Hoang mang vì tin đồn thất thiệt
Mới đây, công an TP.Hà Nội cho biết vừa phối hợp Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục An ninh Kinh tế (Bộ Công an) làm việc với Nguyễn Xuân Lượng (trú tại huyện Chương Mỹ) và Bùi Tiến Dũng (trú tại huyện Thanh Oai) về hành vi sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội đăng tải, bình luận thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên thị trường. Trước đó, một đối tượng đã chịu mức án 2 năm tù vì hành vi tương tự.
Thời gian qua trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những thông tin tiêu cực về các chủ doanh nghiệp lớn. Những thông tin thiếu cơ sở rõ ràng, được cắt ghép, chỉnh sửa thu hút sự chú ý của cư dân mạng, tạo nên tâm lý hoang mang cho các nhà đầu tư.
Thậm chí có những đối tượng còn đăng tải những hình ảnh giả mạo văn bản của cơ quan chức năng để tăng tính “thuyết phục” cho những thông tin tiếu cơ sở.
Ngay khi những thông tin này được lan truyền, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và nhanh chóng bác bỏ những dữ liệu sai lệch đồng thời truy tìm, xử lý các cá nhân sai phạm.
Tin giả, tác động thật
Hậu quả của các tin đồn thất thiệt này thể hiện rõ nhất trên thị trường chứng khoán khi hàng loạt mã cổ phiếu bị bán tháo, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ cho các doanh nghiệp kinh tế lớn.
Đối với thị trường bất động sản, việc bán tháo không diễn ra chóng vánh nhưng tác động của những tin đồn lại đánh vào niềm tin của khách hàng với các chủ đầu tư.
Anh Đăng Huy (quê Vĩnh Phục, trú TP.HCM) cùng nhóm đầu tư đã chốt một căn shophouse trong một dự án lớn ở Hưng Yên với số tiền 16 tỉ đồng. Đang trong giai đoạn chờ dự án hoàn thiện, anh Huy bất ngờ đọc được một tin “sét đánh” trên mạng xã hội về việc chủ đầu tư dự án đang có nguy cơ vướng vào vòng lao lý.
“Hồi đầu năm, nhóm tôi nhận thấy thị trường trong Nam bão hòa, ít tiềm năng nên bàn nhau ra Bắc, đầu tư vào dự án của chủ uy tín cho an toàn. Đóng được 80% giá trị căn nhà thì nghe tin lãnh đạo tập đoàn sắp bị bắt nên lo sốt vó, không biết làm sao”, anh Huy chia sẻ.
Nhóm anh tham khảo các nhóm đầu tư bất động sản thì biết các nhà đầu tư khác cũng đang tìm cách “thoát hàng” sớm để kịp thời thu hồi vốn. Chị Lan (cùng nhóm anh Huy) cho biết, dù không thực sự tin tưởng thông tin trên nhưng thấy mọi người xung quanh cuống cuồng bán tháo nên cũng trở nên bất an, lo lắng.
“Số tiền đầu tư bất động sản rất lớn, nếu không hành động kịp thời thì có khi lỗ nặng, thậm chí mất trắng”, chị Lan cho biết.
Một giám đốc doanh nghiệp tư vấn bất động sản ở Bình Chánh cho biết, thời điểm xuất hiện thông tin tiêu cực về 2 dự án ở Đồng Nai, cơ sở của anh nhận được rất nhiều cuộc gọi của nhà đầu tư về tình hình dự án. Các phản ánh của khách hàng đến trước khi anh tìm hiểu về thông tin trên nên rất khó có thể kịp thời phản ứng, trao đổi với khách hàng.
“Khách hàng gọi đến với tâm lý hốt hoảng, việc trấn an khách cũng không dễ vì chúng tôi cũng không có nhiều thông tin, cần thời gian làm việc với đơn vị phân phối và chủ đầu tư dự án”, vị này cho biết.
Theo vị giám đốc, nhiều khách hàng đã có động thái “quay xe”, hủy giao dịch dù một số đã đặt cọc với số tiền không nhỏ. Ngay sau khi thông tin được xác thực, giám đốc đã hướng dẫn nhân viên liên hệ lại với khách hàng, thuyết phục tiếp tục giao dịch nhưng vẫn bị nhiều người từ chối.
Anh Minh (TP.HCM) một nhà đầu tư bất động sản có kinh nghiệm cho biết, phần đông người tham gia thị trường bất động sản là theo tâm lý đám đông, đặc biệt do ảnh hưởng của các cơn “sốt đất”.
“Những nhà đầu tư tay ngang chỉ muốn kiếm lời nhanh, thử nghiệm tính khả thi của phương án đầu tư mới chứ chưa xác định theo thị trường nhà đất lâu dài. Nhóm này có tư tưởng đầu tư theo số đông mới chắc ăn vậy nên khi xuất hiện tin đồn, thấy thị trường biến động là lập tức tìm cách bán tháo thu hồi vốn để bảo toàn tài sản, thậm chí chấp nhận lỗ”, anh Minh nhận định.
Nhà đầu tư nhận xét rằng hiện tại thị trường bất động sản đang rất “mong manh”, bị đè nặng bởi các yếu tố như thanh khoản kém, thiếu nguồn cung, giá bán cao, thiếu nguồn vốn… Tâm lý nhà đầu tư dần chuyển sang xu thế phòng thủ nên lại càng chịu tác động mạnh của các tin đồn.