Thay đổi cách nghĩ, cách làm để nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa

Nhật Quang

15/10/2022 21:32

Theo dõi trên

Chiều 14/10, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) tổ chức Hội nghị đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Phó Chủ tịch Ủy ban Hồ Sỹ Hùng dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Cảnh Việt - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp; ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính); ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, cùng đại diện các Vụ, Văn phòng, Trung tâm Thông tin và các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng cho biết: Trong suốt thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp. Bên cạnh việc đổi mới công nghệ sản xuất để tạo hiệu quả trong dài hạn, đổi mới phương thức quản trị được coi là một trong những giải pháp quan trọng, tạo hiệu quả lớn trong việc cải thiện chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước nói chung và doanh nghiệp sau cổ phần hóa nói riêng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng, trong số 19 Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu có 7 Tập đoàn, Tổng công ty đã tiến hành cổ phần hóa. Quá trình cổ phần hóa đã mang lại những kết quả tích cực cho công tác quản trị công ty tại các doanh nghiệp.

“Kết quả sản xuất kinh doanh được nâng cao, bộ máy điều hành linh hoạt, nhạy bén hơn, sự tham gia của đa dạng các thành phần kinh tế, cả ngoài nhà nước và nước ngoài, đã mang lại một “làn gió mới” cho hoạt động quản trị chiến lược của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Nhiều vấn đề về tài chính đã được tháo gỡ; đồng thời, tính minh bạch trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa ngày càng được nâng cao. Tại nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa, khi công tác quản trị công ty được quan tâm thì đời sống và thu nhập của người lao động đã được cải thiện và tăng lên đáng kể” – Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đánh giá.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản trị công ty tại các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hiện vẫn còn một số hạn chế như: Cơ chế lương thưởng và đãi ngộ đối với Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát chưa thực sự thích đáng; cơ cấu cổ đông chưa hợp lý do Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo; một số doanh nghiệp chưa có sự đổi mới thực sự trong quản trị công ty; kinh nghiệm quản trị công ty của một số lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vẫn còn hạn chế... Do vậy, trong thời gian tới cần chú trọng các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản trị công ty của doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

“Đây là hội nghị đầu tiên về đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp cổ phần hóa do Ủy ban tổ chức để trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để nâng cao công tác quản trị công ty của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa. Tôi tin rằng kết quả của hội nghị sẽ góp phần quan trọng trong công tác quản trị của các Tập đoàn, Tổng công ty đã cổ phần hóa nói riêng và các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Ủy ban nói chung” – Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng nhấn mạnh.

Ông Phạm Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban) trình bày báo cáo tại Hội nghị

Trình bày báo cáo tại Hội nghị, ông Phạm Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ủy ban) cho biết: Giai đoạn từ năm 2017 đến nay, các doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu đã hoàn thành cổ phần hóa 13 doanh nghiệp với tổng giá trị thu về cho Nhà nước là 20.859 tỷ đồng (thặng dư 7.824 tỷ đồng, gấp 1,6 lần giá trị sổ sách). Quá trình cổ phần hóa đã mang lại những kết quả tích cực cho công tác quản trị công ty tại các doanh nghiệp. Hoạt động của các doanh nghiệp sau cổ phần hóa hiệu quả hơn, 90% doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh cao, vốn điều lệ và nộp ngân sách đều tăng, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình 3 năm sau cổ phần hoá đạt 15,4%, tăng cao so với trung bình 12,4% của giai đoạn trước đó. Trong các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, vai trò làm chủ của người lao động – cổ đông được nâng lên rõ rệt, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động.

“Nhìn về mặt tổng quan, kể từ sau cổ phần hoá, các doanh nghiệp thuộc Ủy ban đã từng bước lớn mạnh. Bộ máy điều hành không còn cứng nhắc như trước, thay vào đó là sự linh hoạt, nhạy bén với những biến đổi của môi trường kinh tế nói chung cũng như môi trường từng ngành nói riêng” – ông Phạm Tuấn Anh đánh giá.

Về quản trị chiến lược, một số doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư hơn cho quản trị chiến lược với ý thức và tầm nhìn xa, rộng hơn thông qua việc hoạch định các chiến lược từ ngắn hạn, trung hạn đến dài hạn. Không chỉ có tầm nhìn mới, doanh nghiệp đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra các chiến lược với nội dung mang tính thực tế, chính xác và phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp cũng như bối cảnh của nền kinh tế hơn. Các chiến lược mang nặng tính áp đặt, không có tính thực tiễn bị loại bỏ hoàn toàn.

Sự tham gia đóng góp ý kiến của nhiều đối tượng từ ban quản trị, ban giám đốc cũng như các cổ đông và thậm chí là của cả các chuyên gia có kinh nghiệm được thuê từ bên ngoài đã giúp hoạt động quản trị chiến lược của doanh nghiệp trở nên khách quan và hiệu quả hơn. Việc hoạch định chiến lược với sự tham gia của các thành phần này cũng đem lại những sự cẩn trọng nhất định khi lập chiến lược cho doanh nghiệp. Nhìn chung, các khía cạnh chính như nội dung, tầm nhìn, đối tượng tham gia của quản trị chiến lược đều có những biến chuyển tích cực.

Về quản trị tài chính, cổ phần hoá đã giúp doanh nghiệp tháo gỡ những khúc mắc trong các vấn đề tài chính. Việc điều chỉnh tăng lượng vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ không còn là yếu tố khó khăn với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sau cổ phần hoá không còn quá nhiều tồn tại trong vấn đề vốn vay và nợ xấu. Các khúc mắc về tài chính, chi phí quản lý, chi phí điều hành cũng có xu hướng giảm. Tính minh bạch và rõ ràng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng doanh nghiệp được chú trọng và được đưa ra thảo luận, kiến nghị ở các cuộc họp cổ đông thường niên. Các doanh nghiệp cũng cho thấy tính chủ động hơn trong việc đưa ra các quyết định về tài chính và quản trị tài chính, mạnh dạn mở rộng đầu tư thêm nhiều hạng mục và lĩnh vực khác.

Về quản trị nhân sự, nhân lực được mở rộng cả về chất và lượng chính là một trong những yếu tố cốt lõi để hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tăng cao. Quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, các cổ đông tham gia góp vốn cũng được thực hiện tốt hơn. Các công tác tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ cũng có những quan tâm, chú trọng và thay đổi nhất định theo hướng chặt chẽ, minh bạch, công khai và mang tính cạnh tranh hơn trước, nhằm thu hút và giữ chân người tài cho doanh nghiệp trong điều kiện cạnh tranh hiện nay và khi doanh nghiệp phải tự mình quản lý các vấn đề.

Tuy nhiên, cũng còn những hạn chế cần được khắc phục trong hoạt động quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa như: nhiều doanh nghiệp vẫn áp dụng các phương thức, biện pháp quản trị của doanh nghiệp nhà nước trước đây. Ngoài ra, mặc dù có những doanh nghiệp đã thực hiện và áp dụng các quy trình, cách thức quản trị mới nhưng cách làm còn mang nặng tính hình thức, chưa chú trọng vào chất lượng thực sự. Ông Phạm Tuấn Anh cũng chỉ ra: Hoạt động quản trị ở những đơn vị này chưa cho thấy tính mới, sáng tạo và khoa học. Nguyên nhân là do bộ máy quản lý của doanh nghiệp phần lớn vẫn chưa thay đổi.  Đồng thời, vẫn tồn tại các vấn đề khó khăn cần giải quyết như lao động dôi dư, lao động giỏi chuyển việc, các lao động lâu năm làm việc còn kém hiệu quả; chính sách tiền lương và khen thưởng vẫn còn hạn chế, chưa tạo ra sự kích thích và hấp dẫn đối với người lao động, chưa chặt chẽ sử dụng yếu tố năng lực, hiệu quả công việc thực tế của người lao động.

Ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) nhận định: Thời gian vừa qua, các cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước.

“Các doanh nghiệp nhà nước đã từng bước được cơ cấu lại hiệu quả hơn, giữ vững vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa là một giải pháp để doanh nghiệp xét lại mình, tái cơ cấu để phát triển, không phải là một chủ trương hay kế hoạch bắt buộc của Nhà nước” – ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, công tác xây dựng Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệp nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kịp thời khắc phục những bất cập, vướng mắc của Luật số 69/2014/QH13 hiện hành; đảm bảo thống nhất, phù hợp với các luật hiện hành. Bên cạnh đó, sự ra đời của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là nền tảng cơ bản trong việc thay đổi mô hình quản lý doanh nghiệp nhà nước; đó là tách bạch giữa chức năng cơ quan quản lý nhà nước và chức năng cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tại Hội nghị, đại diện các Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc và các đơn vị thành viên đã tham gia đóng góp tham luận, thảo luận, trao đổi ý kiến trong công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Hồ Sỹ Hùng phát biểu kết luận Hội nghị

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng đánh giá cao những tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội nghị. Theo đó, các ý kiến đóng góp tại Hội nghị đều thống nhất với quan điểm công tác cổ phần hóa, thoái vốn đã góp phần nâng cao năng lực tài chính, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp và hoạt động hiệu quả hơn so với trước, tạo nguồn thu cho ngân sách; cơ bản đạt được mục tiêu bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động. Bên cạnh đó, quá trình này giúp tăng cường minh bạch thông tin đối với các doanh nghiệp nhà nước theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với các công ty đại chúng.

Tổng kết lại những chia sẻ về kinh nghiệm cổ phần hóa và quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hồ Sỹ Hùng khẳng định các tham luận, ý kiến đóng góp tại Hội nghị có ý nghĩa rất lớn đối với các cơ quan quản lý, cũng như các doanh nghiệp đang trong quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành phối hợp với các Tập đoàn, Tổng công ty để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy kế hoạch cổ phần hóa, tái cơ cấu, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bạn đang đọc bài viết "Thay đổi cách nghĩ, cách làm để nâng cao hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp sau cổ phần hóa" tại chuyên mục Chính sách - Sự kiện. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com