Nhìn lại cuộc canh tân giáo dục năm 1945-1946

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh vừa cho ra mắt một tác phẩm phục dựng bức tranh toàn cảnh đồ sộ và – kỳ lạ thay! – vô cùng sinh động về “một chặng quan trọng nhưng vì nhiều lý do vẫn còn hiện ra khá mờ nhạt” trong lịch sử giáo dục nước nhà.

Pho sách dày hơn 800 trang của học giả họ Cao rặt các tư liệu “khô khan”! Vậy mà chẳng riêng tôi mà những chuyên gia về văn hóa-giáo dục như PGS.TS Nguyễn Văn Huy, theo lời ông thú nhận khi chủ trì buổi giới thiệu do tạp chí Tia Sáng tổ chức chiều ngày 6/8: “Vừa nhận được sách đã đọc một mạch thâu đêm suốt sáng, không sao dứt ra được”…

12d3ae5cdfejpeg-1662135450.crdownload
Người thương binh trở về mặt trận xóa mù chữ - Ảnh: Quốc Việt chụp lại ở Nhà kỷ niệm Hội truyền bá quốc ngữ Hà Nội

Ấy là bởi công trình này không sao chép, cóp nhặt, xào xáo tài liệu thứ phát, mà như một công trình khoa học chân chính, bắt đầu từ sưu tầm ngót 500 tư liệu gốc nằm im trong các kho lưu trữ ngót tám chục năm nay, rồi bằng phương pháp văn bản học nghiêm chỉnh nhất thẩm định, phân loại, sắp xếp và chú thích, nhờ vậy đã phục dựng nên bức tranh toàn cảnh đồ sộ và - kỳ lạ thay! - vô cùng sinh động về “một chặng quan trọng nhưng vì nhiều lý do vẫn còn hiện ra khá mờ nhạt” trong lịch sử giáo dục nước nhà (Lời nói đầu, tr.9). Tác giả không ngoa ngôn đâu: xin đọc lại những công trình chính thống, mang tính tổng kết về nền giáo dục mới của nước Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, dông dài ba-bốn trăm trang, như “50 năm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo” (Nxb Giáo dục - 1995), “Lịch sử giáo dục Việt Nam” (Nxb Đại học Sư phạm), nhưng về thời kỳ đặt nền móng sôi động này chỉ lớt phớt chục trang với vài ba tư liệu căn bản được nhắc qua chiếu lệ.

 

Điều tôi đặc biệt trân trọng ở học giả họ Cao, đó là ông bằng tâm huyết của mình, bất chấp chẳng được tài trợ xu nào, đã lọ mọ mấy năm trời trong cả núi công văn giấy tờ và báo chí đương thời, tìm bới ra những văn kiện, lại kèm phần “Phụ” gồm những bài báo vẫn còn nóng hổi hơi thở thời đại, để cho chúng ta thấy nhân cách của những con người hăng say đến quên mình trong cái thuở ban đầu dựng nghiệp ấy: Từ ông Bộ trưởng đến anh chị giáo viên Bình dân học vụ đều “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”; ông Tổng giám đốc Nha Trung học vụ dùng xe đạp đón người tình nguyện cho thuê nhà làm trường học, cùng đi xem xét thực địa; ông Đổng lý văn phòng kiên nhẫn đầy tinh thần trách nhiệm giải quyết vụ Chính phủ nợ lương của công chức đã ra tiền tuyến, để cho người vợ anh ta ở hậu phương được truy lĩnh …

dc9so-35-giao-duc-bai-1-anh-1jpg-1662135480.crdownload
Cuốn “Tư liệu về giáo dục Việt Nam từ tháng 9.1945 đến tháng 9.1946” của học giả Cao Tự Thanh vừa được ấn hành vào tháng 7-2022. Ảnh: TL

