được độc lập thực chất.

- Tiếp tục hoàn hiện pháp luật TTDS, có biện pháp áp dụng nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa hiệu quả, tránh hình thức; thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm chứng minh thuộc về đương sự; hạn chế việc Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ trong TTDS nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc vô tư, khách quan. Tòa án tôn trọng quyền tự quyết, tự thỏa thuận của đương sự, người khởi kiện.

- Khoản 2 Điều 42 của Luật tổ chức TAND năm 2014 quy định Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền “quyết định điều động, luân chuyển, biệt phái Thẩm phán”. Điều này có thể ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của Thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ xét xử độc lập. Để phòng ngừa tính thiếu khách quan và bảo đảm sự công tâm của Thẩm phán, cần nghiên cứu sửa đổi khoản 2, Điều 42; khoản 3 Điều 78; khoản 3 Điều 79 và khoản 3 Điều 80 của Luật tổ chức TAND năm 2014 và giao thẩm quyền nay cho TAND tối cao thực hiện.

- Quy định rõ hơn trách nhiệm tổ chức công tác xét xử của Chánh án bằng việc thực hiện phân án ngẫu nhiên đối với tất cả các loại án; quy định chặt chẽ cơ chế thanh tra, kiểm tra đối với các VADS đang trong quá trình tố tụng; đổi mới quy trình, tiêu chuẩn bổ nhiệm, có chính sách, chế độ thỏa đáng đối với Thẩm phán.

- Đổi mới về tiêu chuẩn Hội thẩm theo hướng nâng cao chất lượng, bổ sung tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn đối với Hội thẩm; thiện chế độ, chính sách đối đãi ngộ thỏa đáng đối với Hội thẩm tham gia xét xử VADS. Nghiên cứu ban hành một đạo luật độc lập về Hội thẩm, trên cơ sở pháp điển hóa các quy định về Hội thẩm trong các văn bản pháp luật hiện hành.

- Nghiên cứu, nội luật hóa một số quy định của pháp luật quốc tế về sự độc lập của Tòa án, của Thẩm phán trong xét xử phù hợp với Việt Nam; nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm các nước có mô hình tổ chức hệ thống Tòa án tiên tiến nhằm hoàn thiện cơ chế bảo đảm Thẩm phán, Hội thẩm xét xử VADS độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

5. Kết luận

Trên thế giới, nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án được coi như giá trị phổ quát, văn minh, tiến bộ; đồng hành với công lý dân chủ và pháp quyền. Ở Việt Nam, Nguyên tắc “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử vụ án dân sự độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” ngày được ghi nhận đầy đủ hơn trong hệ thống pháp luật và không ngừng bảo đảm thực hiện. Trong điều kiện tiếp tục đẩy mạnh chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, nguyên tắc này cần được nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm túc hơn để Tòa án luôn là hiện thân của công lý, thật sự là thiết chế hữu hiệu bảo vệ bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Hiến pháp năm 2013

2. Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 số 92/2015/QH13 (sửa đổi, bổ sung năm 2022)

3. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 số 62/2014/QH13

4. ĐÀO TRÍ ÚC, QUYỀN TƯ PHÁP TRONG CƠ CHẾ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THEO HIẾN PHÁP 2013, BÌNH LUẬN KHOA HỌC HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 2013 (SÁCH CHUYÊN KHẢO), NXB LAO ĐỘNG, HÀ NỘI (2014)

5. LÊ HỒNG HẠNH (CHỦ BIÊN), ĐỘC LẬP TƯ PHÁP Ở VIỆT NAM VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, (SÁCH CHUYÊN KHẢO), NXB HỒNG ĐỨC, HÀ NỘI (2015)

6. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nguyen-tac-co-ban-ve-tinh-doc-lap-cua-toa-an-1985-275836.aspx

7. https://tapchitoaan.vn/ve-tinh-doc-lap-va-quyen-mien-tru-cua-tham-phan

8. NGUYỄN ĐĂNG DUNG- PHẠM HỒNG THÁI- LÃ KHÁNH TÙNG- VŨ CÔNG GIAO (ĐỒNG CHỦ BIÊN), TUYỂN TẬP HIẾN PHÁP CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA, (TÀI LIỆU THAM KHẢO), NXB. HỒNG ĐỨC, HÀ NỘI (2012)

9.https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-27-nqtw-ngay-09112022-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-xay-dung-va-9016

10. Võ Khánh Vinh, Về quyền tư pháp và chế độ tư pháp ở Việt Nam, nguồn: https://tapchitoaan.vn/ve-quyen-tu-phap-va-che-do-tu-phap-o-nuoc-ta

11. Trần Văn Độ, Bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án nhân dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo quốc gia: Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, BCĐ xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nội (2022)

12. Lê Hồng Hạnh, Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Kỷ yếu hội thảo quốc gia, những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, BCĐ xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nội (2021)

13. LƯU TIẾN DŨNG, ĐỘC LẬP TƯ PHÁP TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN Ở VIỆT NAM, NXB.TƯ PHÁP (2012)

14. Hoàng Thế Liên, Mục tiêu, quan điểm, định hướng cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Kỷ yếu hội thảo quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, BCĐ xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nội (2022)

15. Lê Hồng Hạnh, Suy nghĩ về những điểm đột phá cần thực hiện trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Kỷ yếu Hội thảo quốc gia, Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, BCĐ xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nội (2022)

16. Nguyễn Văn Pha, Một số vấn đề về đổi mới tổ chức, hoạt động của Hội thẩm nhân dânhttps://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ve-doi-moi-to-chuc-hoat-dong-cua-hoi-tham-nhan-dan5595.html.

