Trả lời:
Pháp luật hiện hành quy định việc sửa chữa, cải tạo nhà ở đều phải tiến hành xin giấy phép xây dựng trừ trường hợp được miễn. Theo Điểm d Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng 2014 quy định 02 trường hợp sửa chữa, cải tạo nhà ở được miễn giấy phép xây dựng, bao gồm:
- Các trường hợp có nội dung sửa chữa, cải tạo mà không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng đến an toàn kết cấu chịu lực của công trình và phù hợp với quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước phê duyệt, yêu cầu về an toàn phòng chống cháy nổ và bảo vệ môi trường;
- Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài nhưng không tiếp giáp với đường trong đô thị (có yêu cầu về quản lý kiến trúc).
Do đó, nếu việc sửa chữa nhà ở không thuộc các trường hợp được miễn nêu trên thì cần phải xin phép cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật hiện hành.
Xử phạt khi sửa chữa, cải tạo nhà ở không phép
Theo khoản 7 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định đối với hành vi sửa nhà mà không có giấy phép xây dựng thì có thể bị xử phạt như sau:
- Đối với nhà ở riêng lẻ: Phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng;
- Đối với nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa và những công trình xây dựng khác: Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng;
- Đối với những công trình có yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng/công trình phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng: Phạt tiền từ 120 - 140 triệu đồng.
Lưu ý: Mức phạt tiền này được áp dụng đối với tổ chức, đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Ngoài mức xử phạt nêu trên, nếu công trình đã sửa chữa xong, tức là hành vi vi phạm đã kết thúc, chủ đầu tư còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định của điểm c khoản 15 Điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.