Chuỗi cung ứng hay Supply chain là một hệ thống các tổ chức, con người, hoạt động, thông tin và các nguồn lực liên quan tới việc di chuyển sản phẩm hay dịch vụ từ nhà cung cấp hay nhà sản xuất đến người tiêu dùng. Hoạt động chuỗi cung ứng liên quan đến biến chuyển các tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu và các thành phần thành một sản phẩm hoàn chỉnh để giao cho khách hàng cuối cùng (người tiêu dùng).
Theo Hội đồng các chuyên gia quản trị chuỗi cung ứng (CSCMP), quản trị chuỗi cung ứng bao gồm lên kế hoạch (hoạch định) và quản trị tất cả các hoạt động liên quan đến tìm nguồn cung, mua hàng, sản xuất, phân phối, dịch vụ khách hàng… Quản trị chuỗi cung ứng là sự phối hợp và cộng tác của các đối tác trên cùng một kênh như nhà cung cấp, các bên trung gian, nhà cung cấp dịch vụ bên thứ ba và khách hàng.
Các vấn đề của chuỗi cung ứng thực phẩm tại Việt Nam
Dưới nhu cầu thưởng thức các loại thực phẩm đa dạng, tươi ngon vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, chuỗi cung ứng thực phẩm đã phải mở rộng hơn nhiều về mặt địa lý và buộc phải thông qua nhiều nhà cung cấp hơn. Điều này đã làm cho nghiệp vụ quản lý chuỗi cung ứng ngành thực phẩm trở nên cồng kềnh và phức tạp hơn bao giờ hết.
Các nhà sản xuất, nhà phân phối hay các nhà cung cấp dịch vụ logistics theo đó cũng phải chịu những áp lực không nhỏ để đưa các sản phẩm thực phẩm ra thị trường một cách nhanh chóng, an toàn và trong điều kiện tốt nhất có thể.
Một chuỗi cung ứng thực phẩm điển hình bao gồm sáu giai đoạn: Tìm nguồn cung cấp nguyên liệu thô; Sản xuất; Chế biến và đóng gói; Lưu trữ; Phân phối bán buôn; Phân phối bán lẻ.
Nếu chỉ một trong các công đoạn trên gặp sự cố, rất nhiều vấn đề sẽ nảy sinh và toàn bộ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sẽ gặp nguy hiểm.
Để quản lý các vấn đề an toàn thực phẩm trong chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp ngành thực phẩm cần có khả năng truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm được hiểu một cách chung nhất là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, phân phối. Điều 18, tiêu chuẩn EC 178/2002 quy định: “Truy xuất nguồn gốc có nghĩa là khả năng tìm ra nguồn gốc một loại thực phẩm, thức ăn gia súc, động vật sản xuất thực phẩm hoặc một hợp chất muốn bổ sung vào thực phẩm hoặc thức ăn gia súc, thông qua các giai đoạn sản xuất, chế biến và phân phối”. Theo đó EU yêu cầu tất cả hàng hóa đưa ra thị trường phải được dán nhãn bằng phương thức thích hợp để truy xuất được nguồn gốc.
Tại Việt Nam, Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 đã định nghĩa: “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là việc truy tìm quá trình hình thành và lưu thông thực phẩm”. Căn cứ qui định của Luật An toàn thực phẩm, Thông tư số 74/2011/TT-BNNPTNT ngày 31/10/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn đã qui định: “Truy xuất nguồn gốc thực phẩm là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh”.
Khả năng truy xuất nguồn gốc, hay khả năng theo dõi sản phẩm qua tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng ngày nay đã không còn là một nhu cầu nên có mà đang dần trở thành một yêu cầu bắt buộc. Nhiều người tiêu dùng hiện nay muốn biết tất cả các sản phẩm và các thành phần dù là nhỏ nhất trong nó đến từ đâu.
“Việc chia sẻ thông tin từ mỗi bước của chuỗi cung ứng thực phẩm giúp tăng cường an toàn thực phẩm, củng cố tính toàn vẹn của thương hiệu và tăng sự trung thành của khách hàng.” – Jad Asaad, Horeca Trade
Mặt khác, việc thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc và tính minh bạch có thể tạo ra những điểm mù trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, từ đó dẫn đến những rủi ro không đáng có. Một số vấn đề pháp lý có thể phát sinh làm đình trệ việc ra mắt những sản phẩm mới. Thậm chí, điều này có thể làm suy yếu lòng tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu và trực tiếp làm giảm doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Việc thiếu khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm thường do các công ty đang sử dụng những hệ thống đã lỗi thời hoặc đang theo dõi giấy tờ một cách thủ công theo kiểu truyền thống. Điểm yếu dễ thấy của quy trình hoạt động này là thường hay xảy ra lỗi và sự chậm trễ trong việc chia sẻ thông tin.