17. Lê Văn Sua, Chế định về Hội thẩm, vai trò của Hội thẩm khi tham gia xét xử - Một số kiến nghị hoàn thiệnhttps://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1862.

18. NGUYỄN HÒA BÌNH, ĐỔI MỚI VÀ HOÀN THIỆN CƠ CHẾ NHÂN DÂN THAM GIA XÉT XỬ TẠI TÒA ÁN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP (SÁCH CHUYÊN KHẢO); NXB.CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THÂT, HÀ NỘI (2022)

19. https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/

danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=82414&CategoryId=0

20. https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND

290836

21. http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx? tintucid=208390

22. Mai Thanh Hiếu, “Khái niệm hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị trong theo thủ tục phúc thẩm tố tụng hình sự”, Tạp chí Luật học, (01) (2015)

23. https://tienphong.vn/canh-cao-pho-chu-tich-hdnd-tinh-gia-lai-vi-can-thiep-hoat-dong-to-tung-post1258019.tpo

24. Thông tư số 01/2022/TT-TANDTC ngày 15/12/2022 của Chánh án TANDTC về quy định phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân.

25. Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao (2011), Tư pháp độc lập: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (kỳ 1), http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207922

26. Nguyễn Đăng Dung, Nguyên tắc độc lập của Tòa án và quy định của Hiến pháp năm 2013http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208218

27. Trần Văn Độ, Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân, bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luậthttps://tapchitoaan.vn/doi-moi-to-chuc-toa-an-nhan-dan-bao-dam-nguyen-tac-tham-phan-hoi-tham-xet-xu-doc-lap-va-chi-tuan-theo-phap-luat

28.  https://vtv.vn/chinh-tri/chanh-an-tand-toi-cao-khong-bao-che-tham-phan-vi-pham-xu-ly-khong-co-vung-cam-20230320120644465.htm

 

 

 


* ThS. Hoàng Minh Sơn, Trưởng phòng Thanh tra, Tòa án Nhân dân Tối cao. Duyệt đăng 26/3/2024. Email: minhsontatc@gmail.com

[1] ĐÀO TRÍ ÚC, QUYỀN TƯ PHÁP TRONG CƠ CHẾ QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THEO HIẾN PHÁP 2013, BÌNH LUẬN KHOA HỌC HIẾN PHÁP NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM NĂM 2013 (SÁCH CHUYÊN KHẢO), NXB LAO ĐỘNG, HÀ NỘI, TR.478, TR.479 (2014)

[2] LÊ HỒNG HẠNH, ĐỘC LẬP TƯ PHÁP Ở VIỆT NAM VÀ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ, (SÁCH CHUYÊN KHẢO), NXB HỒNG ĐỨC, HÀ NỘI,  TR.10, TR.12 (2015)

[3] Các nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của tòa án năm 1985 (được thông qua tại Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 7 về Phòng chống tội phạm và đối xử với người phạm tội, tổ chức tại Milan từ ngày 26/8 đến 6/9/1985, sau đó được thông qua bằng Nghị quyết 40/32 ngày 29/11/1985 và Nghị quyết 40/146 ngày 13/12/1985 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc). Nguồn https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Linh-vuc-khac/Nguyen-tac-co-ban-ve-tinh-doc-lap-cua-toa-an-1985-275836.aspx

[4] Xem: Tuyên bố Bắc Kinh về các nguyên tắc độc lập tư pháp (Tuyên bố này được thông qua bởi Chánh án Toà án tối cao của 20 nước, trong đó có Việt Nam, ngày 19-8-1995, tại Hội nghị của Chánh án Toà án tối cao khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 6 tổ chức tại Bắc Kinh). Dẫn theo: https://tapchitoaan.vn/ve-tinh-doc-lap-va-quyen-mien-tru-cua-tham-phan

[5] Nguyễn Đăng Dung- Phạm Hồng Thái- Lã Khánh Tùng- Vũ Công Giao (đồng chủ biên) (2012), Tuyển tập Hiến pháp của một số quốc gia, (tài liệu tham khảo), NXB. Hồng Đức, Hà Nội, tr.371.

[6] Nguyễn Đăng Dung- Phạm Hồng Thái- Lã Khánh Tùng- Vũ Công Giao, tlđd, tr.652.

[7] Nguyễn Đăng Dung- Phạm Hồng Thái- Lã Khánh Tùng- Vũ Công Giao, tlđd, tr.391.

[8] Nguyễn Đăng Dung- Phạm Hồng Thái- Lã Khánh Tùng- Vũ Công Giao, tlđd, tr.30.

[9] Lê Hồng Hạnh, tlđd, tr.21.

[10]Xem: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/he-thong-van-ban/van-ban-cua-dang/nghi-quyet-so-27-nqtw-ngay-09112022-hoi-nghi-lan-thu-sau-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xiii-ve-tiep-tuc-xay-dung-va-9016

[11]Võ Khánh Vinh, Về quyền tư pháp và chế độ tư pháp ở Việt Nam, Tạp chí Toà án nguồn: https://tapchitoaan.vn/ve-quyen-tu-phap-va-che-do-tu-phap-o-nuoc-ta

 

[12]Xem: Điều 18 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, nguồn: http://thuvienphapluat.vn

[13]Xem: Trần Văn Độ, Bảo đảm nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án nhân dân trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo quốc gia: Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, BCĐ xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nội, tr. 185.

[14]Lê Hồng Hạnh, Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Kỷ yếu hội thảo quốc gia, những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, BCĐ xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nội, tr.176.

[15]LƯU TIẾN DŨNG, ĐỘC LẬP TƯ PHÁP TRONG NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN Ở VIỆT NAM, NXB.TƯ PHÁP, TR.142 (2012)

[16]Xem: Hoàng Thế Liên, Mục tiêu, quan điểm, định hướng cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong Kỷ yếu hội thảo quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, BCĐ xây dựng Đề án chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nội, tr.38.

[17]Lê Hồng Hạnh, Suy nghĩ về những điểm đột phá cần thực hiện trong việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam; Kỷ yếu Hội thảo quốc gia, Những vấn đề mới, đột phá trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, BCĐ xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nội, tr.116.

[18]Nguyễn Văn Pha, Một số vấn đề về đổi mới tổ chức, hoạt động của Hội thẩm nhân dân, Tạp chí Toà án https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ve-doi-moi-to-chuc-hoat-dong-cua-hoi-tham-nhan-dan5595.html.

[19] Lê Văn Sua, Chế định về Hội thẩm, vai trò của Hội thẩm khi tham gia xét xử - Một số kiến nghị hoàn thiện; https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=1862.

[20] NGUYỄN HÒA BÌNH, ĐỔI MỚI VÀ HOÀN THIỆN CƠ CHẾ NHÂN DÂN THAM GIA XÉT XỬ TẠI TÒA ÁN ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CẢI CÁCH TƯ PHÁP (SÁCH CHUYÊN KHẢO); NXB.CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THÂT, TR.46 (2022)

[21]Tổng thuật trực tiếp chiều 22/11/2023: Quốc hội thảo luận về Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Nguồn

https://quochoi.vn/hoatdongcuaquochoi/cackyhopquochoi/quochoikhoaXIII/Pages/danh-sach-ky-hop.aspx?ItemID=82414&CategoryId=0

[22] Tòa án nhân  dân tối cao, Tờ trinh đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Tòa án nhân dân, https://vbpq.toaan.gov.vn/webcenter/portal/htvb/chi-tiet-vbdt?dDocName=TAND290836

[23] Phạm Hồng Phong, Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc tranh tụng trong hoạt động xét xử; http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx? tintucid=208390 (truy cập  ngày 27/01/2024)

[24]Xem: Lê Hồng Hạnh, Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; Kỷ yếu hội thảo quốc gia, những vấn đề lý luận và thực tiễn về nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, BCĐ xây dựng Đề án Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, Hà Nôi, tr.177.

[25] Mai Thanh Hiếu, “Khái niệm hiệu lực của kháng cáo, kháng nghị trong theo thủ tục phúc thẩm tố tụng hình sự”, Tạp chí Luật học, (01), tr.26 (2015)

[26] Xem: Cảnh cáo Phó chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai vì can thiệp vào hoạt động tố tụng, https://tienphong.vn/canh-cao-pho-chu-tich-hdnd-tinh-gia-lai-vi-can-thiep-hoat-dong-to-tung-post1258019.tpo

[27]Thông tư số 01/2022/TT-TANDTC ngày 15/12/2022 của Chánh án TANDTC về quy định phân công Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân. Tài liệu lưu Tòa án nhân dân tối cao. Hà Nội.

[28]Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Tư pháp độc lập: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (kỳ 1). Nguồn  http://www.lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=207922 (2011)

[29]Nguyễn Đăng Dung, Nguyên tắc độc lập của Tòa án và quy định của Hiến pháp năm 2013; http://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=208218

[30]Trần Văn Độ, Đổi mới tổ chức Tòa án nhân dân, bảo đảm nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; https://tapchitoaan.vn/doi-moi-to-chuc-toa-an-nhan-dan-bao-dam-nguyen-tac-tham-phan-hoi-tham-xet-xu-doc-lap-va-chi-tuan-theo-phap-luat

[31]Xem: Ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; https://vtv.vn/chinh-tri/chanh-an-tand-toi-cao-khong-bao-che-tham-phan-vi-pham-xu-ly-khong-co-vung-cam-20230320120644465.htm

BÀI LIÊN QUAN