Cũng phải ghi nhận lòng dũng cảm của học giả họ Cao khi ông “phụ lục” ở cuối sách năm chục trang tư liệu về hoạt động giáo dục của “Đế quốc Việt Nam”, tức của Chính phủ Trần Trọng Kim, mà thế hệ “hạt giống đỏ” - Thiếu sinh quân Kháng chiến chúng tôi được nhồi vào đầu là “bọn ôm chân Nhật bán nước”. Thú thực, tôi bắt đầu ngốn pho sách từ phần cuối còn quá ngắn ngủi này và lấy làm tiếc rằng mới chỉ gồm chủ yếu tư liệu báo chí, có lẽ do tác giả vẫn chưa được phép tiếp cận các văn kiện của chính quyền còn đang bị khóa chặt ở đâu đó. Nhưng thà có như vậy còn hơn không. Tôi đọc xong một lèo và đâm ra băn khoăn trước những sự việc ghi trên giấy trắng mực đen:

 

- Chính phủ Trần Trọng Kim đã bắt đầu dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ chính thức trong giáo dục và thi cử ở cấp tiểu học và phổ thông, tuy có nhân nhượng cho phép tự nguyện thi một số môn bằng tiếng Pháp vì e chưa đủ thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng Việt;

 

- Chính phủ Trần Trọng Kim đã đặt ra nhiệm vụ và ủng hộ phong trào “chống nạn thất học của dân quê”;

 

- Bộ Giáo dục và Mỹ thuật do GS. Hoàng Xuân Hãn làm Bộ trưởng đã thiết lập Hội đồng Tư vấn giáo dục, soạn thảo một Chương trình tiểu học duy nhất và một Chương trình trung học duy nhất để trình lên Bộ duyệt y và “đức Kim thượng” phê chuẩn.

 

Đó có phải là “Chương trình Hoàng Xuân Hãn” mà một số chuyên luận về lịch sử giáo dục Việt Nam thường cho là các bản chương trình phổ thông của cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều kế thừa ở mức độ khác nhau không?

 

Tôi có một niềm tin vững chắc rằng rồi đây không một công trình nghiên cứu giáo dục nào, nếu thực sự nghiêm túc, có thể bỏ qua pho tư liệu gốc của tác giả Cao Tự Thanh.

 

Triết lý và phương pháp của một cuộc canh tân giáo dục

 

Xét riêng vấn đề nhức nhối nhiều năm nay - vấn đề cải cách giáo dục, thì căn cứ pho tư liệu gốc phong phú, quý giá này, có thể thấy rõ ràng rằng: trong những năm đầu tiên sau Cách mạng tháng 8-1945, không phải chỉ có sự “cải tổ và xây dựng các ngành học, kể từ phổ thông đến đại học” (1), như người ta vẫn viết từ trước đến nay, mà Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành một công cuộc cải cách căn bản và toàn diện đối với nền giáo dục, và đúng như học giả Cao Tự Thanh khẳng định: “nền giáo dục Việt Nam thời gian 1945-1946 đã hướng về một hệ thống chương trình toàn diện có nội dung thực tiễn và giáo pháp tiến bộ với tầm nhìn lâu dài từ bậc tiểu học đến đại học” (2).

 

Vậy xét qua pho tư liệu gốc này, những nét chủ yếu nào của công cuộc canh tân đó ngày nay còn có thể có tác dụng tích cực?

 

Trước hết, nguyên lý căn bản của nền giáo dục mới, thực sự cách mạng, phải là “một nền giáo dục duy nhất”, “chung cho cả toàn thể dân chúng, không phân giai cấp”, “đặt trên 3 nguyên tắc căn bản: đại chúng hóa, dân tộc hóa, khoa học hóa” (3). Về 2 nguyên tắc sau không có gì phải bàn cãi, nhưng về nguyên tắc thứ nhất, bản “Báo cáo về hoạt động của Chính phủ” do Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe thay mặt Chính phủ trình bày ngày 30-10-1946 tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa I (4), giải trình “đại chúng” như dân chủ, theo nghĩa: “nền giáo dục là nền giáo dục duy nhất, bình đẳng và chung cho cả quốc dân, không phân biệt giàu nghèo và giai cấp xã hội”. Tôi chợt nhớ đến các “trường công chất lượng cao” - một mô hình ra đời từ sự móc ngoặc giữa nhóm lợi ích với công chức và ngang nhiên đi ngược nguyên lý căn bản của nền giáo dục cách mạng!

