Thủ tướng vào tâm dịch Bắc Giang, kiểm tra, động viên lực lượng tuyến đầu

Chiều 29/5, ngay sau khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống dịch bệnh COVID-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã về Bắc Giang kiểm tra công tác phòng chống dịch, giải quyết các kiến nghị, đề xuất của tỉnh và động viên các lực lượng tuyến đầu đang làm nhiệm vụ với tinh thần sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết…
Cùng đi với Thủ tướng có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và nhiều đồng chí Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ ngành liên quan để giải quyết ngay các kiến nghị của tỉnh.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Bắc Giang chiều 29/5- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trước đó, ngày 26/5 vừa qua, Thủ tướng cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn trực tuyến với Bắc Giang và Bắc Ninh về công tác phòng chống dịch, tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh và bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân tại hai địa phương này.

Phát biểu tại các cuộc làm việc với tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng cho biết, sau hội nghị trực tuyến toàn quốc sáng cùng ngày, ông muốn trực tiếp tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương từ ngày 27/4 tới nay, những kết quả đã đạt được, những việc chưa làm tốt trong công tác chống dịch, nguyên nhân, dự báo tình hình và các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới.

Thủ tướng gợi ý, tỉnh cần hiểu đúng, nắm vững tình hình thực tế để giải quyết, theo tinh thần vừa phải chống dịch, vừa phát triển kinh tế – xã hội, vừa lo kết thúc trọn vẹn năm học.

Cũng tại các buổi làm việc, Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở ngành báo cáo về những “trăn trở, băn khoăn” trong chống dịch…

Cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tích cực chống dịch, khởi động lại 4 khu công nghiệp

Báo cáo Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết, những ngày qua, tỉnh đã nâng cao năng lực phòng chống dịch ở các tất cả các khâu, như nâng công suất xét nghiệm từ 14.000 mẫu đơn lên 20.000 mẫu đơn/ngày; bố trí 13 khu điều trị cho bệnh nhân COVID-19 với tổng công suất 3.600 giường, tiếp tục khảo sát, chuẩn bị các cơ sở mới đáp ứng thêm khoảng 1.800 giường…

Dự báo trong những ngày tới, số lượng ca F0 vẫn tiếp tục tăng do hiện nay tỉnh đang tập trung xét nghiệm lần 3, lần 4 tại các địa bàn trọng điểm, các đối tượng có nguy cơ nhiễm cao. Các trường hợp F0 mới phát hiện chủ yếu đã được cách ly, phong tỏa, theo dõi y tế, khó có khả năng lây lan rộng.

Cùng với công tác chống dịch, tỉnh đã triển khai các giải pháp duy trì sản xuất, kinh doanh, ban hành kế hoạch về việc tổ chức lại hoạt động sản xuất tại 4 khu công nghiệp trên địa bàn và tổ chức tiêu thụ vải thiều bước đầu đạt kết quả tích cực; chăm lo đời sống công nhân, lao động… Đến ngày 29/5, đã có 2 doanh nghiệp bắt đầu làm việc trở lại và đến 31/5, có thêm 2 doanh nghiệp nữa.

Tỉnh nêu một số khó khăn như lần đầu có dịch trong khu công nghiệp nên chưa có kinh nghiệm ứng phó. Giai đoạn đầu, năng lực xét nghiệm của tỉnh còn hạn chế; lực lượng y tế mỏng không đáp ứng được tiến độ lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, khối lượng lớn. Vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống dịch thiếu, khó khăn. Năng lực điều trị hạn chế, đội ngũ y bác sĩ của tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị, chưa đủ khu điều trị tích cực cho bệnh nhân nặng.

Từ công tác phòng chống dịch của tỉnh thời gian qua, có thể rút ra các kinh nghiệm như: để phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất, nơi làm việc cần thực hiện giãn cách, thoáng khí; doanh nghiệp điện tử cần chia theo nhóm nhỏ cùng sản xuất và sinh hoạt; xe đưa đón công nhân cần cố định theo danh sách từng người cụ thể, đi xe nào về xe đó…

Đối với các khu công nghiệp, số lượng công nhân đông, ở nhiều địa phương, cho nên trước khi tạm dừng hoạt động phải thực hiện cách ly y tế, cách ly xã hội, phong tỏa các khu dân cư có nhà trọ của công nhân, tránh để công nhân trở về các địa phương làm lây lan dịch.

