– Kính thưa đồng chí Saysomphone Phomvihane, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào,
– Thưa các vị đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào,
– Thưa các đồng chí Lào và Việt Nam thân mến,
Tôi rất vinh dự dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và vui mừng cùng các đồng chí Lãnh đạo Lào sẽ dự Lễ khánh thành và bàn giao công trình Nhà Quốc hội mới – quà tặng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam dành cho Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em, biểu tượng của quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào.
Thật ý nghĩa, khi tôi là vị khách quốc tế đầu tiên được phát biểu trong Hội trường mới trang trọng này trước Quốc hội khoá IX nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, đúng 10 năm sau bài phát biểu của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội khoá XI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá 7 của Lào. Đây là vinh dự đặc biệt mà Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào dành cho những người đồng chí anh em, là một thể hiện sinh động của tình hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt có một không hai trên thế giới giữa hai dân tộc Việt-Lào chúng ta.
Trên thế giới hiếm có mối quan hệ song phương nào được lịch sử chứng minh luôn no đói, buồn vui có nhau, cùng nắm chặt tay chiến đấu, hy sinh bên nhau như quan hệ Việt-Lào. Đó không chỉ là quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc mà cao hơn còn là quan hệ giữa những Nhà lập quốc, các vị tiền bối cách mạng của cả 2 nước, những người đồng chí, đồng cam cộng khổ, giàu bản lĩnh cách mạng. Thực vậy, quan hệ hai nước chúng ta được gọi là quan hệ đặc biệt, cách gọi tên như vậy vốn xuất phát từ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trao đổi thân tình với đồng chí Chủ tịch Kaysone Phomvihane. Do vậy, phải chăng, mối quan hệ của hai nước còn “cao hơn” các hiệp định, hiệp ước ký kết, bởi đó là mối quan hệ đồng cảm, đồng chí vì vận mệnh chung, một mối quan hệ khó diễn đạt hết bằng lời…
Người Việt Nam gọi nhân dân Lào là anh em một nhà, tình thân như ruột thịt. Người dân Lào coi người dân Việt Nam là anh em gắn bó trong một gia đình. Tôi tin rằng hiếm có mối quan hệ người dân 2 nước nào trên thế giới lại có thể tự nhiên, sâu đậm và bền bỉ như vậy. Đó là mối quan hệ nhân tâm tuyệt vời, là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, đặc biệt là trong một thế giới toàn cầu hóa như hiện nay. Quê hương Quảng Nam của tôi là 1 trong 10 tỉnh nằm giáp với Lào, trên đường biên giới chung của 2 nước, dài trên 2.340 km, ngày thơ ấu, những năm tháng ác liệt của chiến tranh cho đến thời bình, các vị lãnh đạo tiền bối của cách mạng Lào là thần tượng của nhiều thanh niên lứa chúng tôi, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Hoàng thân Souphanouvong…
Trong trái tim của mỗi người Việt Nam và Lào hôm nay và mai sau luôn khắc sâu quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt-Lào, Lào-Việt là vô cùng cao đẹp, như Hoàng thân, Chủ tịch Souphanouvong đã nêu là “cao hơn núi, dài hơn sông, rộng hơn biển cả, đẹp hơn trăng rằm, ngát hương thơm hơn bất cứ đóa hoa nào thơm nhất“. Mối quan hệ thuỷ chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai nước đã trở thành quan hệ mẫu mực, hiếm có trên thế giới, như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã nhiều lần khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới cũng đã có những tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện đến như vậy“; Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường nói: “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.”
Vinh dự đến thăm Lào lần này, trong không khí trang trọng, thắm tình hữu nghị anh em, một lần nữa, tôi chân thành chúc mừng thành công của Đại hội XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, cuộc bầu cử Quốc hội khóa IX và đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh khóa II nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, mở ra một giai đoạn mới trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu Quốc hội và toàn thể nhân dân Lào anh em lời chúc sức khỏe và tình cảm đoàn kết hữu nghị nồng ấm nhất của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em thân thiết.
