“Cắt lỗ” cũng không tìm được người mua
Hơn 4 tháng đăng bán lô đất ở Tây Ninh, chị Bình (TP.HCM) vẫn không tìm được người mua và bắt đầu lo lắng vì khoản nợ còn nhiều mà kinh phí dự phòng đã cạn kiệt.
“Nghe tin lạm phát, bạn bè tôi đổ xô đi mua đất, tôi cũng theo bạn về quê đầu tư. Sau khi mua được lô đất với giá 1,7 tỉ đồng, môi giới khuyên tôi nên nên giữ đất ít nhất 2-3 tháng, chỉ bán khi chênh lệch trên 500 triệu đồng”, chị Bình cho biết.
Tháng 4/2022, chị Bình gửi môi giới bán mảnh đất trên với giá 2,3 tỉ đồng thì nhận được câu trả lời “sốt đất” đã đi qua, không hứa hẹn sẽ bán được hàng sớm.
“Thời gian đầu có nhiều người hỏi nhưng sau khi đi xem đất thì họ không liên lạc lại, có người thì bảo đắt quá. Tôi trao đổi với môi giới giảm giá xuống, sẵn sàng thương lượng với người có thiện chí nhưng cuối cùng vẫn không ai chấp nhận chốt giao dịch” chị Bình tâm sự.
Thời gian gần đây, công việc kinh doanh của gia đình chị gặp nhiều khó khăn nên cần tiền gấp. Chị Bình tính giảm giá lô đất xuống 1,5 tỉ đồng để thu hồi vốn trả nợ và lo việc nhà nhưng môi giới vẫn lắc đầu, không dám đảm bảo.
Tương tự, anh Hoàng cũng đang gặp khó khăn khi tìm cách bán căn hộ chung cư ở Nhà Bè (TP.HCM). Nhà đầu tư này cho biết anh đang sở hữu 2 căn hộ chung cư ở TP.HCM và một lô đất ở Bình Dương.
Thời điểm mua đất nền, anh Hoàng không có nhiều tiền mặt trong tay mà sử dụng đòn bẩy tài chính. Sau khi chốt giao dịch và đóng 30% giá trị mảnh đất, anh bất ngờ nhận tin khoản vay của anh không được giải ngân do ngân hàng đã hết room tín dụng.
Anh Hoàng nhờ môi giới đăng tin bán gấp căn hộ ở Nhà Bè để có vốn cơ cấu đầu tư nhưng không gặp nhiều may mắn. Từ mức giá khởi điểm 3 tỉ đồng, anh Hoàng đã 3 lần điều chỉnh giá, thậm chí sẵn sàng bán giá gốc, chấp nhận mất khoản đầu tư nội thất và sửa sang nhưng đến nay vẫn chưa bán được hàng.
Anh Đức Trung, một môi giới phân khúc căn hộ ký gửi tại TP.HCM cho biết hiện tại lượng người muốn bán khá nhiều nhưng người mua khá ít.
“Đa phần người hỏi mua trong thời điểm này là nhà đầu tư, mục đích chính là khảo giá chứ không có ý định chốt giao dịch. Các khách hàng có nhu cầu ở thì thấy giá quá cao, không muốn vay ngân hàng trong thời điểm hiện tại”, anh Trung cho biết.
Môi giới cũng hé lộ, tình trạng bán nhiều mua ít không chỉ diễn ra đối với sản phẩm chung cư mà đất nền, nhà phố cũng “đồng cảnh ngộ”. Anh và đồng nghiệp đã đăng bán, chạy quảng cáo nhiều sản phẩm “cắt lỗ” nhưng vẫn khó chốt giao dịch bởi mức “lỗ” của người bán vẫn vượt qua khả năng tài chính của khách hàng có nhu cầu.
Đợi chờ tín hiệu giảm giá
“Thanh khoản giảm thì giá sẽ giảm”, nhận định của chị Thanh Tâm, một nhà đầu tư bất động sản lâu năm, sau quá trình quan sát thị trường.
Thời điểm hiện tại thị trường đã chững lại, nhiều nhà đầu tư đã có động thái hạ giá sản phẩm để thu hồi vốn. Tuy nhiên, chị Tâm cho rằng không nên thấy giá vừa giảm đã vội vàng đầu tư vì mức giá hiện tại vẫn chưa thực sự tốt.
“Đa phần sản phẩm đăng bán đều được mua ở thời điểm sốt đất nên giá rất cao, nhiều nơi còn giá “ảo”, tiềm năng chưa tương xứng. Giờ có giảm cũng chỉ 10-15%, tính ra vẫn cao, đầu tư vào lúc này sẽ không thu lời được nhiều”, nhà đâu tư nhận định.
Chị Tâm tin rằng mức giảm sẽ tiếp tục xuống sâu khi các nhà đầu tư tay ngang không còn chịu được áp lực lãi suất vay trong thời gian dài.
“Thời điểm làn sóng “cắt lỗ”, “xả hàng” sẽ là cuộc chơi dành cho các nhà đầu tư có tài chính vững mạnh. Trong bối cảnh vay ngân hàng không phải là phương án hiệu quả, khả dĩ nhất là giữ vốn, tiếp tục quan sát thị trường, đợi thời điểm “vàng” để đầu tư”, chị Tâm cho biết.
Ghi nhận ý kiến của chuyên gia, việc trông chờ vào một đợt giảm giá mạnh trong thời gian tới hoàn toàn có cơ sở.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết ở thời điểm hiện tại, hoạt động chuyển nhượng ách tắc, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phát triển chậm lại, trầm lắng, doanh nghiệp có dấu hiệu hụt hơi, giảm thanh khoản, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu.
TS. Lê Xuân Nghĩa, dẫn lời nhóm chuyên gia nghiên cứu thị trường cho biết rằng trước khi thị trường phục hồi sẽ có một đợt giảm giá mạnh tới 30%.
Đồng tình ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển dự báo sẽ giá bất động sản hoàn toàn có thể giảm 30%, nhưng làn sóng giảm giá sẽ không diễn ra trên diện rộng mà chỉ xảy ra chủ yếu ở thị trường thứ cấp. Những vị trí có khả năng giảm mạnh là khu vực xa trung tâm, khu vực từng tăng giá “ảo” đến 200-300% ở thời điểm 2020-2021.
Các nhà đầu tư có ý định thâu tóm các bất động sản giá rẻ trong thời gian tới cũng cần cân nhắc tiềm năng của sản phẩm và thời gian thu hồi vốn. Bởi các mặt hàng giảm đều chưa có tiềm năng hiện hữu còn các sản phẩm với lợi thế đông dân và hạ tầng phát triển khó có khả năng sụt giá.
Giới chuyên gia khuyến cáo hiện tại không phải là thời điểm phù hợp để đầu tư lướt sóng. Nếu có ý định rót vốn vào bất động sản, nên xác định dự trữ tài sản này trong tối thiểu 1-3 năm.