Nhiều địa phương triển khai điều trị F0 không triệu chứng tại nhà

Do tình hình dịch bệnh COVID -19 tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nên nhiều địa phương đã triển khai điều trị F0 không triệu chứng tại nhà với những điều kiện chặt chẽ, đồng thời tăng tốc tiêm vaccine mũi 2 cho người dân.

Thí điểm triển khai chăm sóc điều trị F0 nhẹ tại nhà

Tại khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk hiện có 34 khu vực đang phong tỏa, 10 cơ sở cách ly tập trung tuyến tỉnh, hơn 100 cơ sở cách ly tập trung tại các huyện trưng dụng từ trường học, các cơ sở y tế, công an, quân đội. Tỉnh đã thiết lập 7 cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 3.722 giường bệnh theo mô hình tháp 3 tầng và dự kiến tăng lên 5.580 giường.

Số lượng ca mắc mới trong một ngày tăng nhanh khiến công tác điều trị phải tăng công suất lên rất nhiều lần. Tuy nhiên, các cơ sở điều trị bệnh nhân vẫn đang còn thiếu nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực có trình độ cao nên F0 dễ chuyển nặng và nguy kịch nếu không được chăm sóc kịp thời. Trước tình hình đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành kế hoạch quản lý và chăm sóc sức khỏe người nhiễm COVID-19 (F0) tại nhà nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế. Đây là những người không có triệu chứng hoặc triệu chứng bệnh nhẹ.

thuoc f0

Nhiều địa phương triển khai điều trị F0 không triệu chứng tại nhà. 

Những ngày gần đây do số F0 tăng cao đột biến, ngoài công tác tiêm vaccine, nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL cũng đang triển khai kế hoạch điều trị F0 không triệu chứng và cách ly F1 tại nhà.

Thành phố Bạc Liêu đã tổ chức tập huấn cho đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế và lực lượng tham gia theo dõi, điều trị F0 tại nhà. Riêng các phường, xã đã thành lập đội phản ứng nhanh, gồm đại diện lãnh đạo UBND, lực lượng công an, y tế,… nhằm thực hiện nhiệm vụ truy vết, dập dịch, theo dõi, cấp cứu nhanh chóng, kịp thời.

Hiện nay thành phố Bạc Liêu cũng đang rất thận trọng triển khai thực hiện từng bước. Thành phố chỉ đạo thí điểm điều trị F0 tại nhà cho 7/10 phường, xã. Mỗi phường, xã chọn 5 ca bệnh đáp ứng các điều kiện sẽ được điều trị cách ly tại nhà. Dự kiến sau 1 tuần triển khai thì thành phố sẽ họp đánh giá rút kinh nghiệm những mặt được, chưa được để triển khai tiếp theo.

Tại Đồng Tháp, trong những ngày qua ghi nhận ca mắc COVID-19 tăng cao, hiện nay địa phương đang điều trị là 5.508, trong đó có 405 trường hợp điều trị tại nhà, nơi cư trú, số còn lại đang điều trị tại cơ sở điều trị trên địa bàn. Tại cuộc họp với các huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Tháp về công tác xét nghiệm, điều trị COVID-19 trong tình hình mới UBND tỉnh yêu cầu các địa phương mạnh dạn vận dụng, xử lý các trường hợp đặc biệt trong công tác thu dung, điều trị F0 tại nhà, tạo thuận lợi cho bệnh nhân trong sinh hoạt.

Còn tại Vĩnh Long, ngày 23/11 đã ghi nhận thêm hơn 500 ca mắc mới, đây là số F0 phát hiện trong ngày nhiều nhất từ trước đến nay. Ông Văn Công Minh, Giám đốc sở y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết, hiện đang xây dựng phương án điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, đồng thời lên phương án các trạm y tế lưu động chăm sóc các bệnh nhân F0 không triệu chứng tại nhà.

