Đổ xô về huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng để mua đất nền

Lê Phước Bình

29/06/2022 14:56

Theo dõi trên

Số lượng giao dịch đất nền trên địa bàn huyện Lâm Hà đã diễn ra sôi động trong năm 2021 và kéo dài đến nay (quý 2/2022).

lam-ha-123-1656470753.jpg
 

Ngày 27/6/2022, UBND huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn huyện trong quý 2/2022.

Theo đó, tính từ đầu năm đến nay (25/6/2022), trên địa bàn huyện Lâm Hà có 4.673 hồ sơ giao dịch nhà đất, với tổng giá trị giao dịch là 3.232 tỷ đồng.

UBND huyện Lâm Hà cho biết thêm, trong quý 2/2022, nhìn chung không có tình trạng tăng giá đột biến, đồng thời giá giao dịch đang có chiều hướng chững lại.

Qua con số thống kê nêu trên, đồng thời đối chiếu với số lượng giao dịch nhà đất tại địa phương trong thời gian qua, có thể thấy giao dịch nhà đất tại huyện Lâm Hà đã diễn ra rất sôi động với số lượng giao dịch tăng liên tục theo từng quý trong năm.

Cụ thể, trong quý 4/2021, huyện Lâm Hà có 2.905 hồ sơ với tổng giá trị giao dịch 1.411 tỷ đồng thì đến quý 1/2022, số lượng giao dịch đã tăng lên 3.257 hồ sơ với tổng giá trị giao dịch 1.726 tỷ đồng.

Đặc biệt, đến quý 2/2022, số lượng giao dịch nhà đất tại huyện Lâm Hà tiếp tục tăng trưởng mạnh với 4.673 hồ sơ có tổng giá trị giao dịch là 3.232 tỷ đồng.

Trong một diễn biến có liên quan, thống kê của Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quý 1 và quý 2/2022, huyện Lâm Hà đã liên tục dẫn đầu các địa phương trong tỉnh về số lượng giao dịch đất nền.

Theo đó, trong quý 1/2022, toàn tỉnh Lâm Đồng có có 12.467 giao dịch đất nền, trong đó huyện Lâm Hà dẫn đầu với 3.077 giao dịch.

Đến quý 2/2022, toàn tỉnh có 19.669 giao dịch đất nền thì huyện Lâm Hà vẫn tiếp tục dẫn đầu với 4.126 giao dịch.

lh-1656470753.jpg
Ảnh minh họa

Quy hoạch vùng huyện Lâm Hà vừa được phê duyệt có gì đặc biệt?

Ngày 15/4/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 662/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng huyện Lâm Hà đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phạm vi quy hoạch gồm toàn bộ huyện Lâm Hà với diện tích 930,23 km2.

Quy hoạch xác định huyện Lâm Hà thuộc vùng phụ cận thành phố Đà Lạt. Trong đó, đô thị Nam Ban là đô thị động lực kinh tế phía Tây vùng phụ cận thành phố Đà Lạt, trung tâm du lịch sinh thái cảnh quan và văn hóa bản địa.

Huyện Lâm Hà còn là trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng chuyên canh theo hướng nông nghiệp sạch; công nghiệp chế biến và sản xuất vật liệu xây dựng, phát triển thương mại dịch vụ - du lịch.

Quy hoạch được duyệt cũng đã dự báo về dân số, tỷ lệ đô thị hóa và nhu cầu sử dụng đất tại huyện Lâm Hà trong thời gian đến.

Theo đó, đến năm 2025, dự báo dân số toàn huyện khoảng 160.000 người, nhu cầu sử dụng đất đô thị khoảng 607 ha và nhu cầu sử dụng đất xây dựng nông thôn khoảng 1.636 ha.

Đồng thời đến năm 2035, dân số toàn huyện khoảng 192.000 người, nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị khoảng 1.190 ha và nhu cầu sử dụng đất nông thôn khoảng 1.547 ha.

