TPHCM "để mắt" đến công nghệ blockchain

Tiếp theo AI, TPHCM đang xem xét ý định đầu tư vào blockchain - một công nghệ mới được đánh giá đặc biệt hữu ích với các thành phố muốn trở nên thông minh và năng động hơn.
blockchain-tphcm-4-1654587415.jpg
TP.HCM đang phát triển các trường hợp sử dụng blockchain trên nhiều lĩnh vực như hành chính công, giao thông vận tải, y tế, ngân hàng và một số ngành công nghiệp | Ảnh: VNP

Đầu năm 2021, chỉ vài tháng sau khi Chính phủ phê duyệt danh mục các công nghệ cao và sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên phát triển, TP.HCM đã công bố Chương trình phát triển AI của riêng mình trong 10 năm tiếp theo nhằm đưa AI thành công nghệ lõi trong xây dựng thành phố thông minh và phát triển kinh tế số.

Chương trình này đang nhanh chóng góp phần thiết lập một loạt cơ sở hạ tầng tính toán, ứng dụng AI và mạng lưới các viện, trường, trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực AI trên địa bàn thành phố. Sở Thông tin & Truyền thông của TP.HCM cho biết đang đẩy nhanh việc áp dụng AI vào một số lĩnh vực cụ thể, bao gồm hành chính công, giao thông vận tải, y tế, ngân hàng và một số ngành công nghiệp.

Trong khi AI đã bắt đầu gây dựng được nền tảng, công nghệ thứ hai mà TP.HCM nhắm tới có thể là blockchain. “Chúng tôi đang trong quá trình nghiên cứu để đề xuất với Chính quyền một chương trình phát triển blockchain tương tự như chương trình phát triển AI”, ông Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cơ quan tư vấn chính sách cho thành phố, chia sẻ.

Có nhiều lý do để TP.HCM để mắt tới công nghệ này. Blockchain đang đứng ở vị trí thứ 3 và thứ 4 trong danh mục công nghệ cao và danh mục sản phẩm công nghệ cao được Nhà nước khuyến khích phát triển, theo ông An. Nhưng lý do chính nằm ở bản chất của công nghệ: tính minh bạch, độ tin cậy cao và phi tập trung.

Một khi các mô hình thành phố thông minh được triển khai ở các đô thị như TPHCM, sẽ có hàng tỷ thiết bị IoT được kết nối trực tiếp với nhau một cách tức thời. Điều này không những đòi hỏi phải có giao dịch thông tin một cách chính xác, minh bạch, mà đồng thời dữ liệu lưu thông trên đó cũng phải rất rõ ràng, không bị can thiệp để có thể cung cấp đầu vào chính xác cho những ứng dụng khác như AI, Big Data.

“Công nghệ thông tin truyền thống tập trung vào các máy chủ khiến cho việc xử lý tốt những khối lượng dữ liệu khổng lồ này là gần như không thể,” ông Ông Đỗ Văn Long, Tổng Giám đốc công ty khởi nghiệp Vietnam Blockchain Corporation (VBC), cho biết. "Xử lý giao dịch bằng cách gửi về một hệ thống trung tâm như thế sẽ sinh ra các nút thắt cổ chai, dẫn đến thông tin giao dịchbị ngắt quãng (delay), đặc biệt là khi một trong những máy chủ đó bị tấn công. Nếu không bị tấn công thì các thông tin trên đường đi cũng có thể bị can thiệp hoặc giả mạo rất nhiều. Đó là lý do công nghệ blockchain ra đời để khắc phục những điểm yếu đó.”

Len lỏi vào đời sống

Do có khả năng ghi chép và xác thực mọi dữ liệu, blockchain có thể kết hợp với những công nghệ khác để đem lại hiệu quả cao hơn cho các ứng dụng và phục vụ các nhu cầu khác nhau của đời sống.