Cũng như Việt Nam, Quốc hội Lào có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước. Mối quan hệ giữa Quốc hội 2 nước chúng ta cũng là mối quan hệ tầm cao quan trọng trong tổng thể quan hệ đoàn kết đặc biệt giữa hai nước chúng ta. Được biết các đồng chí đang tích cực chuẩn bị kỷ niệm 30 năm Ngày Hiến pháp nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (15/8/1991-15/8/2021). Nhân dịp này, tôi xin nhiệt liệt chúc mừng các Đồng chí.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Đến thăm đất nước Lào tươi đẹp và anh hùng, chúng tôi hết sức phấn khởi và tự hào chứng kiến những thành quả to lớn mà nhân dân Lào anh em đã đạt được sau 46 năm xây dựng đất nước và 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào quang vinh – một Đảng cách mạng kiên cường, luôn vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu vì sự phát triển phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Từ diễn đàn trọng thể này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, một lần nữa tôi nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu to lớn của các đồng chí và tin tưởng vững chắc rằng Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào sẽ tiếp tục kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19 và giành được nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa trong công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm lần thứ IX, xây dựng thành công đất nước Lào hòa bình, độc lập, dân chủ, thống nhất và phồn vinh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cùng với nhân dân Lào anh em, đất nước Việt Nam chúng tôi sau 35 năm đổi mới đã giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, sức mạnh nội lực và vị thế quốc tế của đất nước ngày càng được tăng cường. Với khát vọng dựng xây đất nước Việt Nam độc lập, hùng cường, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra ba mục tiêu lớn, đó là: đến năm 2025 (năm kỷ niệm nửa thế kỷ thống nhất đất nước) Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 (năm kỷ niệm một thế kỷ thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam) trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 (năm kỷ niệm một thế kỷ lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn luôn nhận thức sâu sắc rằng mỗi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay đều mang dấu ấn đậm nét của sự sẻ chia và giúp đỡ quý báu, hết lòng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào anh em. Những thành tựu của hai nước thời gian qua là nền tảng cho hợp tác củng cố độc lập chủ quyền, phát triển phồn vinh, nâng cao vị thế quốc tế của mỗi nước, góp phần cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, một lần nữa tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào anh em về tình đoàn kết, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, chí nghĩa, chí tình dành cho Việt Nam từ trước đến nay. Chúng tôi nguyện cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào làm hết sức mình để giữ gìn, bảo vệ, không ngừng vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai dân tộc chúng ta và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, là quy luật phát triển tất yếu, nhân tố bảo đảm thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Thưa các đồng chí và các bạn,
Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng có lịch sử gắn bó lâu đời và truyền thống đoàn kết giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, chúng ta cùng chung sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương – chính là tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào ngày nay.
Hai nước đã cùng nhau trải qua muôn vàn gian nan đấu tranh thử thách. Tôi còn nhớ lời kể trực tiếp của Đồng chí cố Đại tướng Sisavath Keobounphanh, người đã từng tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương, là: nhiều khi trên mặt trận đang gặp khó khăn, chỉ một cuộc điện thoại với cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, là đã có những lực lượng quân đội Việt Nam sang Lào kịp thời cùng hợp tác chiến đấu, giành thắng lợi. Có thể nói, máu đào của các chiến sĩ Việt, Lào đã thấm vào dãy Trường Sơn, hòa trong nước sông Mekong, nước mắt của những người mẹ Lào, mẹ Việt có con hy sinh đều chung vị mặn đắng của đau thương mất mát. Dẫu có nhiều gian khó, hy sinh, nhưng dưới sự lãnh đạo của hai Đảng, Liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt Việt-Lào đã anh dũng đưa sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc hai nước đi tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975. Nhớ lại, để chúng ta cùng tự hào và cùng lắng sâu tâm mình trước sự hy sinh của các thế hệ tiền bối anh hùng và đó là nền tảng, gốc rễ bền chắc để tiếp tục cùng nhau quyết tâm vun đắp, nâng tầm cao mối quan hệ thủy chung, trong sáng, đặc biệt Việt-Lào, Lào-Việt.