 

Điều thứ hai, đó là mục tiêu đào tạo do nền giáo dục 1945 – 1946 đặt ra mà đến nay vẫn còn mới mẻ: “Nền giáo dục rồi đây tổ chức là nền giáo dục của một nước độc lập, phải tôn trọng nhân phẩm, phải rèn óc tự cường và phải làm phát triển tài năng cá nhân đến tột bực để phụng sự đoàn thể và góp vào sự tiến hóa chung của nhân loại” (chúng tôi nhấn) (5). Thực ra, mục tiêu canh tân này, các nhà Nho duy tân ở Đông Kinh Nghĩa Thục đã đặt ra, theo đó triệt để thay hẳn hệ thống giáo dục với triết lý tĩnh - từ mục tiêu, nội dung cho đến phương pháp đều tĩnh, nhằm đào tạo các thần dân - “bù nhìn” (chữ của chính các cụ!) câm lặng, nhất cử nhất động đều làm theo lệnh trên, bằng một “đường lối giáo dục quốc dân” (lại chữ của chính các cụ!) với triết lý động nhằm đào tạo ra những “quốc dân” dám nghĩ và “có thể động” trên cơ sở nhận thức “rõ cái lý tương quan giữa nước và dân, làm sao cho họ biết vị trí của họ trong xã hội ở chỗ nào, chức phận ra sao và làm thế nào để gây ý thức ái quốc, ái quần, bồi dưỡng tài năng tự trị tự lập” (6).

 

Tiếp theo, là giảng viên đại học lâu năm và cũng mầy mò nghiên cứu giáo dục đại học, tôi tâm đắc tinh thần cải cách căn bản, triệt để, thể hiện rất rõ ở việc phế bỏ Luật khoa và Văn khoa cũ của Đại học Đông Dương, thay nó bằng những tổ chức đào tạo mới, với nội dung giáo dục mới – thành lập Lớp Chính trị - xã hội đặc biệt và Ban Đại học Văn khoa mới hoàn toàn. Giáo dục phải đáp ứng kịp thời các nhu cầu luôn luôn đổi mới của xã hội. Sự đổi mới căn bản ấy thể hiện rất rõ, ví dụ, qua cơ cấu chương trình của Lớp Chính trị - xã hội. Với mục tiêu “đào tạo trong một thời hạn 2 năm những người chuyên môn có thể bổ làm viên chức cao cấp trong Bộ Ngoại giao và trong những cơ quan hành chính quốc gia”, Lớp Chính trị xã hội – được giảng dạy bởi cả những nhà chính trị lỗi lạc như Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu! – và không có một môn chính trị suông nào màtoàn những môn thực nghiệp, cần thiết thực sự cho hoạt động nghề nghiệp tương lai như dân luật, hiến pháp, kinh tế, Anh ngữ và Nga ngữ cho năm thứ nhất lớp bình thường; tài chính, luật thương mại và hàng hải, Anh ngữ và Nga ngữ cho lớp đặc biệt (7). Hơn nửa thế kỷ sau nhìn lại, cựu Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên nhận định: “Tôi trộm nghĩ Lớp Chính trị - xã hội ấy mang đầy đủ tinh thần đại học, hơn nữa bắt đầu xây đắp triết lý giáo dục cho toàn thể hệ thống giáo dục của nước Việt Nam mới” (8).

220so-35-giao-duc-bai-1-anh-2jpg-1662135521.crdownload
Học giả Cao Tự Thanh (trái) và tác giả bài viết Vũ Thế Khôi tại buổi ra mắt sách do Tia Sáng tổ chức chiều ngày 6/8/2022. Ảnh: TS

Để thực hiện được mục tiêu và nội dung đào tạo mới, đương nhiên phải thay đổi căn bản phương pháp đào tạo. Phương pháp giảng dạy chú trọng phương thức chủ động học tập nghiên cứu và thảo luận của sinh viên. Điều thứ 3 trong Nghị định ngày 3-11-1945 quy định: “Mỗi năm giáo sư môn nào sẽ chọn lấy một hoặc hai đầu đề trong chương trình mà giảng, và một vài đầu đề khác mà chỉ dẫn cho sinh viên khảo cứu mà học. Còn những đầu đề khác thì tự sinh viên tìm kiếm lấy mà học nếu muốn thi về môn ấy” (chúng tôi nhấn) (9). Có nghĩa là nếu không chọn thi môn ấy mà chọn thi môn khác thì chỉ cần nghe giảng một hoặc hai chủ đề để được định hướng về môn học, tự khảo cứu dưới sự chỉ dẫn của thầy thêm vài chủ đề nữa trong chương trình để rèn luyện phương pháp tự học, chứ không phải suốt năm ngồi thụ động nghe thầy giảng tất tật các chủ đề trong chương trình môn học. Ở đây chúng ta thấy sự thể hiện rất rõ luận điểm: “Học vấn chỉ là phương tiện của giáo dục, hoạt động mới là cứu cánh của nó” (10) mà vị Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đầu tiên từng phát biểu.

