Có sự “buông lỏng” quản lý an toàn thực phẩm chức năng?

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế) đã xử phạt công ty dược phẩm Hoàng Hường vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm sau khi dư luận có nhiều phản ứng về những sai phạm của doanh nghiệp này. Phải chăng đã có sự “buông lỏng” quản lý lĩnh vực thực phẩm chức năng đối với sức khoẻ con người?

Trong thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm đã tích cực vào cuộc xử lý các vi phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng vi phạm đối với lĩnh vực này giảm không đáng kể. Đặc biệt, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid -19, hoạt động quảng cáo các loại sản phẩm thực phẩm chức năng càng "lên ngôi".

Điển hình, phải nhắc đến những sản phẩm của Công ty Dược phẩm Hoàng Hường đã sử dụng tần suất quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội tới mức "choáng ngợp"". Hễ mở các nền tảng mạng xã hội ra như fanpage, youtube là hình ảnh nữ "đại gia" Hoàng Hường tràn ngập màn hình, đủ cho thấy độ "chịu chơi"của doanh nhân này.

Từ fanpage, youtube có tên như Nha khoa Quốc tế Hoàng Hường, Nhà thuốc Hoàng Hường, Dược phẩm Hoàng Hường, Hoàng Hường - Thẩm Mỹ 24, Hoàng Hường Số 1 Nha Khoa Đẹp… đề thấy hình ảnh về nữ "doanh nhân" liên tục phát các video quay bà Hoàng Thị Hường quảng cáo sản phẩm nước súc miệng, họng Hoàng Hường Care Medic điều trị dứt điểm hôi miệng, viêm lợi... và nhiều bệnh lý răng miệng khác.

5226_Clip_vY_Cong_ty_Hoang_HYYng

Clip về Dược phẩm Hoàng Hường trong chương trình "Điểm tựa tương lai" trên VTV. 

Điều đáng nói, các quảng cáo sản phẩm của Hoàng Hường thường xuyên sử dụng những từ ngữ rất "đắt" như "diệt", "đặc trị", "trị", "loại bỏ"... “Chữa được hôi miệng lâu năm, hôi từ kiếp trước sang kiếp này, hôi miệng cỡ nào cũng hết”, hay có thể “điều trị viêm lợi, hôi miệng tại nhà”... để quảng cáo, thổi phồng công dụng sản phẩm khiến không ít người tiêu dùng “sập bẫy”.

Theo cục An toàn thực phẩm các sản phẩm Hoàng Hường được quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Quảng cáo mà không có hoặc ghi không đúng, không đọc rõ, không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo "Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Những hình ảnh trên của Công ty Dược phẩm Hoàng Hường đã làm cho người dân bức xúc bởi những lời lẽ thô tục, thông tin về sản phẩm với lời lẽ "tâng bốc" thái quá về công dụng của sản phẩm.Vậy mà các cơ quan chức năng quản lý chưa thực sự vào cuộc để ngăn chặn, xử lý trong suốt gần 1 năm qua.

Sự việc "vỡ lở" khi ngày ngày 10/4/2022 chương trình "Điểm tựa tương lai" trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam có một phóng sự dài về Dược phẩm Hoàng Hường nhằm tôn vinh các sản phẩm cùng với bà chủ Hoàng Hường của công ty.

Ngay sau khi phóng sự này được “lên sóng”, rất nhiều ý kiến bình luận gay gắt, lên án, chỉ trích và tranh cãi dữ dội về hình ảnh của nữ "doanh nhân" Hoàng Hường có thực sự như phản ánh trong phóng sự.

Ngay sau đó, video ghi lại chương trình đã được gỡ khỏi trang web của VTV, nhưng phần tin về dược phẩm Hoàng Hường trong chương trình "Điểm tựa tương lai" vẫn được một số trang mạng xã hội đăng tải với những bài viết chỉ trích đài truyền hình quốc gia.

Trước dư luận gay gắt của xã hội, Cục An toàn thực phẩm mới có quyết định xử phạt vi phạm hành chính 65 triệu đồng, cùng với yêu cầu tháo gỡ, xóa nội dung quảng cáo vi phạm; cơ sở vi phạm về tự công bố sản phẩm phải thu hồi sản phẩm và thu hồi Bản tự công bố sản phẩm vi phạm.

Theo luật sư Bùi Phan Anh - Đoàn luật sự TP Hà nội cho biết: Theo quy định tại Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 (sửa đổi năm 2018) và Điều 197 Tội quảng cáo gian dối thì người nào quảng cáo gian dối về hàng hoá, dịch vụ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi đó. Đồng thời quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 10, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hành vi quảng cáo sản phẩm không được kiểm chứng về nguồn gốc xuất xứ, công dụng thực tế, thổi phồng công dụng sản phẩm của một số nghệ sĩ có thể coi là tiếp tay, đồng phạm với doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ khi “lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại hội nghị phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu ý kiến: “Nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe... gây bức xúc xã hội. Ngoài vi phạm của tổ chức, cá nhân có sản phẩm, còn có trách nhiệm của cơ quan, đơn vị phát hành quảng cáo. Mặc dù các lực lượng chức năng đã tích cực vào cuộc xử lý, nhưng tình hình vi phạm giảm không đáng kể. Nguyên nhân xuất phát từ lợi nhuận lớn nên nhiều tổ chức, cá nhân có sản phẩm, kể cả cơ quan phát hành quảng cáo sẵn sàng vi phạm. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng chưa hiệu quả, nhất là quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các nền tảng mạng xã hội; một số quy định pháp luật về quản lý hoạt động quảng cáo, việc mở các tên miền, website, quy định về xử phạt bổ sung chưa chặt chẽ, chưa đủ sức răn đe”.

Từ sự việc công ty Dược phẩm Hoàng Hường phải chăng đã có sự “buông lỏng” quản lý lĩnh vực thực phẩm chức năng đối với sức khoẻ con người?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.