Test cán bộ “biến chất” từ đại án “chuyến bay giải cứu”

Lợi dụng hoàn cảnh, tình thế nguy nan để “trấn át”, “móc túi” ngay cả đồng bào mình trong cơn hoạn nạn, hiểm nguy do dịch bệnh là điều khó có thể chấp nhận được.
chuyen-bay-giai-cuu-pld-1690256389.jpg
Cấu kết, lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi chính sách để tham ô, tham nhũng qua “chuyến bay giải cứu” đang khiến dư luận bức xúc

 

Đến nay, dù cơ quan tố tụng chưa đưa ra bản án phán quyết cuối cùng nhưng đằng sau đại án “chuyến bay giải cứu” từ 54 bị cáo có đầy đủ thành phần trước đó được giao các nhiệm vụ trong bộ máy quản lý nhà nước có thể thấy sự biến chất, tha hoá tác phong công vụ vì đồng tiền đang đặt ra hồi chuông cảnh báo.

Tất nhiên, tham ô, tham nhũng luôn xuất hiện trong bất kỳ hình thái xã hội nào từ xưa đến nay. Nguy hiểm hơn, xã hội càng phát triển thì hành vi tham ô, tham nhũng ngày càng tinh vi cùng với lòng tham của không ít cán bộ biến thiên khôn lường. Họ được đào tạo, có thời gian nghiên cứu và thực nghiệm thi hành các quy định quy phạm của pháp luật trên thực tiễn nhưng vẫn nhắm mắt vì…tiền.

Còn nhớ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với tệ nạn tham ô và là người đầu tiên ký lệnh tử hình một phần tử tham nhũng được xét xử đó là Đại tá quân nhu Trần Dụ Châu trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Cụ thể, vào ngày 19/03/1947, Trần Dụ Châu được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử giữ chức Cục trưởng Cục Quân nhu, Bộ Quốc phòng. Đến tháng 7/1950, Châu được phong hàm Đại tá, Cục trưởng Cục Quân trang Tổng cục Cung cấp. Trong quá trình làm việc do có hành vi tham nhũng quân nhu nên bị Cục trưởng Cục Quân pháp Phạm Trinh Cán bắt giam điều tra và đưa ra truy tố trước Tòa án binh.

Tiếp đó, vào ngày 05/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Trần Dụ Châu bị kết án tử hình tại phiên tòa đặc biệt xử vụ tham nhũng của Tòa án binh Tối cao với các tội danh: biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến.

Trước đó, vụ án được phát hiện từ bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ, đại biểu Quốc hội gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung bức thư như sau: “Gần đây, Đại tá Cục trưởng Cục Quân nhu Trần Dụ Châu đã gây nhiều dư luận bất bình trong anh em quân đội, Châu đã dùng quyền lực “ban phát” ăn mặc, nên Châu đã giở trò ăn cắp công quỹ, cứ mỗi cái màn cấp cho bộ đội Châu ăn bớt 2 tấc vải xô, nên cứ ngồi lên là đầu chạm đình màn. Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, nhiều người biết đấy nhưng không dám ho he…”.

Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao bức thư của nhà thơ cho Thiếu tướng Trần Tử Bình đang là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội, Người nói: “Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho Bác, Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng”, rồi Bác Hồ giao cho Thiếu tướng chỉ đạo điều tra làm rõ vụ việc để xử lý.

Trở lại với đại án “chuyến bay giải cứu” đang được dư luận, nhân dân quan tâm trong suốt thời gian qua có thể thấy, công tác phòng chống tham ô, tham nhũng tiêu cực (PCTN, TC) được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng Đảng trong thời gian qua. Đặc biệt, trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và PCTN, TC trong cán bộ, đảng viên là rất quan trọng.

dang-sau-vu-dai-an-pld-1690209825.jpg
Đằng sau vụ đại án “chuyến bay giải cứu” có thể thấy nhiều cán bộ, lãnh đạo đã bất chấp tất cả để thò tay “nhúng chàm” trước sự ngỡ ngàng của người dân

Có thể thấy, trên thực tiễn hoạt động PCTN, TC thời gian qua cho thấy, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức đã làm ngơ, dung túng, bao che, tiếp tay, đồng phạm, thậm chí là chủ mưu trong những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; với nhiều biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp hơn.

Cụ thể, từ những cán bộ được giao trọng trách quan trọng như nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Thị Lan Hương, rồi cả cựu Cục phó Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an – Trần Văn Dự, cựu Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cùng không ít cán bộ từng công tác trong ngành công, quản lý nhà nước…đã cấu kết với nhau để thực hiện hành vi trục lợi chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước ta để vơ vét, tham ô, tham nhũng. Đau xót hơn, họ từng là những người được đào tạo bài bản, có trình độ dân trí cao nhưng lại lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để đè ép lại chính đồng bào mình trong cơn hoạn nạn.

Họ chà đạp, thậm chí quên đi hình ảnh những người đang lăn xả, lao vào tâm dịch để cứu đồng bào rồi hả hê với những món tiền lót bi với nhau trong bối cảnh cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19. Thậm chí, ngay cả không ít người từng bị lầm lỡ phải chấp hành các bản án ở nước sở tại rồi các trường hợp người dân khốn khổ do hoàn cảnh dịch bệnh xảy ra khi trở về, họ cũng không tha, bắt phải cống nạp cả những đồng tiền xương máu.

Đúng như câu hát trong lời bài hát “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” của nhạc sĩ Trần Hoàn, phổ thơ của nguyên thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn “rằng qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Câu hát ấy, lời thơ ấy cũng đã từng được nhắc đi rất nhiều lần trong thực tiễn cuộc sống của người dân khi gặp các hoàn cảnh như thiên tai, dịch hoạ. Câu thơ ấy cũng đúc kết, nói lên bản chất của con người khi cùng rơi vào nghịch cảnh của cuộc sống biến thiên khôn lường.

Còn với trong đại án “chuyến bay giải cứu”, dù biết rằng pháp luật phân minh, bất luận ai cũng phải thượng tôn. Vậy nhưng dư luận đến nay đã thấy rõ bản chất của những cán bộ, cá nhân tha hoá, biến chất đằng sau những cáo trạng với số tiền vơ vét hàng triệu đô la về túi mình thông qua việc lợi dụng chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta ban hành trong giai đoạn đại dịch COVID-19 xảy ra.