 

Đương nhiên, phương pháp giảng dạy như vậy đòi hỏi phải có những người thầy giỏi. Điều đó, ông Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục đã thực hiện được do ngày ấy “chủ nghĩa thành phần” và thói câu nệ bằng cấp chưa ngự trị trong giảng đường đại học: bên cạnh các cán bộ chính trị và cán bộ Viêt Minh cao cấp Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Trần Văn Giàu, Vũ Đình Hòe, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Văn Lưu,…, chúng ta còn thấy những học giả khác chính kiến như Vũ Văn Hiền, Nguyễn Văn Huyên, Trịnh Văn Bính, Đinh Gia Trinh, Hồ Hữu Tường, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Trương Tửu (11)… Tinh thần đại học phóng khoáng và sáng tạo, phương pháp đại học chủ động, đội ngũ giảng viên uyên bác – ba nhân tố ấy đã đào tạo ra cả một lớp trí thức mới mà tên tuổi ngày nay được biết đến cả trong và ngoài nước như: Nguyễn Văn Hiệu, Phan Đình Diệu, Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Tài Cẩn, Cao Xuân Hạo v.v

 

Ngày nay, nhiều môn thậm chí thầy chỉ có thể đọc theo sách cho trò chép. Chính định hướng buộc công nhận không bàn cãi, nội dung chương trình kinh viện cùng phương pháp dạy nhồi nhét của chúng ta, và - cần dũng cảm “nhìn vào sự thật và nói sự thật” - trình độ còn yếu kém của đội ngũ thầy cô, đã dồn các trò vào thế phải học vẹt, khi vào thi thì giở “phao” ra chép, ra khỏi phòng thi là quên, đặc biệt là cái mớ kiến thức lý thuyết lộn xộn.

 

Một điểm nữa thể hiện rõ tính canh tân toàn diện trong những năm đầu xây nền móng giáo dục mới, là: rất chú trọng ngoại ngữ. Ở Nhật Bản thời Minh Trị, khi cải cách giáo dục phục vụ duy tân, trong những bước đầu sau bậc học phổ thông người ta đã dành hẳn 3 năm có thể coi là dự bị đại học ở các trường kotôgakkô (cao đẳng học hiệu): “Chúng có mục đích trong 3 năm đào tạo thanh niên biết thực hành ngoại ngữ song song với việc ôn luyện nâng cao những kiến thức đã học để chuẩn bị cho họ vào đại học” (12). Sinh viên Lớp Chính trị - xã hội phải học song song 2 sinh ngữ là Anh ngữ và Nga ngữ (một tầm nhìn vượt thời gian! - xin nhớ cho là ngày ấy còn chưa có Thủy điện Sông Đà, Vietsopetro, máy bay MIG và tên lửa SAM!). Giám đốc Đại học vụ Nguyễn Văn Huyên trong lời khai giảng niên khóa đầu tiên của Đại học Quốc gia Việt Nam đã nhấn mạnh: “Trong thế giới đại đồng hiện nay không một nước nào dầu lớn hay nhỏ, là có thể sống tách biệt được, nên trường Đại học sẽ chú trọng đặc biệt ngay trong niên khoá I 1945 - 1946 tới những sinh ngữ như tiếng Trung Hoa, tiếng Anh - Mỹ, tiếng Nga” (13). Tiếng Pháp không được nhắc tới chẳng qua vì lúc đó tất cả những người có bằng trung học đều đã thông thạo sinh ngữ ấy. Tức cả 4 ngoại ngữ thông dụng đều được dạy ở đại học, còn sinh viên chọn học ngoại ngữ nào thì do chuyên ngành học quy định hoặc họ tự chọn. Điều thứ 9 trong bản Nghị định nói trên còn quy định: “Sinh viên thi đậu được 4 môn rồi và sau khi đã khảo về một sinh ngữ ngoại quốc thì được cấp bằng Văn khoa đại học sĩ [tức cử nhân, - V.T.K.]” (14). Có nghĩa là ngoại ngữ, được khẳng định là phẩm chất tư cách không thể thiếu của người có học vấn đại học, hơn nữa lại là những viên chức nhà nước trong “thế giới đại đồng”, hay “thế giới hội nhập” như ngày nay ta nói, bởi lẽ ngoại ngữ là công cụ để anh ta tiếp tục tự học suốt đời, phục vụ cho việc nghiên cứu và tác nghiệp có hiệu quả.

