Phiếu lý lịch tư pháp là gì mà 'đẩy' loạt Công chứng viên vào vòng lao lý?

Nhiều công chứng viên và cả lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Lý lịch tư pháp Quốc gia rơi vào vòng lao lý liên quan đến việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trái pháp luật. Phiếu lý lịch tư pháp là gì? Hành vi của những người trên vi phạm như thế nào mà phải xộ khám?

Loạt Công chứng viên bị khởi tố
Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 365 Bộ luật Hình sự đối với bà Trương Thị Nga (SN 1957, trú tại Hà Đông, Hà Nội), nguyên Trưởng Văn phòng Công chứng Trương Thị Nga, và Lại Hồng Khánh (SN 1950, trú tại Hà Đông, Hà Nội), Công chứng viên Văn phòng Công chứng Trương Thị Nga.

z5752039491046-8d99b3b0c63731750b546fd6bb57f29a-1201-1724310050.jpg

Nhóm đối tượng vừa bị khởi tố. (Ảnh: Bộ Công an)

Cùng tội danh trên, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an thi hành Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với: Lương Minh Sơn (SN 1971, trú tại Đống Đa, Hà Nội), nhân viên nghiệp vụ Văn phòng Công chứng Nguyễn Lâm, và Vũ Nam (SN 1976, trú tại Hoàng Mai, Hà Nội), Công chứng viên Văn phòng Công chứng Nguyễn Lâm.

Theo Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an, các bị can Trương Thị Nga, Lại Hồng Khánh, Lương Minh Sơn và Vũ Nam vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn là Công chứng viên, ký chứng thực bản sao đúng với bản chính khống trên các tài liệu để các đối tượng khác sử dụng, đưa vào hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia từ năm 2019 đến năm 2022 trái quy định pháp luật.

Hành vi của các bị can bị cáo buộc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, ảnh hưởng xấu đến chức năng xã hội của công chứng viên, hoạt động đúng đắn và uy tín của các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.

Việc khởi tố 4 bị can trên là diễn biến mới khi Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai, Long An, Văn phòng Công chứng Lại Khánh, Văn phòng Công chứng Nguyễn Lâm và một số tỉnh, thành phố khác”.

Trước đó, tháng 7/2023, ông Hoàng Quốc Hùng (SN 1963, Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia), Lương Nhân Hòa (SN 1978, Phó Giám đốc Trung tâm) và Nguyễn Đình Cảnh (SN 1991, Phó trưởng Phòng Hành chính - Tổng hợp) bị khởi tố, bắt tạm giam với cáo buộc nhận hối lộ để cấp Phiếu lý lịch tư pháp trái quy định.

bat-tam-giam-bca-1436-1724310050.jpg

Từ trái qua phải: Hoàng Quốc Hùng, Lương Nhân Hoà, Nguyễn Đình Cảnh. (Ảnh: Bộ Công an)

Cùng thời điểm tháng 7/2023, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an ra Quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam về hành vi đưa hối lộ đối với Nguyễn Thị Ngọc (SN 1982) - chuyên viên Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính, Sở Tư pháp TP Hà Nội; Nguyễn Xuân Thọ (SN 1988) - đại diện Văn phòng giao dịch Công ty Luật TNHH Vicco và Phạm Quang Hậu (SN 1978) - cộng tác viên của Công ty Luật TNHH Vicco.

f3019d5e40399367ca28-1440-1724310050.jpg

Từ trái qua phải: Nguyễn Xuân Thọ, Phạm Quang Hậu, Nguyễn Thị Ngọc. (Ảnh: Bộ Công an)

Phiếu lý lịch tư pháp là gì mà khiến nhiều người xộ khám?
Trong vụ án trên, cơ quan điều tra cáo buộc, việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp trái quy định của pháp luật của các bị can đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Vậy Phiếu lý lịch tư pháp là gì, sử dụng vào việc gì? Làm thế nào để được cấp Phiếu lý lịch tư pháp? Tất tần tật về Phiếu lý lịch tư pháp sẽ được luật gia Phan Xuân Chiến - Phó trưởng phòng Pháp chế, Công ty Luật TNHH Sen Vàng - giải đáp dưới đây.

Phiếu lý lịch tư pháp là gì?
Lý lịch tư pháp là một loại thông tin, giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp theo đề nghị của cá nhân. Cụ thể, Khoản 1 Điều 2 Luật Lý lịch tư pháp đưa ra định nghĩa về lý lịch tư pháp như sau:

"Lý lịch tư pháp là lý lịch về án tích của người bị kết án bằng bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, tình trạng thi hành án và về việc cấm cá nhân đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản".

Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan chức năng quản lý dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh vào thời điểm xin cấp, cá nhân đó có án tích hay không, có được đảm nhiệm chức vụ, thành lập quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp và hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản hay không.

