Nhà đầu tư lướt sóng thất bại với kế hoạch làm giàu nhanh từ đất nền

Thay vì trúng đậm như những lời hứa hẹn của môi giới khi trước, nhiều nhà đầu tư đất nền điêu đứng sản vì đổ tiền vào đất và không kịp thoát hàng khi thị trường giảm nhiệt.

Đất Sài Gòn rẻ hơn Long An vẫn ế

Đang rao sang nhượng lại lô đất nền 500m2 với giá chỉ 7,5 tỷ đồng nhưng chị Thu Trang vẫn chật vật cả mấy tháng nay không ra được hàng. Được biết lô đất trên chị Trang cùng người quen hùn vốn mua chung, có vị trí tọa lạc gần tuyến Vành Đai 3 đi qua huyện Bình Chánh, tiếp giáp khu vực Đức Hòa thuộc tỉnh Long An. Lô đất này chị mua thời điểm 2 năm trước với giá chỉ khoảng 11,5 triệu/m2, nay cần tiền nên sang tay với giá 15 triệu/m2 nhưng 4-5 tháng nay chưa chuyển nhượng được.

Chị Trang cho biết lúc đầu tính mua để đó giá lên thì phân lô bán kiếm lời. Sau gặp phải đợt dịch lớn rồi lại rơi vào lúc thị trường đóng băng, kinh doanh khó khăn chị muốn bán để rút vốn về. Nhưng bán nguyên lô thì không có người mua, tách thửa không được do địa phương đang siết phân lô. Không thể làm gì khác hơn, nhóm chị chấp nhận bán thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng để thoát hàng.

20220630104214-9e80-1656659424.jpg
Nhiều nhà đầu tư thoát hàng giá rẻ nhưng vẫn gặp khó khăn khi thị trường lặng sóng. Ảnh minh họa

“Trong khi nhiều lô đất bán ở Đức Hòa gần đó có giá lên đến 16-20 triệu/m2, đất mình nằm trên địa phận Sài Gòn mà bán 15 triệu đồng mãi không ra được”, chị Trang cảm thán. Theo tìm hiểu thì lô đất của chị đã có pháp lý hoàn thiện nhưng khó bán một phần do vị trí không thuận lợi, một phần do khu đất lớn, tổng giá cao nên khó có thanh khoản trong giai đoạn thị trường khó khăn.

Cùng cảnh ngộ, chị Quỳnh (quận 3, TP.HCM) cho biết cũng đang kẹt hơn 4,7 tỷ đồng vào một lô đất tại huyện Củ Chi. Thời điểm đầu tháng 2, chị cũng theo bạn đi đầu tư lô đất lớn gần 1.200m2 (có 550m2 thổ cư) xã Phú Đông Hòa với hi vọng “lướt sóng” kiếm lời nhanh. Nhưng đến khi kiếm khách để sang nhượng lại thì trầy trật cả mấy tháng nay không ra được. Tiền lãi vay thì cứ chất chồng lên theo tháng, lo lắng đến ngủ không yên, chị quyết định chấp nhận cắt lỗ 200 triệu để thu hồi vốn về, xem như một bài học trong việc đi đầu tư đất.

Chị Quỳnh cho biết thêm, nhiều người bạn của chị cũng “vác tiền” đi đầu tư đất dưới tận Tây Ninh, bán 5-6 triệu/m2 đợt rồi vẫn trúng đậm. Tính ra giá bán còn cao hơn giá khu đất của chị ở TP.HCM (đất chị Quỳnh chỉ tầm 4 triệu/m2). Chị Quỳnh chỉ biết than ngắn thở dài.

Đất nền mất sức nóng

Thực tế giao dịch trên thị trường đất nền thời gian qua có xu hướng chững lại ở cả TP.HCM và các tỉnh lân cận. Dữ liệu từ Batdongsan.com.vn cho thấy, trong tháng 5/2022 nhu cầu tìm mua đất và đất nền dự án giảm 12% so với cùng kỳ, riêng TP.HCM, đất nền giảm 14% nhu cầu mua. Biến động mức độ quan tâm đất nền tại các thị trường phụ cận như Bình Dương, Long An, Đồng Nai cũng giảm trung bình từ 14-20% so với cùng kỳ.

20220630104158-fdd6-1656659424.jpg
Nhiều nhà đầu tư mắc kẹt dòng tiền vì khó kiếm khách sang nhượng các lô đất diện tích lớn, giá bán cao. Ảnh minh họa.

Với các thị trường nóng về đất nền tại TP.HCM như Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, quận 9 (cũ), nhu cầu rao bán gia tăng nhưng hoạt động sang nhượng gặp khó khăn, thậm chí ế ẩm giao dịch. Nhiều nhà đầu tư gom các lô đất lớn diện tích từ 500 – hơn 1000 m2 thời điểm nóng sốt gặp khó khăn về ra hàng, thậm chí là với mức giá gốc. Tại huyện Củ Chi, nhiều lô đất tầm 1000-1500m2 có một phần thổ cư bán giá từ 4-7 triệu đồng/m2 vẫn không có khách mua. Với các lô diện tích trên 2.000-10.000m2 thì giá thấp hơn nhưng tổng chi phí cũng lên đến hàng chục tỷ đồng, không dễ giao dịch nếu không tách thửa bán nhỏ. Còn các nền đất dự án 100% thổ cư, diện tích 80 -150m2, giá sang nhượng phổ biến vào khoảng 15-22 triệu đồng/m2 cũng không dễ thoát hàng. Phần lớn mức giá này đã giảm 7-10% so với mức giá thời điểm nóng sốt vào tháng 3/2022.

Tương tự, nhiều nhà đầu tư săn đất nền dọc các dự án hạ tầng giao thông lớn sắp có kế hoạch triển khai ở khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và các tỉnh lân cận cũng gặp tình trạng khó thoát hàng. Theo anh Trịnh Vĩnh Phát, một nhà đầu tư đất lâu năm tại TP.HCM, những khu vực này hầu hết các sản phẩm đều không phù hợp để ở thực vì đều còn khá hoang vu, hạ tầng, dịch vụ, tiện ích không có, thậm chí dân sinh thưa thớt. Trong thời điểm sốt thì còn dễ giao dịch vì nhu cầu đầu tư nhiều, dễ mua đi bán lại. Còn với tình hình hiện tại, khó khăn bủa vây, dòng tiền siết chặt, dân đầu tư giờ chỉ tập trung giao dịch các loại hình có tính an toàn, dễ thanh khoản hay nhà đất trung tâm. Những sản phẩm đất nền vùng ven xa dân cư, nóng lên nhờ xu hướng đón sóng hạ tầng tương lai thì không dễ thanh khoản như trước kia. Nhà đầu tư nào không kịp ra hàng rất dễ “chết trên đống tài sản”.