Tại hội nghị “Ứng dụng blockchain nhằm nâng cao hiệu quả trong chuyển đổi số" vào cuối tháng 5, ông Đỗ Văn Long đã giới thiệu mô hình “Blockchain-as-a-Service” cho phép ứng dụng rộng rãi blockchain vào các dịch vụ công. Theo đó, blockchain sẽ cung cấp một định danh duy nhất cho các đối tượng sử dụng. Mỗi người chỉ cần khai báo một lần duy nhất để mã hóa định danh trên blockchain, thì khi đến bất kỳ điểm nào trong chuỗi kết nối dịch vụ công, họ chỉ cần đưa ra mã QR, hệ thống sẽ tự soi khớp với mã định danh lưu trên blockchain để cho phép họ vào.

Điều này sẽ thay đổi rất lớn về mặt giấy tờ, thủ tục hành chính, đồng thời giảm chi phí xã hội cho công dân. Ông Long cho biết VBC đã bắt tay với cơ quan quản lý để áp dụng blockchain ở sân bay Tân Sơn Nhất trong thời gian xảy ra dịch Covid nhằm kiểm soát ra vào mỗi ngày của hàng nghìn nhân viên. Nhờ đó, mỗi khi nhân viên đi vào các khu vực, thay vì phải xuất trình chứng minh nhân dân, khai báo y tế và ký nhận như trước kia, mọi lịch sử đi lại đều được xác minh và ghi nhận cụ thể trên blockchain thông qua mã QR. Sân bay đã thích thú với ý tưởng này đến mức nâng từ 2 cổng ra vào kiểm soát bằng blockchain lên 8 cổng.

“Mã định danh này không chỉ xác định nhân viên, mà giờ khi Covid qua đi, nó có thể chuyển sang chức năng điểm danh và nếu được, sẽ mở rộng ra dùng cho các khu công nghiệp, tòa nhà và những khu vực cần kiểm soát ra vào khác”, ông Long chia sẻ.

Theo ông, việc quản trị thành phố thông minh sử dụng quản trị mạng phân tán dựa trên blockchain như vậy thực sự sẽ giúp cắt giảm thủ tục hành chính (giảm công việc giấy tờ và sự chậm trễ trong các vấn đề hành chính) và cải thiện hiệu quả của hành chính công, biến quy trình làm việc bám sát theo sát thời gian thực, làm cho những thủ tục như xác minh an sinh xã hội, đăng ký địa chỉ/hủy đăng ký,... trở nên nhanh chóng hơn.

Thêm vào đó, các nền tảng blockchain đảm bảo tính bảo mật, độ tin cậy và ẩn danh, có thể dùng rộng rãi cho các cuộc tham vấn công khai của thành phố như bầu cử, khảo sát, trưng cầu dân ý, v.v.

Theo một cách tương tự, blockchain cũng đã được ứng dụng trong lĩnh vực y tế. CovidPass, một ứng dụng blockchain do trường Đại học Bách khoa TP.HCM và VBC phát triển, đã được triển khai tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để xét nghiệm Covid cho những người có nhu cầu xuất nhập cảnh trong bối cảnh đại dịch. Thông tin xét nghiệm trên mã QR có thể trình trực tiếp cho các đơn vị ở sân bay, ngân hàng và đối tác nước ngoài mà không sợ bị giả mạo, trong khi người dùng không cần khai báo nhiều lần và cũng không cần lưu trữ các bản kết quả giấy.

“Đến nay, chúng tôi đã nhận hơn 4.000 yêu cầu xét nghiệm như thế trên ứng dụng của CovidPass”, ông Trần Nguyên Vũ, Phó phòng công nghệ thông tin ở Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết.

Về cơ bản, blockchain có thể được dùng để tạo ra một hệ thống phân tán hồ sơ sức khỏe bệnh nhân phân, từ đó chia sẻ an toàn với một chuyên gia y tế trên chuỗi. Trong một tương lai không xa, khi kết hợp với điều trị y tế từ xa (Telemedicine) và những thiết bị IoT khác, nó có thể tạo ra một phương thức tiếp cận sức khỏe mới, cho phép cả những người ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận hệ thống chăm sóc sức khỏe hiện đại và tin cậy.