Tuy nhiên, hiện nay, doanh nghiệp và người tiêu dùng vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa của việc truy xuất nguồn gốc và chưa hiểu đúng bản chất của truy xuất nguồn gốc. Hiện tại cho thấy, có khoảng 95% sản phẩm đang được bày bán ở ngoài các siêu thị cũng như các cửa hàng được gắn mã QR code và được quảng bá đó là truy xuất nguồn gốc, nhưng thực chất đây chỉ là việc truy cập thông tin, kiểm tra hàng hóa xem đơn vị nào sản xuất, địa chỉ ở đâu… truy xuất nguồn gốc cần nhiều thông tin hơn.
Đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm ngành hàng cụ thể. Do vậy, doanh nghiệp cần phải cập nhật thông tin về việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao nhận thức, áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, từ đó nâng cao chất lượng hàng hóa trong từng công đoạn của sản phẩm, để tận dụng tốt cơ hội thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức trong bối cảnh hội nhập toàn cầu của Việt Nam.
Ngày nay, việc đảm bảo chất lượng và tính an toàn của sản phẩm là một thách thức ngày càng lớn đối với các nhà sản xuất. Một số nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm bao gồm: Việc lưu trữ hàng và công tác kho bãi còn hạn chế; Chậm trễ trong vận chuyển; Thời tiết khắc nghiệt; Thiếu trang thiết bị hiện đại.
Đây là một số lý do khiến số lượng các vụ thu hồi sản phẩm, thực phẩm tiếp tục gia tăng. Việc thu hồi sản phẩm là vô cùng tốn kém và điều này có thể gây ra những thiệt hại không thể phục hồi đến danh tiếng cũng như thương hiệu của doanh nghiệp.
Thông tin đứt gãy bởi những thiếu sót trong việc giao tiếp giữa các bên có thể tạo ra tác động lớn đến chuỗi cung ứng thực phẩm. Ví dụ như gây ra các thiếu hụt hay lãng phí về tồn kho, nhân lực và chi phí một cách không cần thiết. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do chuỗi cung ứng của doanh nghiệp có quá nhiều bên tham gia nhưng các bên lại biết rất ít hoặc không biết về các hoạt động của nhau. Sự giao tiếp kém hiệu quả thậm chí còn có thể làm các nhà cung cấp và khách hàng của mình không còn tin tưởng lẫn nhau. Vấn đề này có thể còn trở nên tồi tệ hơn nhiều khi doanh nghiệp đang hoạt động trên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau.
Điều hành một chuỗi cung ứng thực phẩm sẽ tiêu tốn nhiều loại chi phí, một số chi phí quan trọng bao gồm: Chi phí điện và nhiên liệu; Chi phí logistics, vận chuyển hàng hóa; Chi phí nhân công; Chi phí đầu tư vào công nghệ mới
Những chi phí này rất đáng kể, do vậy, việc theo dõi chi phí hoạt động thường xuyên là một thách thức cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm.
Một vấn đề nhức nhối khác trong việc quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm đó là quản lý tồn kho. Để kiểm soát chi phí, duy trì chất lượng sản phẩm cũng như làm hài lòng các khách hàng, doanh nghiệp cần phải đảm bảo hàng tồn kho được quản lý một cách kỹ càng. Tồn kho quá nhiều sẽ dễ bị hỏng và gây ra lãng phí về diện tích và chi phí kho bãi. Quá ít sẽ dễ gây ra cháy hàng và làm khách hàng thất vọng. Doanh nghiệp thực phẩm luôn phải đứng trước sự đánh đổi giữa việc giữ cho khách hàng hài lòng và giữ cho chi phí tồn kho ở mức tối ưu nhất.
Khắc phục tồn tại trong quản lý chuỗi cung ứng thực phẩm
Truy xuất nguồn gốc sử dụng công nghệ blockchain
Mặc dù là một loại công nghệ vẫn chưa được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp thực phẩm, nhưng blockchain được nhiều lãnh đạo coi là một công nghệ đầy hứa hẹn cho phép truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm.