 

Giáo dục Việt Nam trong 16 tháng của giai đoạn 1945 - 1946 quả là đã có một “bước nhảy vọt, sự đột phá”, “…từng bước xây dựng được nền móng cho sự phát triển của một nền giáo dục quốc gia hiện đại”. Nhưng rồi… Tôi không thể không đồng tình với cảm khái của học giả tâm huyết Cao Tự Thanh: “Đáng tiếc là hoàn cảnh lịch sử đã triệt tiêu nhiều tiềm năng hiện đại hóa của xã hội Việt Nam nói chung cũng như của nền giáo dục Việt Nam nói riêng… Đề dẫn, tr.44).

 

Điều gì phải rút ra từ bài học lịch sử này, xin mọi người cùng suy ngẫm…

 

Hà Nội, trước thềm ngày Độc lập năm thứ 77

 

 

(1) 50 năm xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nxb Giáo dục, 1995, tr. 17

 

(2) Cao Tự Thanh – Nền giáo dục của nước Việt Nam độc lập từ tháng 9.1945 đến tháng 12.1946 (Bài đề dẫn trong sách nói trên, tr.35)

 

(3) Sđd. Phụ tư liệu 146, tr.255 – 257 và Tư liệu 382, tr.584.

 

(4) Toàn văn báo cáo hiện vẫn còn tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, nhưng không có trong pho tư liệu của Cao Tự Thanh.

 

(5) Sđd. Tư liệu 146 & Phụ: Tuyên bố của Bộ Quốcgia Giáo dục, tr.255.

 

(6) Văn thơ Đông Kinh nghĩa thục. Cục Lưu trữ nhà nước Việt Nam & Viện Viễn Đông Bác Cổ pháp, Nxb Văn hoá 1997, tr. 46.

 

(7) Sđd. Tư liệu 113 & Phụ: các nghị định 177-NĐ, 10-NĐ, Thông báo về 2 lớp xã hội-chính trị đặc biệt, tr.198 - 206; Tư liệu 114, tr.206 - 210.

 

(8) Vũ Đình Hòe: Tinh thần đại học (Bài phát biểu của GS Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Quốc gia giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Lễ kỷ niệm 60 năm khai giảng đầu tiên nền giáo dục cách mạng Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, ngày 15-11-2005). Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, số 177, năm 2005, tr. 6 - 10; cũng đăng: báo Tiếng nói Việt Nam, cơ quan của Đài Tiếng nói Việt Nam, số 92 (413), ra ngày 17-11-2005; tạp chí Xưa & Nay của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, số 249, tháng 12-2005.

 

(9) Sđd. Tư liệu 114, tr.206 - 210.

 

(10) Vũ Đình Hòe: Những phương pháp giáo dục ở các nước và vấn đề cải cách giáo dục. Thanh Nghị tùng thư, Hà Nội 1945, tr. 110.

 

(11) Sđd. Tư liệu 116, tr.211 - 215;Tư liệu 122, tr.221 - 222.

 

(12) Phạm Quỳnh: Tiểu luận (Viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922 - 1932. Essais 1922 - 1932). - Phạm Toàn giới thiệu và biên tập. Nxb Tri thức & Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà NộI 2007, tr. 424.

 

(13) Nguyễn Văn Huyên, Lời phát biểu tại Lễ khai giảng trường Đại học Quốc gia Việt Nam ngày 15-11-1945. Báo Nhân Dân, số ra ngày 31-12-2001.

 

(14) Sđd. Tư liệu 114, Điều thứ 9, tr.207.