Tỉnh kiến nghị một số vấn đề về kinh phí phòng chống dịch; Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị y tế, kỹ thuật, nhân lực; Bộ Quốc phòng hỗ trợ về cơ sở cách ly, hỗ trợ tỉnh phun khử khuẩn; Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm tổng hợp, xem xét về chính sách hỗ trợ người lao động, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19…

Tiêm xong 100 nghìn liều vaccine cho công nhân trong 7 đến 10 ngày tới

Trả lời các kiến nghị của Bắc Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang cho biết: Bộ đã ưu tiên 4 labor xét nghiệm cho Bắc Giang, giúp tỉnh phát hiện gần 1.000 ca dương tính. Quân đoàn 2 sẽ tiếp nhận ngay 2.300 công nhân đang được cách ly trong khu công nghiệp Vân Trung theo đề nghị của tỉnh. Quân đội cũng sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phun khử khuẩn cho Bắc Giang và các địa phương khác hết khả năng của mình.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, hiện nay lực lượng 1.400 người gồm cán bộ y tế, sinh viên, quân đội, công an đang có mặt trên mặt trận chống dịch tại Bắc Giang. Trong bối cảnh dịch bệnh có khả năng lây lan rộng, các trường đại học y trên cả nước có khoảng 23.000 sinh viên sẵn sàng lên đường và tất cả các địa phương cũng sẵn sàng hỗ trợ cho Bắc Giang. Riêng về công tác hồi sức cấp cứu, các bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy đã chi viện và BV Trung ương Huế cũng đã chuẩn bị sẵn sàng.

Thứ trưởng cho biết, trong vòng từ 7 đến 10 ngày tới, phải hoàn tất tiêm xong lượng vaccine đã được phân bổ cho công nhân tại Bắc Giang, huy động 1.000 sinh viên của Cao đẳng điều dưỡng Bạch Mai cho việc này.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cơ bản đồng ý với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, trong đó Bộ đồng ý sử dụng ngay quỹ bảo trợ trẻ em để lo cho toàn bộ 4.803 trẻ em đang được cách ly trên cả nước.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Bắc Giang cần hết sức chú ý ứng dụng công nghệ bắt buộc trong phòng chống dịch. Theo Bộ trưởng, vòng đeo tay Bluezone sẽ ra mắt từ 1/6 tới đây, có thể ứng dụng tại các doanh nghiệp và việc cách ly tại nhà…

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, cùng với giải quyết các vướng mắc trong xuất khẩu quả vải, Bộ chủ trương đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh, thông thoáng các thủ tục. Bộ đã có hướng dẫn về khởi động lại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp đều phải xây dựng kế hoạch hoạt động trở lại với các tiêu chí an toàn…

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn cho rằng, Bắc Giang có nhiều kinh nghiệm về vận tải, có thể nhân rộng ra nhiều địa phương như việc vận chuyển công nhân từ nơi ở tới doanh nghiệp, Bộ sẽ sớm có hướng dẫn chung về vấn đề này cho cả nước.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu tỉnh tiếp tục rà soát lại các F1; “dứt khoát không được thiếu” trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế… phục vụ chống dịch; tiếp tục tổ chức sản xuất kinh doanh; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quán triệt sâu sắc tinh thần nhân dân là chủ thể, là trung tâm

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, lãnh đạo các bộ cần dành thời gian làm việc với Bắc Giang về công tác chống dịch với tinh thần khẩn trương, “về tận nơi, nhìn tận nơi”, xử lý quyết liệt, quyết đoán, hiệu quả. Các kiến nghị của tỉnh về cơ bản đã được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ đồng tình, xử lý về mặt nguyên tắc, Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức thực hiện có hiệu quả.

“Thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc trực tuyến sáng ngày 29/5, mục tiêu là trong những ngày tới, phải ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh tại Bắc Giang”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng lưu ý toàn hệ thống chính trị phải vào cuộc cho công tác này, trong đó, việc huy động hệ thống chính trị tại cơ sở là rất quan trọng để nắm hình hình, đánh giá tình hình và tổ chức thực hiện các giải pháp. Cấp ủy và chính quyền cơ sở là hạt nhân, cùng MTTQ và các đoàn thể tạo điều kiện cho nhân dân tích cực tham gia chống dịch. Phải quán triệt sâu sắc tinh thần nhân dân là chủ thể, là trung tâm trong việc góp phần kiềm chế, đẩy lùi và chấm dứt dịch bệnh.