Ông Vũ cho rằng khi công nghệ blockchain được ứng dụng nhiều hơn trong việc khám chữa bệnh, người bệnh không phải chờ đợi, xếp hàng và nhân viên y tế có thể tiết kiệm thời gian để tập trung vào chuyên môn.

Một trong những trường hợp sử dụng blockchain tốt nhất cho thành phố thông minh là minh bạch hóa các quy trình giáo dục. Khi nói chuyện với một số đối tác nước ngoài, ông Mai Anh Thái, Giám đốc Trung tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngoại giao và ngoại ngữ (CEFALT), nhận thấy, một số doanh nghiệp muốn tìm kiếm những sinh viên có chất lượng, có năng lực tại Việt Nam nhưng lại không có cơ sở nào để kiểm tra chuyện đó. Chính vì thế, trung tâm của ông đã áp dụng công nghệ blockchain trong suốt quá trình học, khiến cho mọi thông tin về sự tham gia, học tập, điểm danh, chứng chỉ của học viên đều được ghi lại từng bước minh bạch trong “học bạ số” mà không ai có thể sửa đổi được.

“Chúng tôi có những khóa học khá đặc thù khiến cho việc học tập, thực hành càng nhiều thì sẽ càng có khả năng tiếp cận những công việc cao hơn, tương tự như các phi công tích lũy giờ bay để nâng cao uy tín. Blockchain là một công nghệ hoàn hảo để ghi nhận và kiểm chứng những nỗ lực như vậy”, ông Thái nhận xét.

Sớm hơn, từ năm 2020, một số cơ sở đào tạo khác như ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), CĐ Quốc tế TP.HCM hay ĐH Hoa Sen đã trở thành một trong những nơi đầu tiên cấp bằng tốt nghiệp có sử dụng công nghệ blockchain. Mỗi bằng cấp ra đều được số hóa và ghi nhận thông tin (thời điểm cấp, đơn vị đã cấp, …) bằng một mã định danh QR duy nhất khiến cho văn bằng “không thể làm giả được”. Khi đó, bất kì nhà tuyển dụng nào cũng có thể dễ dàng kiểm tra các thông tin trên hệ thống blockchain mà không cần thực hiện các quy trình liên lạc, xác minh thủ công với các cơ sở đào tạo như hiện nay.

Cuối cùng, blockchain có thể áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực nông nghiệp. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và các đối tác đang triển khai một mô hình “làng thông minh” ở Đồng Tháp để phát triển canh tác bền vững và xuất khẩu đặc sản xoài hữu cơ sang thị trường Nhật Bản. Mô hình này có rất nhiều khía cạnh, bao gồm cả những hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, thiết bị IoT quan trắc môi trường và các thuật toán AI cảnh báo sớm những nguy cơ tác động đến quá trình canh tác ở hợp tác xã.

ThS. Nguyễn Cao Trí tại Khoa Khoa học và kỹ thuật máy tính và là thành viên của dự án, cho biết, blockchain đóng vai trò rất lớn trong việc bảo đảm truy xuất nguồn gốc và an sinh xã hội. “Các đối tác nhập khẩu và người tiêu dùng ở nước ngoài cần biết thông tin minh bạch về từng khâu trong sản xuất - từ con giống, nguồn phân, lịch sử canh tác, đến đóng gói, vận chuyển - để đảm bảo sản phẩm đến tay họ thực sự 'hữu cơ'; trong khi người nông dân ở hợp tác xã vốn phải chia sẻ các tài nguyên với nhau và hoạt động theo chuỗi lấy đầu ra của người khác làm đầu vào của mình, cũng cần một công cụ rõ ràng và ổn định để ghi nhận những đóng góp của họ phục vụ cho việc chia sẻ lợi tức sau này," ông Trí nói. "Và rõ ràng, blockchain đáp ứng rất tốt những đòi hỏi đó."