Bên cạnh đó, đến năm 2050, dân số toàn huyện khoảng 240.000 người, nhu cầu sử dụng đất xây dựng đô thị khoảng 1.710 ha và nhu cầu sử dụng đất xây dựng nông thôn khoảng 1.799 ha.

Cũng theo quy hoạch được duyệt, vùng huyện Lâm Hà sẽ được phân thành 3 tiểu vùng phát triển kinh tế.

Trong đó, tiểu vùng I gồm thị trấn Đinh Văn và các xã Đạ Đờn, Phú Sơn, Phi Tô, Tân Văn, với tổng diện tích 398 km2. Đây là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của huyện;vùng phát triển kinh tế, thương mại dịch vụ, nông lâm nghiệp và công nghiệp.

Tiểu vùng II gồm thị trấn Nam Ban và các xã Đông Thanh, Gia Lâm, Mê Linh, Nam Hà, với tổng diện tích 140 km2. Trung tâm tiểu vùng II là thị trấn Nam Ban.

Đây là vùng phụ cận thành phố Đà Lạt có tính chất là vùng phát triển du lịch sinh thái cảnh quan và văn hóa bản địa; du lịch canh nông và nôn nghiệp công nghệ cao; phát triển đô thị Nam Ban trở thành đô thị vệ tinh của thành phố Đà Lạt.

Tiểu vùng III được xác định gồm các xã Tân Hà, Đan Phượng, Liên Hà, Hoài Đức, Tân Thanh, Phúc Thọ, với tổng diện tích 392 km2. Đây là vùng phát triển nông - lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, chợ đầu mối nông sản và dịch vụ du lịch, trong đó phát triển xã Tân Hà tiệm cận tiêu chí đô thị loại V.

Về cấu trúc giao thông, huyện Lâm Hà có hệ thống giao thông đối ngoại gồm đường cao tốc Liên Khương - Buôn Mê Thuột, quốc lộ 27, đường Trường Sơn Đông và các đường tỉnh lộ ĐT. 724, ĐT. 725, ĐT. 726.

Bên cạnh đó là các tuyến đường giao thông huyện, liên xã, đường liên huyện.

'Ông lớn' bất động sản nào đang tài trợ lập quy hoạch các dự án tại huyện Lâm Hà?

Trước đó, UBND huyện Lâm Hà có Công văn số 510/UBND-KTHT về tình hình triển khai các đồ án quy hoạch, dự án đã được UBND tỉnh thống nhất chủ trương tài trợ lập quy hoạch trên địa bàn.

Theo đó, đối với chủ trương cho Liên danh Công ty cổ phần tập đoàn Hưng Thịnh, Công ty cổ phần tập đoàn Đèo Cả và Công ty cổ phần tập đoàn Nam Miền Trung nghiên cứu lập quy hoạch khu vực 15.000 ha, đến nay nhà đầu tư chưa liên hệ với UBND huyện Lâm Hà để phối hợp lập phương án quy hoạch.

Đối với chủ trương cho Liên danh T&T group và Futa group nghiên cứu khảo sát, tài trợ lâp quy hoạch chung xây dựng phân khu chức năng và đăng ký đầu tư tại huyện Lâm Hà, hiện đang triển khai thực hiện.

Theo như thống nhất giữa Liên danh T&T group và Futa group và UBND huyện Lâm Hà, thì phạm vi ranh giới lập quy hoạch gồm các xã, thị trấn Nam Ban, Mê Linh, Đông Thanh, Gia Lâm, Nam Hà, Phi Tô, với diện tích khoảng 15.400 ha.

Ngoài ra, đối với chủ trương nghiên cứu tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án của Liên danh VFI - NEW HOUSE - ISRAEL, ngày 28/3/2022, UBND huyện Lâm Hà đã có văn bản về việc ý kiến bổ sung vào khung chiến lược quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bạn đang đọc bài viết "Đổ xô về huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng để mua đất nền" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com