Tại tỉnh Tiền Giang hiện có 5.121 bệnh nhân đang được điều trị, trong số này có khoảng 65% F0 điều trị tại nhà. Hiện toàn tỉnh Tiền Giang có 216 F1 đang cách ly tập trung và hơn 9.660 F1, F2 và người về từ vùng nguy cơ đang theo dõi sức khỏe tại nhà.

Triển khai tiêm chủng cho trẻ em

Tại Cần Thơ, Sở Y tế thành phố Cần Thơ cho biết, trong những ngày gần đây, số lượng ca mắc ghi nhận trên địa bàn thành phố Cần Thơ liên tục ở mức rất cao. Hiện tổng số trường hợp đang được thành phố Cần Thơ cách ly tập trung là 1.326 người, số người đang cách ly tại nhà là 16.142 người, trong đó có 5.008 F0 đang cách ly, điều trị tại nhà; 5.883 F1 đang cách ly y tế tại nhà.

Về công tác tiêm chủng, tính đến thời điểm hiện tại, Cần Thơ đã tiêm tổng cộng 1.719.738 liều vaccine COVID-19 cho các đối tượng; trong đó, số người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 là 942.905 người, đạt tỷ lệ 96,5%; được tiêm mũi 2 là 776.833 người, đạt tỷ lệ 81,9%.

Hiện nay, thành phố Cần Thơ vẫn tiếp tục đồng loạt triển khai tiêm chủng vaccine diện rộng trên toàn địa bàn thành phố và đã tổ chức tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi (đạt 24,6%), nhằm đảm bảo hoàn thành sớm nhất kế hoạch tiêm chủng đã đề ra. Từ ngày 22/11, thành phố Cần Thơ chính thức tiêm ngừa vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho 122.746 trẻ em từ 12-17 tuổi trên địa bàn. CDC Cần Thơ đã phân bổ và bàn giao đủ vaccine Pfizer cho các quận, huyện.

UBND TP Cần Thơ cũng vừa quyết định thành lập 50 Đội Y tế lưu động, hoạt động trên địa bàn TP Cần Thơ. Đội Y tế lưu động bắt đầu hoạt động kể từ ngày 20/11/2021 và kết thúc khi có quyết định của UBND thành phố. Mỗi Đội Y tế lưu động có 4 thành viên, gồm 1 Đội trưởng và 3 thành viên, là sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ và 10 bác sĩ của Trường Đại học Y Dược hỗ trợ hoạt động của các Đội Y tế lưu động.

Các đội Y tế lưu động thực hiện công tác giám sát, theo dõi F1 được cách ly y tế tại nhà và F0 được quản lý, cách ly, điều trị tại nhà trên địa bàn được phân công; hỗ trợ Trạm Y tế trong công tác khám, chữa bệnh, theo dõi sức khỏe, cấp phát thuốc, lấy mẫu xét nghiệm. Thành phố Quy Nhơn và tỉnh Bình Định cũng vừa thành lập "Trạm y tế lưu động" để điều trị F0 tại, chủ động nhà ứng phó trước diễn biến chiều hướng phức tạp dịch bệnh COVID-19, giảm áp lực quá tại các cơ sở y tế.

Hiện tỉnh Bình Định đã ghi nhận hơn 3.000 ca mắc. Riêng ngày 24/11, tỉnh này ghi nhận 142 số ca mắc, cao nhất từ trước đến nay, trong đó thành phố Quy Nhơn có 60 ca mắc. Thành phố Quy Nhơn áp dụng điều trị F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà. Trước mắt, Trung tâm Y tế thành phố thành lập 1 "trạm y tế lưu động" tại phường Nhơn Phú. Tiếp đó sẽ tiếp tục kiện toàn 21 đội y tế lưu động tại 21 phường, xã. Mỗi đội có 5 người, gồm 1 bác sĩ và 4 nhân viên y tế, phụ trách chăm sóc, theo dõi, điều trị từ 50-100 F0 không có triệu chứng tại nhà.