Thủ tướng kiểm tra khu vực bếp ăn, khẩu phần ăn của cán bộ, chiến sĩ và lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống COVID-19. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Với tinh thần “3 không”: “Không được nói không có tiền, không được nói không có người, không được nói không có cơ chế, chính sách, thiết bị y tế, sinh phẩm…”, các Bộ trưởng quyết định xử lý các kiến nghị của địa phương, các vấn đề phát sinh trong phạm vi thẩm quyền,  nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành được Thủ tướng Chính phủ phân công phụ trách trực tiếp, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại Bắc Giang, Bắc Ninh. Cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Bắc Giang cần tự lực, tự cường, tự vươn lên để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Thống nhất bổ sung phương châm phòng chống dịch là “5K+vaccine+công nghệ”, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các giải pháp công nghệ mới bắt buộc để phục vụ phòng chống dịch tại Bắc Giang và nhân rộng ra cả nước.

“Các kiến nghị được giải quyết mà Bắc Giang không ngăn chặn, đẩy lùi được dịch bệnh thì các đồng chí phải chịu trách nhiệm. Việc nào làm tốt phải khen, đồng thời tìm thấy, chỉ ra, cùng nhau sửa những việc chưa làm tốt, tất cả vì lợi ích chung, vì lợi ích quốc gia dân tộc, đặt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết trong lúc này”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng động viên cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thần tốc xét nghiệm có ý nghĩa quyết định

Ngay sau cuộc làm việc tại UBND tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đi thị sát Bệnh viện dã chiến số 2 tại Trung đoàn 831 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Giang. Bệnh viện do Học viện Quân y chủ trì, sử dụng lực lượng gồm nhân sự, vật tư từ nhiều đơn vị quân đội.

Thăm hỏi, động viên cán bộ, chiến sĩ đang làm việc tại đây, Thủ tướng nhấn mạnh, việc xét nghiệm thần tốc để phát hiện ca nhiễm, từ đó truy vết, khoanh vùng, dập dịch có ý nghĩa quyết định trong việc ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh tại Bắc Giang hiện nay. Việc này cần làm tốt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa.

Thủ tướng nhắc lại, trong công cuộc phòng chống, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, phải lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, làm trung tâm, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, trong đó có lực lượng tuyến đầu là các cán bộ ngành y, quân đội, công an và các ngành có liên quan.

Thủ tướng đánh giá cơ sở vật chất của Bệnh viện cơ bản bảo đảm nhưng phải tăng cường hơn nữa, đề nghị Bộ Quốc phòng tăng thêm labor xét nghiệm. Các lực lượng tại đây phải chia thành nhiều ca, kíp, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để bảo đảm xét nghiệm nhanh nhất, thần tốc nhất. Về nội dung này, Bộ trưởng Phan Văn Giang cho biết sẽ bổ sung ngay thêm 1 labor xét nghiệm cho Bắc Giang.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương và bày tỏ cảm ơn các cán bộ, chiến sĩ đang tận tụy ngày đêm làm nhiệm vụ tại đây, đồng thời khẳng định các cơ quan chức năng sẽ bảo đảm chế độ, chính sách cho các lực lượng đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch, nếu cần thiết thì tiếp tục đề xuất, kiến nghị.

Chia sẻ với những gian khổ, hy sinh của các lực lượng chống dịch, Thủ tướng cho rằng, thời gian tới, có thể còn có gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa. Người đứng đầu Chính phủ bày tỏ mong muốn các lực lượng ở tuyến đầu chống dịch luôn mạnh khỏe, bình yên, tiếp tục khắc phục khó khăn, lấy khó khăn, thách thức là động lực để vươn lên, trưởng thành, đặt lợi ích của nhân dân, của quốc gia, dân tộc lên trên hết, phát huy và làm phong phú hơn, đẹp hơn hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng là lực lượng vũ trang anh hùng của dân tộc, đất nước anh hùng. Các cán bộ y tế phải luôn thực hiện lời dạy của Bác Hồ “thầy thuốc như mẹ hiền”.