Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung vừa thông báo việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận ngân sách 3.346.009 USD do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ nhằm thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong các khu công nghiệp tại Việt Nam.
Theo đó, khoản tài trợ này sẽ tạo điều kiện nhân rộng mô hình khu công nghiệp sinh thái trên toàn quốc trên cơ sở những thành công trong giai đoạn 2014-2024, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực công nghiệp và tại các khu công nghiệp, giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất tới môi trường và hỗ trợ các khu công nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thông báo được đưa ra tại Lễ ký kết Văn kiện Dự án “Nhân rộng phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) vừa phối hợp thực hiện.
“Lễ ký kết đánh dấu bước tiến quan trọng của Việt Nam từ giai đoạn trình diễn các lợi ích của khu công nghiệp sinh thái sang thúc đẩy và nhân rộng các phương pháp tiếp cận khu công nghiệp sinh thái, góp phần nâng cao vị thế và phát triển bền vững mô hình này trên cả nước”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.
Dự án có mục tiêu thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, giảm tác động môi trường của sản xuất công nghiệp và giúp các khu công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đồng thời, dự án sẽ tiếp tục nhân rộng việc thực hiện khu công nghiệp sinh thái, tập trung vào nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, thúc đẩy tái chế, nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của các doanh nghiệp, từ đó góp phần phát triển công nghiệp bền vững và toàn diện.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Thụy Sỹ là một trong số các quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam kể từ ngày 11/10/1971. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước hơn 50 năm qua không ngừng phát triển và ngày càng được củng cố vững chắc.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Hiện, Việt Nam đang tiếp tục ưu tiên thực hiện 3 đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030: hoàn thiện đồng bộ thể chế; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.
"Với thế mạnh về công nghệ, ngân hàng - tài chính, phát triển đô thị bền vững, giáo dục, y tế, môi trường... Bộ Kế hoạch và Đầu tư mong muốn Chính phủ Thụy Sỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghệ nguồn, vật liệu mới; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đào tạo nhân lực chất lượng cao", Thứ trưởng Trung đề xuất.