Công nghệ blockchain là một nền tảng số chung, nơi người dùng có thể lưu trữ và chia sẻ thông tin qua một mạng lưới chung. Hệ thống này cho phép người dùng xem tất cả các giao dịch cùng một thời điểm trong thời gian thực. Một trong những lợi thế chính của blockchain là một khi thông tin được thêm vào hệ thống, thông tin đó sẽ được phân phối nội bộ trong mạng lưới và được lưu trữ cố định trong đó vĩnh viễn. Thông tin do vậy sẽ không thể bị tấn công, thao túng hoặc bị hư hại bởi bất kỳ cách nào.
Công nghệ này có thể mang lại sự minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc và sự tin cậy mà ngành công nghiệp thực phẩm đã bỏ qua trong một khoảng thời gian dài. Nhờ tính bảo mật và sự minh bạch của mình, hệ thống blockchain có thể cung cấp cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà bán lẻ và người tiêu dùng quyền truy cập đến nguồn thông tin đáng tin cậy về nguồn gốc và trạng thái của từng sản phẩm hoặc thành phần trong nó.
Tập đoàn IBM đã đưa ra giải pháp truy xuất nguồn gốc sử dụng công nghệ Blockchain có tên gọi IBM Food Trust và một số doanh nghiệp thực phẩm đã sử dụng giải pháp của họ. Nestlé (nhà sản xuất) và Carrefour (nhà phân phối) hợp tác với nhau và sử dụng IBM Food Trust cho phép người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc các sản phẩn trong chương trình Mousline ở Pháp. Công ty J.M. Smucker áp dụng giải pháp IBM Food Trust cho phép người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc chuỗi giá trị cà phê của mình đến gốc.
Ở Việt Nam hiện đang thiếu một nền tảng truy xuất nguồn gốc tầm cỡ quốc gia sử dụng công nghệ Blockchain. Chủ yếu chỉ có các giải pháp cung cấp tem nhãn sản phẩm của doanh nghiệp (vCheck của Viettel Telecom là một ví dụ).
Giám sát môi trường bảo quản thực phẩm sử dụng công nghệ IoT
Để sản xuất các sản phẩm có chất lượng cao và đảm bảo an toàn, doanh nghiệp nên bắt đầu từ việc lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất, thực hiện đúng phương pháp sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và thêm vào đó là thử nghiệm và chứng minh tính hiệu quả của các phương pháp đó. Theo đó, doanh nghiệp thực phẩm cần cân nhắc lựa chọn một phòng thí nghiệm được trang bị các loại thiết bị đo lường và công cụ thử nghiệm hiện đại để đảm bảo chất lượng sản xuất và tính tin cậy cho sản phẩm của mình.
Việc đóng gói hàng cũng chiếm một vai trò quan trọng. Doanh nghiệp cần phải chọn đúng loại vật liệu cho quy trình đóng gói hàng để đảm bảo độ tươi ngon và an toàn cho sản phẩm của mình.
Cuối cùng, doanh nghiệp cũng phải chọn một công ty logistics có kinh nghiệm trong việc xử lý các sản phẩm thực phẩm để đảm bảo cho việc sản xuất và phân phối hiệu quả.
Giải pháp giám sát môi trường bảo quản thực phẩm sử dụng công nghệ IoT cho phép đo xa, theo dõi và giám sát môi trường trong quá trình lưu trữ và vận chuyển thực phẩm.
Các giải pháp trên nền tảng đám mây để trao đổi và chia sẻ thông tin
Ngày nay, việc thiếu thông tin giữa các bên đã không còn là một vấn đề đáng quan ngại nhờ các giải pháp hỗ trợ giám sát chuỗi cung ứng thực phẩm. Công nghệ này còn có thể hỗ trợ việc giao tiếp giữa các đối tác một cách dễ dàng hơn, nhanh chóng hơn với giá cả phải chăng hơn.
Các nền tảng đám mây (cloud-based platform) cung cấp khả năng giao tiếp nhanh chóng và một loạt các dịch vụ có thể được xây dựng và tùy chỉnh theo nguyện vọng của doanh nghiệp. Ngoài tầm nhìn bao quát về chuỗi cung ứng của mình, các bên còn có thể giao tiếp trực tuyến hay viết các thông báo giống như trên các trang mạng xã hội. Theo đó, các nhà sản xuất có thể dễ dàng trao đổi với các nhà cung cấp một cách riêng tư hoặc công khai với các đối tác khác.
