Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc Sở Công Thương Hưng Yên cho biết, năm 2021, Hưng Yên bội thu nông sản. Diện tích nhãn lồng của Hưng Yên đạt khoảng 4.800 ha, trong đó, nhãn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP cho sản phẩm chất lượng cao là hơn 1.300 ha. Năm 2021, sản lượng nhãn ước đạt khoảng 50.000 - 55.000 tấn, cao hơn năm 2020 từ 15 - 20%. Diện tích trồng cây có múi (cam, bưởi) khoảng 3.800 ha, sản lượng ước đạt 40.000-45.000 tấn...
Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của dịch bệnh, tình hình tiêu thụ nhãn và nông sản của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Dự báo tình trạng này, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã, doanh nghiệp và bà con nông dân trên địa bàn tỉnh.
Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tập trung giải quyết các vấn đề về chính sách, tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển thị trường và lưu thông hàng hóa. Đồng thời, đồng hành cùng các địa phương đẩy mạnh hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế, lấy thị trường trong nước làm nền tảng.
Ngoài ra, nhằm đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các nền tảng số để tiêu thụ nông sản trên thị trường trong nước, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam trên khắp các thị trường quốc tế.
Tại điểm cầu quốc tế, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán công sứ, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ chia sẻ: Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Hoa Kỳ, các loại hoa quả khác xuất khẩu dưới dạng chế biến. Tuy vậy, trái cây Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ đang bị cạnh tranh gay gắt.
"Thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng sản phẩm ăn liền, trái cây cần được cắt nhỏ, đóng khay, kèm dĩa, thìa phục vụ ngay cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong nước cùng nhà nhập khẩu nghiên cứu phương thức thanh toán phù hợp, tránh rủi ro; thuê kho lạnh để bảo quản và bảo đảm chất lượng trái cây tươi; chủ động cập nhật thông tin thị trường Hoa Kỳ; kiên trì cung cấp sản phẩm cho các hệ thống phân phối lớn, sản phẩm hữu cơ mới có thể đảm bảo cạnh tranh và xuất khẩu bền vững“, ông Bùi Huy Sơn chia sẻ ý kiến.
Ngay sau khi hội nghị kết nối cung cầu tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên kết thúc, Việt Nam sẽ có những chuyến bay đầu tiên đưa nhãn sang Vương quốc Anh.
Tại Hợp tác xã cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng xã Tân Hưng, TP Hưng Yên, các hộ dân đang tất bật chuẩn bị thu hoạch nhãn để xuất khẩu. Nhãn ở đây được sản xuất theo tiêu chuẩn Vietgap, được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Để xuất sang châu Âu - thị trường đòi hỏi nhiều chỉ tiêu khắt khe, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hưng Yên, đơn vị lấy mẫu giám sát chất lượng, chỉ tiêu kiểm tra 821 mẫu, gửi phân tích tại Tập đoàn Eurofin Sắc Ký Hải Đăng, kết quả tất cả các chỉ tiêu của nhãn lồng ở đây đều đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu vào thị trường này.
Ông Vũ Ngọc Cảnh, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa cho biết, vụ nhãn 2021, doanh nghiệp cam kết xuất khẩu khoảng 60 tấn nhãn đạt chất lượng đi thị trường châu Âu. Sau khi có mẫu giám sát, ngày 15/7 doanh nghiệp sẽ thu hái và ngày 17 – 18/7 có lịch bay đưa chuyến nhãn đầu tiên sang thị trường Anh.
Ông Trần Văn Mý, Giám đốc HTX Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, TP Hưng Yên cho hay, việc sản phẩm nhãn được xuất khẩu sang châu Âu đã giúp nâng giá trị của sản phẩm khi nhãn quê hương Hưng Yên vươn ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường khó tính đòi hỏi kĩ thuật chăm sóc của bà con ngày càng tốt lên.
Cùng với việc chuẩn bị xuất nhãn sang châu Âu, các đơn vị chức năng của của tỉnh Hưng Yên đang tích cực mời gọi doanh nghiệp xuất khẩu nhãn sang thị trường châu Á và các thị trường khác. Đồng thời vào khảo sát địa bàn, thống nhất phương án thu mua, hướng dẫn các hợp tác xã, nhà vườn thực hiện nghiêm quy trình sản xuất, đảm bảo theo quy trình, chất lượng.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Hưng Yên, bà Trịnh Thị Kim Uyên cho biết, Chi cục đã kết nối với các đơn vị xây dựng các hệ thống thông tin mạng để trao đổi giữa các đơn vị thu mua, sàn giao dịch để cùng có phương thức sản xuất kinh doanh đảm bảo quy định và kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Sự kiện lần đầu tiên nhãn Hưng Yên được xuất sang châu Âu không chỉ khẳng định chất lượng, danh tiếng của quả nhãn lồng Hưng Yên, mang lại thu nhập cao cho người nông dân mà còn mở ra nhiều cơ hội cho việc xuất khẩu nhãn với số lượng lớn sang các thị trường cao cấp khác.