Phiếu lý lịch tư pháp được chia ra làm 2 loại: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và Phiếu lý lịch tư pháp số 2.

Phiếu lý lịch tư pháp số 1
Đối tượng được cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1

Theo Điểm a khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009, Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 Luật này, bao gồm:

- Công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của mình.

- Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 1
Theo Điều 42 Luật Lý lịch tư pháp 2009, Phiếu lý lịch tư pháp số 1 sẽ có các nội dung như sau:

- Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

- Tình trạng án tích:

+ Đối với người không bị kết án thì ghi “không có án tích”. Trường hợp người bị kết án chưa đủ điều kiện được xóa án tích thì ghi “có án tích”, tội danh, hình phạt chính, hình phạt bổ sung;

+ Đối với người được xoá án tích và thông tin về việc xoá án tích đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”;

+ Đối với người được đại xá và thông tin về việc đại xá đã được cập nhật vào Lý lịch tư pháp thì ghi “không có án tích”.

- Thông tin về cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Đối tượng được cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2

Theo Điểm b khoản 1 Điều 41 Luật Lý lịch tư pháp 2009, Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Nội dung Phiếu lý lịch tư pháp số 2
Theo Điều 43 Luật Lý lịch tư pháp 2009, các nội dung chính trong Phiếu lý lịch tư pháp số 2 bao gồm:

- Họ, tên, giới tính, ngày, tháng, năm sinh, nơi sinh, quốc tịch, nơi cư trú, số giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, họ, tên cha, mẹ, vợ, chồng của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

- Tình trạng án tích:

+ Đối với người không bị kết án thì ghi là “không có án tích”;

+ Đối với người đã bị kết án thì ghi đầy đủ án tích đã được xoá, thời điểm được xoá án tích, án tích chưa được xóa, ngày, tháng, năm tuyên án, số bản án, Toà án đã tuyên bản án, tội danh, điều khoản luật được áp dụng, hình phạt chính, hình phạt bổ sung, nghĩa vụ dân sự trong bản án hình sự, án phí, tình trạng thi hành án.

Trường hợp người bị kết án bằng các bản án khác nhau thì thông tin về án tích của người đó được ghi theo thứ tự thời gian.

- Thông tin về việc cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã:

+ Đối với người không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi “không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã”;

+ Đối với người bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã theo quyết định tuyên bố phá sản thì ghi chức vụ bị cấm đảm nhiệm, thời hạn không được thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Phiếu lý lịch sử dụng để làm gì?
Điều 3 Luật Lý lịch tư pháp 2009 chỉ rõ mục đích quản lý lý lịch tư pháp:

1. Đáp ứng yêu cầu cần chứng minh cá nhân có hay không có án tích, có bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản.

2. Ghi nhận việc xóa án tích, tạo điều kiện cho người đã bị kết án tái hoà nhập cộng đồng.

3. Hỗ trợ hoạt động tố tụng hình sự và thống kê tư pháp hình sự.

4. Hỗ trợ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.

Thủ tục đề nghị cấp Phiếu lý lịch tư pháp
Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp sẽ thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Xác định yêu cầu xin phiếu lý lịch tư pháp số 1 hay số 2

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 mà phiếu lý lịch tư pháp số 2 tuy có những sự khác nhau về nội dung nhưng nhìn chung vẫn là xác nhận về tình trạng án tích của một cá nhân nhất định. Do đó, cần xác định đối tượng muốn xin phép trước, quý khách có thể tham khảo phần hướng dẫn trên về phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch tư pháp số gồm những giấy tờ sau:

- Tờ khai yêu cầu cấp giấy lý lịch tư pháp (tải về miễn phí và xem hướng dẫn tại link này)

- Bản sao chứng minh thư hoặc hộ chiếu

- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận thường trú/tạm trú

Các cá nhân có thể ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Khi đó, cá nhân cần phải bổ sung thêm giấy ủy quyền (có chứng nhận của Ủy ban nhân dân phường/xã nếu là công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước hoặc cơ quan ngoại giao, lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài nếu là công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài) và bản sao chứng minh thư của người được ủy quyền. Trường hợp người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần giấy ủy quyền.

Đối với phiếu lý lịch tư pháp số 2, cá nhân không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục.

Bước 3: Nộp hồ sơ xin cấp lý lịch tới cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Bước 4: Thẩm định hồ sơ xin cấp phiếu lý lịch

Sau khi nộp hồ sơ, cơ quan cấp phép sẽ kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ của hồ sơ, trường hợp hồ sơ có thiếu sót hoặc cần bổ sung, cơ quan cấp phép sẽ ra thông báo yêu cầu người được cấp phép bổ sung.

