Giai đoạn trong dịch COVID-19, các đợt giãn cách xã hội đã thúc đẩy quá trình tham gia vào thương mại điện tử của nhiều chủ kinh doanh. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng giảm đi đáng kể. Nhiều chủ mặt bằng ban đầu không giảm giá thuê hoặc chỉ giảm rất ít, thì cuối cùng cũng phải chấp nhận xuống giá 20-30%, thậm chí 50% nhưng vẫn “mỏi mắt” tìm khách thuê. Nếu dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, thì cảnh đìu hiu của thị trường mặt bằng nhà phố sẽ tiếp diễn.
Trên các tuyến phố gần khu vực Hồ Gươm như phố Đinh Tiên Hoàng, cho thấy, nếu như trước kia muốn thuê thì người thuê phài xếp hàng chờ tới lượt đàm phán thì thời gian hiện nay nhiều cửa hàng có vị trí đắc địa đồng loạt treo biển “cho thuê cửa hàng”.
Theo những người dân sinh sống ở đây, từ sau khi xuất hiện dịch COVID-19 đến nay thì những tấm biển “cho thuê nhà” xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Những cửa hàng đó trước đây là điểm kinh doanh hàng lưu niệm, quần áo thời trang, cà phê, nhà hàng, quán bia hơi,… đều khá ổn, nhưng giờ đây cả “khách ta” và “khách tây” đều không còn nên các khách thuê lần lượt trả mặt bằng. Vì không có khách thuê, nhiều cửa hàng chấp nhận hạ giá tới 3 đến 5 lần so với trước, nhưng cũng tuyệt nhiên không có bóng dáng khách tìm thuê.
Bà Nguyễn Thị Huệ, chủ một cửa hàng cho thuê trên phố Đinh Tiên Hoàng nhưng hiện đang “cửa đóng then cài” cho hay, nếu như trước đây mỗi cửa hàng có mức thuê từ 20 – 30 triệu/tháng thì bây giờ hạ mức 5 triệu đồng/tháng vẫn không có ai thuê.
“Năm 2020, một số người còn lưu tiền đặt cọc để giữ chỗ nhưng hiện nay thì không còn bóng dáng ai tìm thuê nhà nữa”, bà Huệ cho biết.
Tại các phố Hàng Đường, Hàng Lược, Hàng Rươi, 40-50% cửa hàng đóng cửa, đang rao cho thuê. Dù chủ nhà giảm giá, chia nhỏ mặt bằng nhưng có hộ 2 năm không cho thuê được nhà.
Tương tự, khảo sát tại các tuyến đường trung tâm TP HCM, và nhiều tuyến đường ở các quận ngoài trung tâm, tình trạng nhà trống treo bảng cho thuê rất nhiều. Đơn cử, dọc tuyến phố ăn uống Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) rất nhiều mặt bằng còn bỏ trống, treo bảng nhiều tháng liền. Nhiều chủ nhà giảm giá cho thuê từ 30% - 40% nhưng vẫn khó tìm được khách. Đi dọc những tuyến đường đông đúc kéo dài từ quận 1, quận 3 đến quận Tân Bình như Hai Bà Trưng, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ… cũng dễ dàng thấy những mặt bằng đất vàng trước kia nay đóng cửa im ỉm.
Chị Thanh Hằng - chủ một cửa hàng ăn uống tại đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận (TP HCM) lại phải đối mặt nỗi lo đình trệ kinh doanh khi COVID-19 bùng phát trở lại vào đầu tháng 5 này. Suốt năm 2020 đã phải chịu cảnh lao đao, cứ mở cửa vài tháng là lại phải ngừng hoạt động và giờ cửa hàng của chị lại tiếp tục đóng cửa.
Chị Hằng cho biết, từ năm ngoái, do khó khăn nên chủ nhà đã chấp nhận giảm 30% giá thuê để hỗ trợ vợ chồng chị duy trì. Dù được giảm giá nhưng kinh doanh cả năm ảm đạm, vợ chồng chị cố gắng cầm cự để giữ mặt bằng quen với hi vọng qua Tết sẽ tốt lên. Nhưng giờ tình hình dịch còn phức tạp và nguy hiểm hơn cả năm trước, mọi hi vọng về phục hồi gần như tiêu tan.
Ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhận định, kinh doanh khó khăn do lượng du khách quốc tế giảm đột ngột khiến cho nhiều khách thuê phải trả lại mặt bằng. Như vậy, có thể nói rằng thị trường đang thừa mặt bằng cho thuê. Kể từ khi bùng dịch, số lượng mặt bằng trống tăng lên và giá chào thuê cũng đi theo xu hướng giảm. Giá chào thuê giảm 50% trong năm 2020 và đà giảm tiếp tục trong năm 2021 này.
Không chỉ mặt bằng kinh doanh, phân khúc căn hộ cho thuê cũng bị ảnh hưởng nặng khi dịch COVID-19 quay trở lại. Nhu cầu thuê giảm mạnh kéo theo giá thuê hạ xuống mức thấp, đặc biệt là các căn hộ hướng đến khách thuê là người nước ngoài hoặc khách du lịch khiến các chủ cho thuê lâm vào tình cảnh lao đao, phải xoay xở “kế sách” để tồn tại, chờ dịch COVID-19 qua đi.
Những ngày gần đây, chỉ cần lướt qua các website bất động sản, các trang thông tin về nhà đất, khách có nhu cầu thuê nhà dễ dàng bắt gặp hàng loạt thông tin cần cho thuê căn hộ, phòng trọ, giảm giá do dịch COVID-19 quay trở lại... được đăng tải dày đặc.
Rao cho thuê căn hộ chung cư đã gần 2 tháng nay nhưng anh Lê Ngọc Quang (phố Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, căn chung cư 2 phòng ngủ hơn 60m2 của anh có đủ đồ, khách chỉ việc vào ở, giá cho thuê trước đây 5 triệu đồng/tháng, nay anh giảm xuống còn 4 triệu đồng/tháng nhưng không dễ tìm được khách thuê. Theo các chủ căn hộ cho thuê, từ đầu năm đến nay, do chịu tác động từ dịch COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp về may mặc, du lịch, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, quán bar... phải cắt giảm nhân sự, giảm lương thưởng và các chế độ phúc lợi, công nhân, người lao động một số ngành nghề phải tạm nghỉ làm nên lượng khách thuê nhà giảm khoảng 40 - 60%. Nay dịch COVID-19quay trở lại, tình hình kinh tế thêm ảm đạm khiến nhiều người muốn trả nhà vì không kham nổi chi phí, muốn thuê căn nhỏ, ít tiền hơn.
Để duy trì nguồn thu nhập và không phải bỏ phòng trống khiến nhà nhanh xuống cấp, hiện đang diễn ra một cuộc chạy đua ngầm giảm giá để lôi kéo khách giữa các chủ cho thuê căn hộ. Theo đó, nhiều chủ căn hộ đã giảm giá cho thuê phòng khoảng 10 - 20% so với trước đó, thậm chí có nơi còn giảm tới 30% để thu hút khách mới, đồng thời chia sẻ phần nào khó khăn cho người đi thuê.
Bên cạnh việc giảm tiền thuê nhà, một số chủ căn hộ lại thu hút khách bằng “chiêu” cho người thuê đóng tiền trễ hạn. Một số khác tranh thủ quãng thời gian này để nâng cấp các căn phòng cho thuê bằng cách thay gạch nền, ốp tường, sơn sửa lại... để hấp dẫn khách hàng. Hoặc như anh Bùi Quang Long (quận Long Biên, Hà Nội), chủ một căn hộ tại chung cư Him Lam - Thạch Bàn 2 đang có ý định cho thuê trọn gói trong vòng 2 năm. Anh lý giải, mặc dù thu nhập giảm nhưng khi dịch bệnh chưa được kiểm soát thì việc cho thuê trọn gói sẽ giúp anh nhàn hơn, yên tâm hơn.
Dự báo về thị trường cho thuê trong thời gian tới, ông David Jackson cho rằng, nếu Việt Nam tiếp tục khống chế thành công đại dịch COVID-19 trong nước thì giá chào thuê và tỷ lệ lấp đầy sẽ dần tăng trở lại. Khách hàng đến từ các lĩnh vực như công nghệ, thương mại điện tử hoặc bảo hiểm sẽ bắt đầu tìm kiếm mặt bằng một cách tích cực hơn. Nếu dịch COVID-19 tiếp tục xấu đi trên quy mô toàn cầu, một số tỉnh thành tại Việt Nam có thể sẽ phải có những biện pháp giãn cách nghiêm ngặt hơn, du khách tiếp tục không thể nhập cảnh, thì sẽ khiến tình hình kinh doanh gặp thêm nhiều thách thức. Không loại trừ khả năng chủ thuê sẽ phải tiếp tục giảm giá sâu hơn nhằm tìm được khách thuê lại mặt bằng.