Trong thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc, dưới ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Kaysone Phomvihane ở Lào, hai Đảng, hai Nước chúng ta tiếp tục kề vai, sát cánh hợp tác trong sáng, chí tình, chí nghĩa, luôn vì nhau, bên nhau, cùng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập, tiến lên Chủ nghĩa xã hội.
Chúng ta vui mừng nhận thấy, trong những năm qua, hợp tác hai nước trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị – đối ngoại, quốc phòng – an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội đã ngày càng mở rộng và phát triển, mang lại lợi ích tốt đẹp cho nhân dân hai nước chúng ta. Nhiều công trình, dự án hợp tác thiết thực giữa hai nước về mạng viễn thông, giao thông, thủy điện, trồng cao su, cà phê, trường học, bệnh viện, các cụm bản nghèo đặc biệt khó khăn… đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng trên nhiều vùng, tỉnh xa, khó khăn của Lào, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Thưa đồng chí Thongloun Sisoulith,
Thưa các đồng chí và các bạn,
Hòa bình, hợp tác, phát triển tiếp tục là xu thế và khát vọng cháy bỏng của mọi quốc gia, dân tộc; song nhân loại vẫn đang sống trong một môi trường đan xen giữa cơ hội và thách thức cả về an ninh và phát triển. Thế giới và khu vực đang trải qua những chuyển biến cơ bản, nhanh chóng chưa từng có, do sự vươn lên của các quốc gia, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, cũng như tác động sâu rộng của Cách mạng công nghiệp 4.0, của biến đổi khí hậu, thiên tai khắc nghiệt… Đặc biệt đại dịch COVID-19 đang tàn phá nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu.
Triển vọng phục hồi của thế giới và khu vực còn bấp bênh, đi kèm nhiều rủi ro, nhất là đối với các nền kinh tế vừa và nhỏ như hai nước chúng ta. Mặt khác, dự báo về tác động sâu rộng của công nghệ mới trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 và những hệ lụy nặng nề của dịch COVID-19 đã làm chúng ta phải thay đổi về phương cách sản xuất, kinh doanh, cách chúng ta sống, giao tiếp xã hội… Đồng thời, các xu hướng dịch chuyển, đa dạng hoá chuỗi cung ứng, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh… đang tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới đan xen cho tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như hội nhập quốc tế sâu rộng của Lào và Việt Nam.
Thưa các đồng chí,
Với trái tim nặng sâu quan hệ Việt-Lào và từ kinh nghiệm nhiều năm trực tiếp gắn bó với tăng cường quan hệ hợp tác giữa Chính phủ hai nước, tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ với tình cảm thân tình anh em, đồng chí.
Trước hết, tiếp nối truyền thống cách mạng hào hùng và những thành tựu hợp tác vừa qua, chúng ta hiểu rằng trụ cột quan hệ chính trị sẽ tiếp tục là định hướng tổng thể quan hệ đặc biệt Việt – Lào trong thời gian tới. Kế thừa truyền thống cách mạng vững chắc, quan hệ chính trị của hai nước được soi sáng bởi tư tưởng của hai vị lãnh tụ vĩ đại – Hồ Chí Minh và Kaysone Phomvihane, đó là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lenin vào thực tiễn mỗi nước, hướng tới mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội với đất nước giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc.
Ngày nay, tư tưởng của hai Lãnh tụ kính yêu cũng chính là kim chỉ nam để hai nước chúng ta luôn giữ gìn và phát huy truyền thống quan hệ thủy chung, gắn bó có một không hai, không ngừng củng cố tin cậy chính trị – chiến lược, để “cùng nhau gánh vác sứ mệnh lịch sử bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng, phát triển đất nước tiến lên mục tiêu xã hội chủ nghĩa, giữ gìn quan hệ đặc biệt Lào – Việt đời đời bền vững”, như lời đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith đã phát biểu tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ngày 29/6/2021.
