Tích cực gom đất, Hòa Phát đang nắm trong tay loạt quỹ đất tại Hưng Yên, Hà Nam

Tập đoàn Hòa Phát thời gian qua liên tục có đề xuất đầu tư các dự án lớn tại khắp các tỉnh thành trong cả nước, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp và bất động sản đô thị.

Có hơn 1.100 ha đất khu công nghiệp

Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) được xem như một "ông vua tiền mặt" trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán nhờ dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ.

Mặc dù đang là doanh nghiệp top đầu trong lĩnh vực sản xuất thép, nhưng Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long vẫn bày tỏ mong muốn mở rộng sang lĩnh vực bất động sản và đặt mục tiêu trở thành top 3 doanh nghiệp bất động sản hàng đầu Việt Nam.

khu-cong-nghiep-pho-noi-a-pld-1690703293.jpeg
Khu công nghiệp Phố Nối A

Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, tập đoàn không đặt mục tiêu mở rộng quỹ đất thông qua mua bán, sáp nhập dự án như thị trường vẫn làm.

“Chiến lược của Hòa Phát là tích cực đi các địa phương xin tham gia đấu thầu các chương trình phát triển đô thị, sau đó phát triển dự án. Triển vọng của lĩnh vực bất động sản là tốt đẹp vì Hòa Phát làm từ gốc, không phải bỏ tiền mua dự án, không bị áp lực giá vốn", ông Long cho biết.

Được biết, lĩnh vực bất động sản của Hòa Phát bao gồm xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) và các dự án nhà ở, khu đô thị.

Theo kết quả kinh doanh mới nhất vừa công bố, Hòa Phát báo doanh thu quý 2/2023 đạt 29.800 tỷ đồng, giảm 21%; lợi nhuận sau thuế là 1.448 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng cho biết tổng quỹ đất KCN được phê duyệt quy hoạch hiện nay là khoảng hơn 1.133 ha.

Hiện tại, Hòa Phát đang đầu tư khai thác hạ tầng kỹ thuật tại 3 KCN, gồm KCN Phố Nối A (689 ha), KCN Yên Mỹ II giai đoạn 1 (97,5 ha) đều tại Hưng Yên và KCN Hòa Mạc - Hà Nam (131 ha). Thời gian tới, doanh nghiệp này cho biết sẽ tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý đối với các dự án bất động sản khu đô thị, đồng thời triển khai mở rộng Khu công nghiệp Yên Mỹ II với diện tích quy hoạch 216 ha.

Kế hoạch trong vòng 10 năm tới, Hòa Phát sẽ vừa triển khai những KCN đang có, vừa mua lại hoặc xin mới để mở rộng 4-6 khu nữa. Đến năm 2030 sẽ có 10 KCN, bao gồm cả các KCN đang có.

Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, Hòa Phát sẽ tập trung phát triển các đại đô thị diện tích từ 300 -500 ha, đóng góp vào quá trình đô thị hóa các khu dân cư hiện hữu của địa phương. Các dự án bất động sản nhà ở - khu đô thị đang được nghiên cứu và nộp hồ sơ đăng ký thực hiện.

Trước đó, doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng các dự án ở Hà Nội như Khu phức hợp Mandarin Garden 1 (2,5 ha) tại quận Cầu Giấy, Khu phức hợp Mandarin Garden 2 (1,3ha), Khu chung cư 70 Nguyễn Đức Cảnh, tại quận Hoàng Mai, Chung cư Hòa Phát 257 Giải Phóng, quận Đống Đa...

Để ngỏ tham vọng bất động sản

Tại Đại hội cổ đông thường niên năm nay, khi được hỏi lại về tham vọng về lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch Trần Đình Long nhấn mạnh Hoà Phát bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào.

"Vào thời điểm hiện tại, tập đoàn đang tập trung cao độ vào dự án Dung Quất 2 với hơn 75.000 tỷ đồng. Một lần nữa tôi khẳng định chiến lược về bất động sản không có gì thay đổi nhưng bước đi thận trọng, vững chắc", ông Long nói.

hoa-phat-nam-trong-tay-loat-quy-dat-khung-tai-hung-yen-ha-nam-pld-1690703293.png
Hòa Phát nắm trong tay loạt quỹ đất khủng tại Hưng Yên, Hà Nam

Nhắc lại chiến lược của Hòa Phát, thay vì mua đất để làm dự án, tập đoàn sẽ tham gia đấu thầu ở các địa phương. Ông Long đánh giá hướng đi này có triển vọng tốt do tham gia đầu tư từ đầu ở các địa phương.

“Cái này rất lâu, cứ bình tĩnh làm chứ không đặt mục tiêu phải có bao nhiêu hecta. Tôi vui mừng thông báo là chúng ta đang làm rất mạnh về pháp lý nên không bỏ nhiều tiền mua dự án, không chạy đua ở giai đoạn trước nên giờ có tiền để làm Dung Quất 2. Tương lai có thể bỏ tiền mua dự án khác nhưng thời điểm này thì chưa”, ông Long cho biết.

Giải đáp thắc mắc của một số cổ đông vì sao một số bất động sản chưa thể mở bán, Chủ tịch Hòa Phát thừa nhận công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đã tương đối tốt. Tuy nhiên, dự án Phố Nối cũng như các dự án khác ở Hưng Yên và trên cả nước đều đang gặp vấn đề về hồ sơ pháp lý, thủ tục, chính sách... Do đó, bất động sản chỉ vì yếu tố khách quan nên mới chưa mở bán chứ không có lý do gì khác.

Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, “Hòa Phát chỉ bán khi đã có đầy đủ thủ tục hồ sơ pháp lý, đặc biệt về vấn đề sử dụng đất”.

Năm ngoái, mảng kinh doanh bất động sản mang về cho Hòa Phát 686 tỷ đồng doanh thu và gần 298 tỷ lợi nhuận sau thuế, đóng góp 1% vào doanh thu và 3% vào lợi nhuận của doanh nghiệp này.