Quy định ghi âm, ghi hình tại phiên tòa: Cần hài hòa giữa các bên để bảo đảm thông tin báo chí

Hiện nay, dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi (dự thảo Luật) đang được trình Quốc hội. Tuy nhiên xung quanh quy định hạn chế ghi âm, ghi hình tại phiên tòa của dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định hài hòa giữa các bên, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, cá nhân, tổ chức, đặc biệt là cơ quan báo chí thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Tại khoản 3 và khoản 4, Điều 141 dự thảo Luật đang trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy đề xuất hai phương án: Phương án 1: “Khoản 3: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của Hội đồng xét xử tại phiên tòa, phiên họp phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa; việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của người tiến hành tố tụng khác, người tham gia phiên tòa, phiên họp thì phải được sự đồng ý của họ và sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa, phiên họp. Việc ghi hình ảnh tại phiên tòa, phiên họp chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định. Khoản 4: Tòa án tiến hành ghi âm lời nói, ghi hình ảnh toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm lời nói, ghi hình ảnh diễn biến phiên tòa được thực hiện theo quy định của pháp luật. Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết khoản này”. Phương án 2: Không quy định khoản 3 và khoản 4 (thực hiện theo quy định của các luật tố tụng và pháp luật có liên quan). Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thực hiện theo quy định tại phương án 1 sẽ hạn chế không nhỏ đến hoạt động ghi âm, ghi hình tại phiên tòa của nhà báo, phóng viên và quy định này hẹp hơn so với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành (không quy định khoản 3 và khoản 4).

ghi-am-1718095566.png

Ảnh minh họa: Tapchitoaan.vn

Có thể thấy, một trong những yêu cầu đặt ra đối với nhà báo, phóng viên trong quá trình tác nghiệp là phải thông tin diễn biến, nội dung xét xử vụ án một cách khách quan, chính xác. Để làm được điều này, ngoài kiến thức, kỹ năng thì việc ghi âm, ghi hình là phương thức hiệu quả, cần thiết để đối chiếu, kiểm chứng thông tin trước khi đăng báo. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những ảnh hưởng và tác động của thực tế hiện nay. Ví như, diện tích nhiều hội trường xét xử ở nước ta khá nhỏ, trong khi các cơ quan báo chí có nhu cầu tham dự lớn dẫn đến khó khăn trong việc điều hành phiên tòa (đặc biệt đối với những vụ án lớn, có đông bị cáo, hàng trăm luật sư và lực lượng bảo vệ hỗ trợ phiên tòa).

Ngoài ra cũng có không ít ý kiến cho rằng, việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí bằng quy định phải xin phép ghi âm, ghi hình tại phiên tòa thì có thể dẫn đến hạn chế quyền tiếp cận thông tin của người dân, mâu thuẫn với Luật Báo chí năm 2016 quy định về quyền được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai của nhà báo. Về vấn đề này, trước hết tại khoản 2, Điều 11 Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: TAND xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật Nhà nước, thuần phong, mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật đời tư theo yêu cầu chính đáng của đương sự thì TAND có thể xét xử kín. Bên cạnh đó, chúng ta cần hiểu rằng, tòa án chỉ nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính. Do đó, việc đưa tin các phiên tòa xét xử công khai cần được coi là hoạt động công cộng vì lợi ích quốc gia.

Còn tại điểm d, khoản 2, Điều 25 Luật Báo chí năm 2016 đã chỉ rõ nhà báo có quyền hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp; được liên lạc trực tiếp với người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu lồng ghép quy định về nghiệp vụ báo chí vào Luật Tổ chức TAND sẽ dẫn đến chồng chéo, vướng mắc, giảm hiệu lực thi hành pháp luật cũng như tiến trình cải cách tư pháp.

Liên quan đến việc hạn chế ghi âm, ghi hình tại một số phiên xét xử những vụ án lớn gần đây như sai phạm tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát... phóng viên được bố trí ngồi tại phòng báo chí, nhưng không được ghi âm, ghi hình kể cả qua màn hình, không được sử dụng máy tính và điện thoại. Việc chỉ được mang giấy bút vào ghi chép khiến hoạt động đưa thông tin trở nên vô cùng khó khăn đối với nhà báo, phóng viên khi các vụ án này có nhiều tình tiết phức tạp, phải xét xử nhiều ngày.

Để bảo đảm quyền tác nghiệp của nhà báo, phóng viên nhưng không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử, bảo đảm tính tôn nghiêm của phiên tòa thì có thể cho phép phóng viên ghi âm, ghi hình nhưng ở phòng riêng kết nối truyền hình trực tiếp. Việc này có thể giúp phóng viên theo dõi và đưa tin, phản ánh kịp thời diễn biến phiên tòa đến công chúng. Việc hạn chế quyền ghi âm, ghi hình và chỉ cho ghi chép bằng tay sẽ là thách thức đối với việc truyền tải thông tin đầy đủ, chính xác (điển hình tại các vụ án lớn có nhiều tình tiết phức tạp với lượng thông tin, dữ liệu rất lớn).

Bên cạnh đó, ghi âm, ghi hình là hoạt động đặc thù của nghề báo, các nhà báo là những người được đào tạo bài bản, có chuyên môn, hơn nữa, họ còn phải chịu trách nhiệm đối với nội dung tác phẩm báo chí của mình. Do đó, họ cần được tạo điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện việc tuyên truyền pháp luật, phản biện xã hội chứ không nên thu hẹp điều kiện tác nghiệp như quy định tại dự thảo Luật.

Ngoài ra tôi cũng cho rằng, nguyên tắc công khai là công khai toàn bộ phiên tòa không chỉ là thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định như dự thảo Luật. Bởi cơ quan báo chí có nhiệm vụ thu thập thông tin, phản ánh những sự việc, hiện tượng xã hội để qua đó thực hiện mục đích tuyên truyền pháp luật. Tòa án chỉ có thể hạn chế trong một số trường hợp như những vụ án phải bảo đảm bí mật và an ninh quốc gia, những vụ án xâm phạm vào danh dự, nhân phẩm của phụ nữ, trẻ em. Do đó, cần bảo đảm phóng viên được ghi âm, ghi hình từ lúc khai mạc đến khi kết thúc phiên tòa. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và thẩm phán, chủ tọa phiên tòa nói riêng cũng cần hiểu rằng, việc thực thi công vụ của mình đều được sự giám sát bởi các cơ quan, tổ chức kể cả báo chí và người dân. Cho nên, ý kiến cho rằng việc ghi âm, ghi hình của cơ quan báo chí làm ảnh hưởng đến công việc là hoàn toàn không có cơ sở.

Luật sư PHAN KẾ HIỀN (Giám đốc Công ty Luật TNHH Bảo Tín, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội)

BÀI LIÊN QUAN