Tiếp theo là, trong quan hệ chính trị, có vai trò đặc biệt quan trọng của hợp tác giữa Quốc hội hai nước. Sự ủng hộ của Quốc hội hai nước sẽ là điểm tựa pháp lý vững chắc cho sự hợp tác hiệu quả của Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các địa phương, các tổ chức xã hội và phát huy sự nỗ lực, sáng tạo của doanh nghiệp, người dân hai nước. Là một đại biểu Quốc hội Việt Nam, tôi cùng với đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các vị đại biểu trong Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, đồng thời cũng là Đại biểu Quốc hội Việt Nam, đang có mặt hôm nay, thể hiện mong muốn đoàn kết, hợp tác sâu rộng của Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Lào về nâng tầm chất lượng công tác lập pháp, phát huy tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân… Chúng tôi mong được đón các vị đại biểu Quốc hội Lào thăm, hợp tác với Việt Nam trong tình cảm chân thành ấm áp “từ trái tim đến trái tim” thân thiết nhất.
Và trên cơ sở nền tảng quan hệ chính trị tin cậy vững chắc, chúng ta cần tiếp tục củng cố trụ cột hợp tác quốc phòng – an ninh và nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực…
Phát huy truyền thống luôn kề vai sát cánh, cùng chiến đấu và cùng chiến thắng trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc giầu mạnh ngày nay, hai nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc củng cố quốc phòng, an ninh để cùng giữ vững môi trường hoà bình, ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, kịp thời ngăn chặn mọi âm mưu “diễn biến hoà bình”, chống phá, chia rẽ quan hệ hai nước Lào-Việt, Việt-Lào.
Hai bên coi giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là lĩnh vực hợp tác chiến lược, mang tính “đột phá”, không chỉ phục vụ nhu cầu phát triển của mỗi nước mà còn góp phần thắt chặt tình cảm gắn bó và đoàn kết giữa hai nước. Việt Nam sẵn sàng mở rộng hỗ trợ Lào đào tạo nguồn nhân lực cả dài hạn và ngắn hạn với cơ cấu ngành nghề và cấp bậc đa dạng; bên cạnh việc tăng số lượng và chế độ học bổng, trong thời gian tới hai bên cần phối hợp chặt chẽ để nâng cao chất lượng tuyển sinh, giảng dạy và học tập nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường Lào.
Một vấn đề quan trọng mà Lãnh đạo hai nước và cá nhân tôi luôn trăn trở, đó là phải nâng tầm trụ cột hợp tác kinh tế với những đột phá mới, để tương xứng với tầm cao của quan hệ hữu nghị đặc biệt hai nước. Không thể mãi nghèo, chúng ta phải hợp tác để cùng nhau mạnh lên, giầu lên.
Từ kinh nghiệm, bài học trong 35 năm đổi mới và phát triển kinh tế của Việt Nam, chúng tôi thấy rằng hai nước cần có tư duy hợp tác mới, các biện pháp mạnh, mang tính đột phá “đặc biệt” để giải phóng nguồn lực cho hợp tác kinh tế, thúc đẩy thương mại, đầu tư, kinh doanh; quan tâm và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong hợp tác. Việt Nam mở cửa thị trường 100 triệu dân cho hàng hóa, nông sản của Lào. Trong 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại đạt hơn 670 triệu USD, tăng 37%, trong đó Lào xuất 330 triệu USD, tăng gần 40%. Việt Nam đang mua điện của Lào với quy mô lớn, sẽ đạt đến 5.000 MW vào 2030…
Chúng tôi hiểu và luôn nỗ lực khi các bạn Lào tin vào Việt Nam và muốn Việt Nam hỗ trợ, cùng hợp tác nhiều hơn nữa, tuy nhiên, thẳng thắn thấy rằng, Việt Nam cũng là nước đang phát triển, tiềm lực còn hạn chế. Do vậy, tôi đề nghị cả Việt Nam và Lào cùng chủ động hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho phát triển. Chúng ta cùng hợp tác trong ASEAN, Hiệp định RCEP; thêm vào đó, Việt Nam đang tham gia các Hiệp định thương mại tự do với ưu đãi cao, quy mô lớn như CPTPP với Nhật, Canada, Úc… EVFTA với 27 nước EU phát triển. Khi chúng ta hợp tác, hàng hóa, dịch vụ của Lào và Việt Nam cùng có cơ hội tiếp cận các thị trường lớn này, đa dạng hóa đối tác. Cùng nhau, chúng ta nhất định sẽ phát triển mạnh, đất nước độc lập, giàu mạnh, người dân no ấm, hạnh phúc.
