Tháo gỡ rào cản, khơi thông nguồn lực cho doanh nghiệp Nhà nước

PV
Sáng nay (24/3), Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) diễn ra với chủ đề "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động nhằm huy động nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế-xã hội". Hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp chủ trì.
null
Ảnh minh họa

 

Cùng dự Hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ ngành, đại diện các cơ quan và địa phương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cùng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

"Bước đệm" để tạo nên nhận thức mới, khí thế mới trong khu vực DNNN

Thông qua Hội nghị lần này, hai vấn đề sẽ được tập trung làm rõ: Một là, Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe những vướng mắc, khó khăn mà DNNN đang phải đối mặt để giải quyết vấn đề, đặc biệt là gắn với triển khai Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025". Hai là, DNNN có nhiều nguồn lực nhưng chưa sử dụng hiệu quả, vì vậy kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Hội nghị sẽ nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về vị trí, vai trò của DNNN; tình hình tái cơ cấu DNNN và giải pháp huy động tối đa nguồn lực của DNNN trong phát triển kinh tế - xã hội cùng các tham luận của các Bộ ngành, địa phương và hiến kế đóng góp ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, rào cản để tiếp tục đổi mới, tăng cường hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế nòng cốt này.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2020, Việt Nam còn khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối trong số 350 doanh nghiệp có vốn góp của Nhà nước. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn đang tập trung hoạt động trong một số ngành, lĩnh vực gồm: Quốc phòng an ninh (chiếm khoảng 17%); Nông, lâm nghiệp và công trình thủy lợi (40%); Hoạt động xổ số (13%); Hoạt động công ích (đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước...) (14%); Hoạt động trong các ngành, lĩnh vực khác kết hợp mục tiêu sản xuất kinh doanh (16%). Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn chủ yếu hoạt động trong các ngành: Nông lâm, kết cấu hạ tầng cảng biển, giao thông và sản xuất kinh doanh (bất động sản, du lịch, vật liệu xây dựng...), hoạt động công ích (đô thị, chiếu sáng, cấp thoát nước.).

Hiện nay, nếu không tính các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông lâm nghiệp, nước ta có 94 DNNN quy mô lớn gồm: 09 tập đoàn kinh tế; 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ-công ty con. Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng DNNN nhưng khối công ty mẹ Tập đoàn – Tổng công ty (DNNN quy mô lớn) lại nắm giữ khoảng 90% tổng tài sản, 88% tổng doanh thu và 86% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ DNNN trên phạm vi toàn quốc.

Các DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể. Trong đó có những doanh nghiệp, tập đoàn đang thực sự đóng vai trò chi phối trong một số ngành lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế.