Tập đoàn Sơn Hải bị loại khỏi gói thầu cao tốc Bình Phước:

Phải chăng câu chuyện “giá thấp, năng lực cao” không còn là lợi thế?

Giá thấp nhất, kinh nghiệm vượt trội nhưng bị loại – Tập đoàn Sơn Hải đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch trong quá trình chấm thầu gói thầu xây dựng cao tốc qua Bình Phước

Một vụ việc đấu thầu đang gây xôn xao dư luận vừa diễn ra tại Bình Phước, khi Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải – một trong những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm thi công hạ tầng giao thông – chính thức lên tiếng phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu xây lắp thuộc dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Theo công văn số 179/CV-TDSH gửi đi ngày 26/5/2025, Tập đoàn Sơn Hải cho biết họ đã nộp hồ sơ dự thầu với giá 732,28 tỷ đồng – thấp hơn 147,7 tỷ so với giá dự toán và thấp hơn tất cả các đối thủ khác. Đáng chú ý, thời gian cam kết thi công của Sơn Hải là 470 ngày – nhanh hơn 2 tháng so với mức trung bình ngành. gói thầu được mở thầu công khai qua mạng vào ngày 17/3/2025 với tổng giá trị hơn 880,7 tỷ đồng. Có 5 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, trong đó Sơn Hải là đơn vị chào giá thấp nhất với 732,2 tỷ đồng – thấp hơn tới 148,4 tỷ đồng so với giá gói thầu, tương đương tỷ lệ tiết kiệm gần 17%.

Tuy nhiên, ngày 22/5/2025, chủ đầu tư công bố liên danh HCM – TDM – CT trúng thầu với mức giá 866,455 tỷ đồng – cao hơn Sơn Hải tới gần 134 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là không chỉ Sơn Hải, các nhà thầu tên tuổi như Cienco4 (C4G), Vinaconex (VCG) hay Xây dựng Đèo Cả cũng đều bị loại với cùng lý do: “không đạt yêu cầu kỹ thuật”.

Tập đoàn Sơn Hải trong công văn đã bày tỏ nghi vấn về tính khách quan, minh bạch trong quá trình chấm thầu, đồng thời khẳng định năng lực thi công đã được kiểm chứng qua hàng loạt dự án hạ tầng quy mô lớn, trong đó có nhiều đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tác động tiêu cực tới uy tín, hình ảnh và lợi ích kinh tế hợp pháp của mình. Bởi vậy, Sơn Hải phản đối quyết định chọn thầu của chủ đầu tư, gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Bình Phước để giải quyết theo quy định của Luật đấu thầu, gửi văn bản đến các cơ quan chức năng để xem xét, làm rõ.

Đáng chú ý, trên fanpage chính thức, Sơn Hải đã đăng tải thông điệp: “Luật Đấu thầu đã bị bẻ cong vì quyền lợi của ai đây?”, thể hiện thái độ phản đối quyết liệt và kêu gọi làm rõ tính hợp lý của kết quả lựa chọn nhà thầu.

1-1748249270.png

Tập đoàn Sơn Hải phản đối kết quả lựa chọn nhà thầu của Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước

Được biết, dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Phước) được UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt vào ngày 12/12/2024, với tổng chiều dài khoảng 6,6km. Dự án được triển khai theo hình thức đầu tư phân kỳ, trong đó giai đoạn 1 sẽ xây dựng hoàn chỉnh 4 làn xe cao tốc. Công tác giải phóng mặt bằng sẽ được thực hiện một lần theo quy hoạch tổng thể cho tuyến đường 6 làn xe.

Tổng mức đầu tư của dự án vào khoảng 1.474 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 1.000 tỷ đồng, còn lại 474 tỷ đồng do ngân sách tỉnh Bình Phước bố trí. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào năm 2026.

Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải – doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình – được thành lập từ tháng 4/1998, với ngành nghề kinh doanh chính là xây dựng nhà để ở. Hiện doanh nghiệp này có vốn điều lệ hơn 4.478 tỷ đồng.

Tập đoàn Sơn Hải là cái tên không xa lạ trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng, từng đảm nhiệm nhiều dự án giao thông và thủy lợi quy mô lớn. Trong đó có thể kể đến các gói thầu như: XL-01 cao tốc Nghi Sơn – Diễn Châu; XL-07 cao tốc Cam Lộ – La Sơn; XL-10 cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45; cùng với các dự án hồ chứa nước Tả Trạch (Thừa Thiên Huế), Tân Mỹ (Ninh Thuận) và Ngàn Trươi (Hà Tĩnh).

2-1748249393.png

Từ chối nhà thầu giá thấp, giàu kinh nghiệm: Trường hợp của Sơn Hải có đáng lo ngại?

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp nhằm bàn về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển nhanh và bền vững trong kỷ nguyên mới, ông Nguyễn Viết Hải – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Sơn Hải – đã đưa ra nhiều kiến nghị đáng chú ý liên quan đến lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông.

Theo ông Hải, những năm gần đây, hệ thống hạ tầng giao thông quốc gia đã có bước phát triển mạnh mẽ, góp phần cải thiện tình trạng chậm tiến độ, đội vốn – vốn là vấn đề tồn tại kéo dài trong đầu tư công. Việc rút ngắn thời gian thi công, sớm đưa công trình vào khai thác không chỉ nâng cao hiệu quả đầu tư mà còn giúp tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành và xã hội.

Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn Sơn Hải cũng phản ánh một số bất cập trong cơ chế bảo hành công trình. Cụ thể, theo quy định hiện hành, các công trình cấp I trở lên phải bảo hành trong vòng 24 tháng. Trong khi đó, Tập đoàn Sơn Hải đã chủ động đề xuất kéo dài thời gian bảo hành lên tới 10 năm – gấp 5 lần quy định.

Dù cam kết bảo hành dài hạn, doanh nghiệp cho rằng việc áp dụng cơ chế bảo lãnh theo quy định hiện hành đang tạo áp lực lớn về tài chính. Do đó, Sơn Hải kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép nhà thầu khi tự nguyện kéo dài thời gian bảo hành lên 10 năm thì chỉ cần thực hiện bảo lãnh trong 2 năm đầu tiên. Điều này sẽ giúp giảm tình trạng đọng vốn, đồng thời khuyến khích nhà thầu nâng cao chất lượng thi công, áp dụng công nghệ tiên tiến và tăng cường công tác bảo trì, bảo dưỡng công trình.

Trước đề xuất này, Tập đoàn Sơn Hải mong muốn Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới kỹ thuật và nâng chuẩn chất lượng công trình được áp dụng cơ chế bảo hành linh hoạt và dài hạn hơn.

BÀI LIÊN QUAN