Để mở rộng không gian phát triển như trên, hai nước cần mở rộng kết nối về giao thông, năng lượng, viễn thông… với nhiều tuyến đường xuyên biên giới theo trục Đông – Tây, kể cả đường bộ, đường sắt, đường ống nhiên liệu… Hàng hóa của Lào có thể đi qua bất cứ cảng nào của Việt Nam. Khởi đầu hợp tác này là hình thành Cảng quốc tế Lào – Việt, do Lào nắm cổ phần đa số, tại miền Trung, Việt Nam.
Từ nước không có biển, hợp tác với Việt Nam, Lào có thể thẳng tiến ra biển đi tới các thị trường khu vực, thế giới rộng lớn, Lào trở thành một trung tâm logistic khu vực. Phải chăng, đó là một tiền đề để Lào phát triển nhanh, bền vững và tự chủ.
Một vấn đề nữa tôi muốn nêu là chúng ta không thể đứng ngoài chuyển động của kinh tế số toàn cầu, hai nước cần hợp tác chuyển đổi sang nền kinh tế số, phát triển thương mại điện tử, số hóa các dịch vụ giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng hiện đại… và từng bước nâng cao sức cạnh tranh, nâng tầm nền kinh tế trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển bền vững phải dựa trên phát huy nội lực, hai nước có một điểm đồng rất lớn là cùng có tiềm năng to lớn về nông nghiệp, cần hợp tác phát triển đa dạng trên quy mô lớn nông nghiệp xanh, công nghệ cao, thực phẩm sạch… để vừa bảo đảm an ninh lương thực, giảm nghèo vừa tăng cường xuất khẩu, phát triển tự chủ, bền vững.
Cuối cùng, một nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với hai Đảng, hai Nhà nước là cần tiếp tục truyền thông, giáo dục về truyền thống quan hệ đặc biệt và hợp tác toàn diện của hai nước, với các hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả gắn với những kết quả hợp tác cụ thể trong đời sống, để các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước chúng ta, thêm vững niềm tin, chung tay giữ gìn, vun đắp phát triển tươi mới trong bất cứ hoàn cảnh nào, thời gian nào.
Trên tinh thần đó, hôm qua 09/8/2021, tại cuộc hội đàm với đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith và các cuộc hội kiến, gặp gỡ khác với các đồng chí Lãnh đạo cấp cao, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Lào, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Lào, hai bên đã nhấn mạnh tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào, là tài sản chung vô giá của hai dân tộc, nhân tố bảo đảm sự tồn tại, phát triển của hai nước; cùng khẳng định, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước cũng sẽ quyết tâm cùng nhau giữ gìn, vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng, bền vững trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên đã thống nhất lấy năm 2022 sẽ là “Năm Đoàn kết, Hữu nghị Việt Nam – Lào”, với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực kỷ niệm 60 năm quan hệ ngoại giao và 45 năm Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào.
Trước khi dừng lời, tôi xin nhấn mạnh, chúng ta cùng uống chung dòng nước Mekong, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, điều kiện tự nhiên từ muôn đời nay như đã gắn kết chặt chẽ hai đất nước, hai dân tộc. Như lời thơ của Vilay Keomani trong bài thơ “Hai anh em sinh đôi”: “Anh ở bên kia, tôi bên này. Chung một dãy Trường Sơn hùng vĩ“, đó là gắn kết tự nhiên mãi mãi, muôn đời, cùng chia xẻ, cùng tiến lên giàu mạnh.
Một lần nữa, tôi chân thành cảm ơn Quốc hội nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào đã cho tôi vinh dự được phát biểu hôm nay. Xin chúc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị Đại biểu Quốc hội khoá IX nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, toàn thể các đồng chí, các bạn Lào, Việt Nam và người dân hai nước, sức khoẻ, hạnh phúc, đoàn kết và hợp tác thành công.
Samakkhi Phised Việt Nam-Lào nyunnyav! (Đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào muôn năm)
Khob chai rai rai (xin cảm ơn). Xin cảm ơn nhiều lắm./.