Gian lận trong đấu thầu bị xử lý thế nào?

Gian lận là một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu và tổ chức cá nhân gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm.

Gói thầu X có 2 nhà thầu A và B tham dự. Sau khi đánh giá E-HSDT, nhà thầu A đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, có giá dự thầu thấp hơn nhà thầu B khoảng 12% và được mời vào thương thảo. Trong quá trình thương thảo thì có văn bản của cơ quan điều tra thông báo nhà thầu A có dấu hiệu gian lận nhân sự (không phải nhân sự chủ chốt theo quy định của pháp luật xây dựng) để trúng thầu ở các gói thầu khác không phải gói thầu X.

Ông Diệp Năng Vũ (Ninh Thuận) hỏi, bên mời thầu không phát hiện nhà thầu A có dấu hiệu gian lận ở gói thầu X thì có được tiếp tục thương thảo với nhà thầu A không? Nếu trễ thì ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và giải ngân.

Trường hợp tạm dừng thương thảo với nhà thầu A và mời nhà thầu B vào thương thảo thì giá thương thảo hợp đồng áp dụng theo giá dự thầu của nhà thầu A hay của nhà thầu B (vì nhà thầu A không vi phạm trong thương thảo hợp đồng)?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Đối với gói thầu đã phát hành hồ sơ mời thầu trước ngày 1/1/2024, việc tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Tại Khoản 1 Điều 5 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định một trong các điều kiện để nhà thầu là tổ chức có đủ tư cách hợp lệ là không đang trong thời gian bị cấm tham dự thầu.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu; Khoản 1 Điều 122 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP gian lận là một trong các hành vi bị cấm trong đấu thầu và tổ chức cá nhân gian lận sẽ bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 đến 5 năm.

Căn cứ Điểm a Khoản 3; Điểm a Khoản 4 Điều 90 Luật Đấu thầu, người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia hoạt động đấu thầu đối với các dự án, dự toán mua sắm trong phạm vi quản lý của mình, quyết định xử lý vi phạm phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và các cơ quan, tổ chức liên quan, đồng thời phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp. Danh sách các nhà thầu bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu được đăng tải công khai trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.

Theo đó, trường hợp nhà thầu đã bị người có thẩm quyền ban hành quyết định cấm tham gia đấu thầu do hành vi gian lận nêu trên thì nhà thầu không đủ tư cách hợp lệ để tham dự thầu. Ngoài ra, việc xử lý tình huống trong đấu thầu thực hiện theo Điều 117 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ.