Ngoài ra, đơn vị còn tự liên hệ để ký hợp đồng khoan thăm dò khoáng sản cho các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh Đông Bắc.
Trong quá trình thi công công trình khoan máy đơn vị ông có sử dụng vật tư, vật liệu như: Lưỡi khoan, cần khoan, ống chống và một số vật tư khác… để làm nguyên vật liệu chính thi công (nguyên liệu đầu vào để sản xuất ra sản phẩm). Công việc hoàn thành là sản phẩm nghiệm thu kết thúc lỗ khoan.
Vật tư thi công khoan máy của đơn vị là nguyên liệu đầu vào thực hiện theo tiến độ công việc, không mua tập trung vì còn phụ thuộc vào lỗ khoan có gặp quặng hay không thì mới thi công tiếp.
Ví dụ như thiết kế 100 m nhưng thi công đến 50 m đã hết quặng do vậy vật liệu bị giảm 50% so với kế hoạch ban đầu. Hoặc cũng có thể tăng lên rất nhiều vì nếu chiều sâu lỗ khoan gặp quặng sẽ phải khoan sâu hơn so với dự kiến.
Như vậy sẽ rất khó khăn trong việc lựa chọn nhà thầu cũng như mua sắm vật tư, vì hiện nay tất cả các gói thầu được đấu thầu qua mạng, đơn giá và số lượng đã được ấn định theo hợp đồng đã ký kết sau khi trúng thầu. Thời gian từ khi lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu đến khi tổ chức đấu thầu hoàn thiện ký hợp đồng mất ít nhất 30 ngày. Trong khi đó đơn vị sản xuất cần vật tư ngay để thi công theo yêu cầu của đề án thì lại không đáp ứng được mà phải chờ đấu thầu xong mới được mua vật tư.
Ông Huân hỏi, đơn vị ông có được mua trực tiếp vật tư thi công phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của đơn vị mà không cần phải trình kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hay thực hiện đấu thầu theo quy định của pháp luật hay không?
Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:
Đối với gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày 1/1/2024, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu.
Theo quy định tại Khoản 44 Điều 4 Luật Đấu thầu, vốn nhà nước bao gồm vốn ngân sách Nhà nước; công trái quốc gia, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương; vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; vốn từ quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp; vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; vốn tín dụng do Chính phủ bảo lãnh; vốn vay được bảo đảm bằng tài sản của Nhà nước; vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước; giá trị quyền sử dụng đất.
Theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, kinh phí cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước, bao gồm cả nguồn ngân sách Nhà nước đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định thuộc nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, đơn vị sự nghiệp công được chủ động sử dụng các nguồn tài chính giao tự chủ quy định tại Điểm a Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 (phần được để lại để chi thường xuyên phục vụ công tác thu phí) và Khoản 5 Điều 11 Nghị định này để chi thường xuyên.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, một trong các nội dung chi tại Điều này là chi thực hiện công việc, dịch vụ thu phí theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; chi thực hiện các hoạt động dịch vụ.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu thực hiện theo quy định nêu trên.
Liên quan đến Nghị định số 60/2021/NĐ-CP, đề nghị đơn vị ông liên hệ với Bộ Tài chính để được hướng dẫn.
Đối với gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu sau ngày 1/1/2024, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu năm 2023.
Theo quy định tại Điểm d Khoản 7 Điều 3 Luật Đấu thầu năm 2023, việc lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ phi tư vấn phục vụ trực tiếp cho gói thầu mà đơn vị sự nghiệp công lập đã trúng thầu do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tự quyết định trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế và trách nhiệm giải trình.