Bước 5: Nhận Phiếu lý lịch tư pháp từ cơ quan cấp Phiếu lý lịch tư pháp

Sau khi xác định hồ sơ hợp lệ, đầy đủ và người xin cấp phép đã đóng phí cấp Phiếu lý lịch tư pháp, công dân nhận giấy hẹn cấp phiếu và đến nhận kết quả theo thời gian ghi trong giấy hẹn.

Làm lý lịch tư pháp ở đâu?
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp, bạn sẽ cần đến một trong các địa điểm sau để nộp hồ sơ:

Đối với công dân Việt Nam:
- Sở Tư pháp nơi cá nhân thường trú;

- Sở Tư pháp nơi cá nhân tạm trú nếu không có nơi thường trú;

- Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia nếu không xác định được nơi thường trú hoặc nơi tạm trú;

- Sở Tư pháp nơi thường trú cuối cùng trước khi xuất cảnh cư trú ở nước ngoài.

Đối với người nước ngoài:
- Nếu đang cư trú ở Việt Nam thì nộp tại Sở Tư pháp nơi cư trú;

- Nếu đã từng cư trú ở Việt Nam thì nộp tại Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia.

Dưới đây là một số địa chỉ cụ thể:

Làm lý lịch tư pháp tại Hà Nội ở đâu?
- Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia tại địa chỉ Số 9 Trần Vĩ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Sở tư pháp Hà Nội tại địa chỉ Số 221 Trần Phú, P. Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội

Làm lý lịch tư pháp tại TP Hồ Chí Minh ở đâu?
- Sở tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ 143 Pasteur, Phường 6, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

Làm lý lịch tư pháp tại Đà Nẵng ở đâu?
- Sở Tư Pháp thành phố Đà Nẵng tại địa chỉ: 16 Bạch Đằng, Thạch Thang, Hải Châu, Đà Nẵng

Làm lý lịch tư pháp tại Bình Dương ở đâu?
Sở Tư pháp, tầng 15, tháp A - Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương, phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Lệ phí cấp lý Phiếu lịch tư pháp là bao nhiêu?
Phí cấp lý lịch tư pháp hiện này là 200.000 đồng/lần/người.

Đối với học sinh, sinh viên, người có công với cách mạng, thân nhân liệt sỹ, mức phí áp dụng là 100.000 đồng/lần/người.

Một số đối tượng sẽ được miễn lệ phí bao gồm: trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, người cư trú tại các xã khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn.

Nếu bạn thuộc các đối tượng được giảm/miễn lệ phí như trên, cần xuất trình được giấy tờ chứng minh khi nộp hồ sơ.

Nếu bạn yêu cầu cấp từ 3 phiếu lý lịch tư pháp trở lên trong một lần thì phiếu thứ 3 trở đi, sẽ phải nộp thêm 5.000 đồng/phiếu.

Thời gian làm lý lịch tư pháp bao lâu?
Cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết và cấp phiếu lý lịch tư pháp trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được yêu cầu hợp lệ. Trường hợp đương sự là người nước ngoài, công dân Việt Nam đã cư trú ở nhiều nơi hoặc có thời gian cư trú ở nước ngoài, thời gian sẽ kéo dài hơn, nhưng không quá 15 ngày.

Thời hạn của lý lịch tư pháp
Thực tế hiện nay chưa có quy định thống nhất, rõ ràng nào về việc lý lịch tư pháp có thời hạn sử dụng trong bao lâu. Tùy vào từng văn bản luật trong các lĩnh vực khác nhau và yêu cầu của cơ quan, tổ chức có nhu cầu tìm hiểu tình trạng án tích của các cá nhân mà phiếu lý lịch tư pháp sẽ có hiệu lực trong thời gian nhất định.

Vì thế, khi yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp bạn phải biết được mục đích dùng để làm gì và yêu cầu cụ thể của cơ quan, tổ chức có liên quan để đảm bảo tính hợp lệ của văn bản.

Xin cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua cổng Dịch vụ công quốc gia
Bước 1: Tuy cập vào địa chỉ https://dichvucong.gov.vn/p/home/dvc-chi-tiet-thu-tuc-hanh-chinh.html?ma_thu_tuc=2.000488

Bước 2: Chọn Tỉnh, thành phố. Sau đó chọn “Đồng ý”

1-11441-1724310050.jpg
 

Bước 3: Chọn “Nộp trực tuyến”

2-1144-1724310320.jpg
 

Bước 4: Chọn loại tài khoản đăng nhập

3-1144-1724310380.jpg
 

Bước 5: Tiến hành đăng nhập

4-1144-1724310050.jpg

 

Bước 6: Hệ thống sẽ tự động chuyển về Cổng thông tin địa phương mà công dân đã chọn tại bước 2. Quý khách hàng cần làm theo hướng dẫn trên Cổng thông tin của mỗi địa phương.