Quảng Nam: Hầu hết người dân bị ảnh hưởng đất ở đều muốn được bồi thường bằng đất chứ không phải bồi thường bằng tiền

Đó là nhận định của UBND thị xã Điện Bàn trong báo cáo về một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thị xã.

tai-dinh-cu-1664026038.jpg

Một khu vực nằm trong quy hoạch dự án tại thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam Ảnh: Lê Phước Bình

Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam vừa phát đi Công văn số 1013/VPUBND-KTN gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về việc giải quyết đề nghị của UBND thị xã Điện Bàn về một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đất đai.

Theo đó, Văn phòng UBND tỉnh nhận được Báo cáo số 286/BC-UBND ngày 19/9/2022 của UBND thị xã Điện Bàn trình UBND tỉnh về một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết các nội dung liên quan trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thị xã.

Theo quy chế làm việc của UBND tỉnh và Công văn số 1633/UBND-TH ngày 25/3/2020 của UBND tỉnh về việc tăng cường trách nhiệm trong tham mưu, giải quyết công việc, nhiệm vụ được giao, Văn phòng UBND tỉnh đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xem xét, giải quyết đề nghị của UBND thị xã Điện Bàn theo đúng quy định.

Trước đó, ngày 19/9/2022, UBND thị xã Điện Bàn có Báo cáo số 286/BC-UBND về một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất hướng giải quyết các nội dung liên quan trong lĩnh vực đất đai trên địa bàn thị xã.

Theo đó, hiện nay, trên địa bàn thị xã đang triển khai thực hiện rất nhiều dự án và gặp nhiều vướng mắc, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, nội dung vướng mắc rất khó giải quyết và không được sự đồng thuận cao của người dân là chính sách tái định cư.

UBND thị xã Điện Bàn cho biết, hầu hết người dân bị ảnh hưởng đất ở đều muốn được bồi thường bằng đất chứ không phải bồi thường bằng tiền.

Theo quy định, điều kiện để được bố trí tái định cư hiện nay là các hộ không có đất ở, nhà ở nào khác tại địa phương.

Tuy nhiên, việc xác định nội dung này gặp khó khăn tại các xã, phường, bên cạnh đó đối với các hộ gia đình, cá nhân có điều kiện về kinh tế có thể mua các thửa đất ở khác tại địa phương (các thửa đất ở này không có nguồn gốc từ giao đất, cấp đất).

Theo UBND thị xã Điện Bàn, khi bị ảnh hưởng dự án, các hộ này rất mong muốn được bố trí tái định cư, bồi thường bằng đất.

Ngoài ra, các hộ bị ảnh hưởng tại các vị trí thuận lợi, nhưng vị trí khu tái định cư lại không tương ứng, số lô tái định cư ít (số lô tái định cư phải đảm bảo theo quy định) nên các hộ không thống nhất bàn giao mặt bằng. Đơn cử trường hợp các hộ tại nút ngã tư Thương Tín bị ảnh hưởng dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.607.

UBND thị xã Điện Bàn cho biết thêm, chính sách tái định cư hiện nay quá chi tiết, nên việc các hộ bị ảnh hưởng có gần đủ nhưng chưa đủ điều kiện để được bố trí tái định cư hoặc thêm lô tái định cư không thống nhất, không đồng thuận.

Để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, nhất là các dự án trọng điểm của UBND tỉnh, UBND thị xã kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh chính sách bố trí tái định cư đảm bảo nguyên tắc trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi cho người sử dụng đất bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi.