Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ: Trên đường về đích

Trong phiên họp thường kỳ thứ 8 của ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 15/2/2022, một trong những vấn đề các đại biểu quan tâm trong thảo luận về sửa đổi luật sở hữu trí tuệ nhiều nhất là bản quyền tác giả.

Thay đổi để thích ứng

Sau trận bóng đá giữa Việt Nam – Lào diễn ra cách đây gần hai tháng, không ai quên được cảm giác ngỡ ngàng đến ấm ức khi xem trực tiếp trận đấu qua kênh YouTube Next Sports: Quốc ca của Việt Nam bỗng dưng bị kênh này tắt tiếng với lý do “vi phạm bản quyền âm nhạc”. Chính đây là nguyên nhân thổi bùng nhiều cuộc tranh cãi và trong phiên họp thường kỳ thứ 8, Bộ KH&CN - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đã đề nghị bổ sung điều 24a về quyền tác giả, quyền liên quan đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Việc đưa ra quy định riêng là điều cần thiết để đảm bảo sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia, cũng như quyền thụ hưởng các tài sản trí tuệ đặc biệt trên.

6e4quoc-ca-20031723-1645089063.jpeg
Bộ KH&CN đề xuất bổ sung quy định về Quốc ca trong phiên họp thường kỳ thứ 8. Ảnh: Ảnh chụp màn hình lễ chào cờ bị tắt tiếng Quốc ca trong trận bóng đá giữa Việt Nam – Lào. Ảnh: VTCNews

Đây chỉ là một trong số rất nhiều lần “cập nhật” của dự thảo Luật SHTT kể từ khi bắt đầu dự án sửa đổi vào năm 2020. Được ban hành từ năm 2005, Luật SHTT đã trải qua hai lần sửa đổi, bổ sung vào năm 2009 và 2019. Từ đó đến nay, Luật SHTT đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, bối cảnh Việt Nam và thế giới trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA,... với những cam kết nghiêm ngặt về SHTT. Trong khi đó, bản thân Luật SHTT cũng bộc lộ một số bất cập sau hơn 15 năm thi hành. Do vậy, dự án sửa đổi lần này là yếu tố quan trọng để “xử lý vướng mắc trong thực tiễn thi hành, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động SHTT của Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã nhấn mạnh trong hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật SHTT vào đầu năm ngoái.

Mỗi chặng trong dự án sửa đổi Luật SHTT lớn nhất từ trước đến nay đều bám sát theo định hướng trên. Phiên bản dự thảo đầu tiên năm 2020 dự kiến sửa đổi, bổ sung bao gồm 80 điều của 14 chương, tập trung vào ba nội dung chính của SHTT: sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan, giống và cây trồng. Một trong những quy định đáng chú ý nhất là việc trao quyền nhằm thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu từ các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, các tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí một cách tự động và không bồi hoàn. “Cơ chế này sẽ tạo động lực, khuyến khích tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký xác lập quyền SHTT đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ, và thúc đẩy thương mại hóa các đối tượng này; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước để khai thác có hiệu quả các đối tượng này và đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tổ chức chủ trì, lợi ích của nhà nước và lợi ích xã hội”, ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục SHTT nhận xét trong bài phỏng vấn với KH&PT vào cuối năm 2021.

Việc tiếp thu ý kiến sau mỗi phiên thảo luận, tham vấn các chuyên gia trong lĩnh vực SHTT, các bộ ngành cũng như các đối tượng trực tiếp liên quan đến các quy định trên như nhà khoa học,... giúp nội dung dự thảo được cải tiến liên tục. Chẳng hạn về trao quyền cho cơ quan chủ trì nhiệm vụ KH&CN, trong lần trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), cơ quan soạn thảo đã tiếp thu thêm ý kiến về thay đổi đơn vị được trao quyền sở hữu nếu đơn vị này không đủ năng lực khai thác kết quả nghiên cứu, đồng thời đề xuất mở rộng đối tượng trao quyền đăng ký bảo hộ gồm giống và cây trồng. Những thay đổi trên nằm trong bốn nhóm nội dung đề xuất mà cơ quan chủ trì soạn thảo đã báo cáo Chính phủ sau lần trình này, bao gồm nhóm vấn đề về sở hữu công nghiệp (tiêu biểu như tính mới của sáng chế, nhãn hiệu nổi tiếng, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về SHTT,...); thứ hai là quyền tác giả, quyền liên quan (vấn đề tác giả, đồng tác giả, giả định quyền tác giả, quyền liên quan, trách nhiệm pháp lý của các doanh nghiệp trung gian,...); thứ ba là quyền đối với giống và cây trồng và cuối cùng là vấn đề tên dự thảo Luật, văn phong, kỹ thuật lập pháp,... Dù tốn nhiều thời gian và công sức song việc chuẩn bị kĩ càng các nội dung sửa đổi là điều cần thiết “để Luật SHTT có tuổi thọ lâu dài, nếu làm không kĩ 1-2 năm lại sửa đổi bổ sung sẽ tốn kém hơn”, một đại biểu đã nhận xét trong phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi Luật SHTT tại Kỳ họp thứ 2.

Do đó, đến phiên họp thường kỳ thứ 8 vào ngày 15/2/2021, dự thảo sửa đổi Luật SHTT đã tăng lên thành 102 điều (tăng 11 điều so với dự thảo đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2), bao gồm 12 điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật, bãi bỏ một số quy định tại 5 điều. Nhưng có lẽ con số này vẫn chưa dừng lại. Để những kỳ vọng về Luật SHTT trở thành hiện thực, bên cạnh việc xem xét những nội dung đã có trong dự thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn liên tục cập nhật những vấn đề mới phát sinh liên quan đến SHTT. Tiêu biểu là trong phiên họp này, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề nghị bổ sung điều khoản mới về quyền tác giả, quyền liên quan với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật SHTT sau vụ “tắt tiếng Quốc ca”.

Chặng cuối trên hành trình sửa đổi

Theo dự kiến, dự thảo Luật SHTT sẽ được trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5 năm 2022. Càng gần đích, những nội dung cần hoàn thiện càng thêm gấp rút và phức tạp. Tuy nhiên, sự nỗ lực của ban soạn thảo sau hơn 2 năm đã đạt được những kết quả bước đầu tích cực. Theo đánh giá của ông Hoàng Thanh Tùng, mặc dù là một dự án luật khó và có chuyên môn sâu song việc tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự án Luật đã được tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện tác động của chính sách, bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Đây cũng là “kim chỉ nam” dẫn hướng cho những chặng cuối cùng trên hành trình sửa đổi Luật SHTT. Chẳng hạn với đề xuất về Quốc ca, bên cạnh việc đánh giá cao tính kịp thời, Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để tìm ra phương án phù hợp nhất. “Nếu đưa các quy định này vào luật riêng thì khi nào sẽ làm được, liệu có thể nghiên cứu cách nào vừa có quy định trang trọng đưa vào luật này, trong khi chờ có văn bản luật riêng hay không?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.