Việc giao tiếp giữa các nhà sản xuất và các nhà cung cấp của mình là tối quan trọng. Doanh nghiệp thực phẩm sẽ không thể duy trì chất lượng các sản phẩm của mình với một nguồn nguyên liệu kém chất lượng. Những đầu tư để nâng cao chất lượng nguyên liệu đầu vào sẽ luôn có lời: doanh nghiệp có thể sở hữu những nông sản hay nguyên liệu tươi ngon nhất để phục vụ việc sản xuất. Từ đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng tập trung vào việc duy trì chất lượng trong suốt phần còn lại của chuỗi cung ứng mà không cần phải lo lắng về khả năng thiếu hụt nguồn cung. Đây cũng là tiền đề để nâng cao trải nghiệm của các khách hàng và người tiêu dùng.
Số hóa các lĩnh vực cốt lõi của doanh nghiệp để tiết kiệm chi phí cho chuỗi cung ứng thực phẩm
Bước đầu tiên để kiểm soát chi phí là phải hiểu rõ các loại chi phí hiện có trong hoạt động doanh nghiệp. Trong các chuỗi cung ứng đơn giản, điều này có thể được thực hiện bằng các công cụ bảng tính excel. Nhưng ở nếu chuỗi cung ứng ngày càng trở nên phức tạp, doanh nghiệp sẽ cần một giải pháp công nghệ. Các chuỗi cung ứng rất phức tạp có thể được quản lý tốt hơn với các giải pháp mạng (network solution), do đó bạn chỉ cần tích hợp vào mạng chung mà không phải kết nối với từng nhà cung cấp riêng lẻ. Doanh nghiệp nên nâng cấp công nghệ của mình, những công việc như gửi file excel qua email hay gọi điện báo tin cần được loại bỏ.
Một lưu ý khác là nếu các lãnh đạo quá quan tâm đến việc tiết kiệm chi phí thì tính hiệu quả và sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp có thể bị kìm hãm. Một giải pháp công nghệ “đắt tiền” có thể mang lại lợi tức đầu tư đáng kể và tiết kiệm rất nhiều loại chi phí về lâu dài. Từ đó, doanh nghiệp vận hành hiệu quả và trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các khách hàng. Doanh nghiệp nhờ vậy cũng có thể trở nên khó bị tổn thương hơn trong việc cạnh tranh hay trước những khủng hoảng như dịch bệnh. Thay vì tập trung vào chi phí trước mắt, lãnh đạo cần đánh giá chi phí có thể tiết kiệm được và hiệu quả dài hạn mà công nghệ mang lại.
Các giải pháp số hóa, tự động hóa lĩnh vực vận hành, khách hàng cũng như khối hỗ sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí.
Giải pháp quản lý hàng tồn kho
Các giải pháp quản lý tồn kho có thể giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý hàng tồn kho của mình. Một nền tảng quản lý tồn kho lý tưởng nhất sẽ cung cấp khả năng hiển thị hàng tồn kho xuyên suốt trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp trong thời gian thực. Ngoài ra một số tính năng mà các doanh nghiệp có thể cân nhắc là khả năng tích hợp với các loại cảm biến, các thiết bị IoT hay các công nghệ theo dõi tự động trong thời gian thực khác.
Một cách nữa để tăng khả năng kiểm soát tồn kho là tích hợp phần mềm quản lý tồn kho (WMS) với phần mềm quản lý vận tải (TMS) để theo dõi chính xác số lượng hàng hóa trong kho, hàng hóa đang được vận chuyển hay hàng hóa trên kệ.
Chuỗi cung ứng thực phẩm là một chuỗi cung ứng ẩn chứa nhiều thách thức. Cho dù doanh nghiệp đang vận hành ở nhiều quốc gia hay chỉ trong một địa phương, các lãnh đạo vẫn phải luôn đảm bảo chất lượng và độ an toàn cho những thành phẩm của mình. Nhìn chung, doanh nghiệp sở hữu càng nhiều khả năng theo dõi chuỗi cung ứng của mình, cũng như càng giao tiếp hiệu quả với các đối tác chiến lược thì việc vận hành các hoạt động logistics sẽ luôn hiệu quả.
Các lãnh đạo nên có một định hướng đầu tư rõ ràng cho công nghệ để mang lại hiệu quả tốt nhất: Đầu tư vào các nhà cung cấp giải pháp phù hợp với định hướng của doanh nghiệp, hợp tác với các công ty logistics có kinh nghiệm và uy tín sẽ là tiền đề cho một chuỗi cung ứng vận hành hiệu quả hơn, các sản phẩm chất lượng hơn và những khách hàng trung thành hơn.