Giá cao hơn Bắc Ninh
Ghi nhận của một đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, sự phát triển công nghiệp tại Hưng Yên đã gia tăng nhu cầu nhà ở từ các chuyên gia, công nhân và các nhà đầu tư tại đây. Theo đó, Hưng Yên sẽ đáp ứng 50% nhu cầu nhà cho công nhân khu công nghiệp đến năm 2025, tương đương với 17.000 nhà ở xã hội.
Theo Chương trình phát triển nhà của Hưng Yên, thị trường sẽ cần 7.000 căn hộ từ nay đến 2025. Từ 2023 trở đi, các dự án tương lai sẽ mở bán khoảng 95.300 căn hộ.
Năm 2022, nguồn cung căn hộ tại tỉnh này đạt 18.600 căn hộ từ 30 dự án. Trong đó, Huyện Văn Giang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 88%. Xét về tăng trưởng, nguồn cung căn hộ tăng 15% theo năm, cao hơn 14 điểm % so với Bắc Ninh và 11 điểm % so với Hà Nội.
Giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ đạt 41 triệu đồng/m2, thấp hơn 14% so với Hà Nội nhưng cao hơn 110% so với Bắc Ninh.
Đối với phân khúc biệt thự liền kề, nguồn cung đến từ 23 dự án, chủ yếu tại huyện Văn Giang. Trong đó, nhà liền kề chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43%.
Trong năm 2022, nguồn cung biệt thự liền kề tại Hưng Yên tăng 40% theo năm, cao hơn 31 điểm % so với tốc độ tăng trưởng của Bắc Ninh và 37 điểm % cao hơn của Hà Nội.
Giá sơ cấp trung bình của biệt thự liền kề đạt 149 triệu đồng/m2 do sự hiện diện của các dự án đại đô thị mới, thấp hơn 17% so với giá nhà tại Hà Nội và 77% cao hơn giá tại Bắc Ninh.
Có thể thấy, mức giá bất động sản nhà ở tại Hưng Yên hiện cạnh tranh so với các tỉnh lân cận.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu Thị trường của Savills Hà Nội, nhận định giá bán tại Hưng Yên cao hơn so với Bắc Ninh là do các dự án gần Hà Nội hơn và cung cấp các sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, trong tương quan thì giá bán tại Hưng Yên hiện thấp hơn thị trường Hà Nội.
Vì vậy, bà Hằng cho rằng Hà Nội sẽ cần những dư án chất lượng tốt với giá cả hợp lý hơn khi nguồn cung hiện hữu đang giá cao, không đủ hấp dẫn với người mua. Đặc biệt khi thị trường đang chịu sự cạnh tranh trực tiếp với các tỉnh thành lân cận như Hưng Yên.
Ăn theo hạ tầng
Thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng Thủ đô Hà Nội, những năm gần đây, Hưng Yên nổi lên như một điểm đến hấp dẫn với hệ thống hạ tầng ngày một được cải thiện và nhu cầu gia tăng đối với bất động sản.
Được biết, tỉnh này đang tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2021-2025, 106 dự án giao thông có tổng mức đầu tư 14 nghìn tỉ đồng đã và đang được triển khai (tương đương 12% GRDP Hưng Yên năm 2021).
Vào năm 2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đầu tư 85,8 nghìn tỉ đồng (3,67 tỉ USD) cho tuyến đường Vành đai 4 kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận. Tuyến đường dài 113 km sẽ bao gồm 20 km đi qua 4 huyện của tỉnh Hưng Yên là Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ và Văn Lâm.
Cũng trong năm này, giá bất động sản Hưng Yên đã ghi nhận sự tăng giá đột biến.
Báo cáo thị trường của một đơn vị nghiên cứu cho thấy, quý 2 và 6 tháng đầu năm 2022, sản phẩm nhà phố mở bán tại Hưng Yên dao động từ 120-160 triệu đồng/m2, nhà phố thương mại (shophouse) dao động từ 146-184 triệu đồng/m2, biệt thự dao động từ 126-194 triệu đồng/m2.
Theo khảo sát thực tế thời điểm đó, nhiều căn nhà phố thương mại (shophouse) 4 tầng diện tích 60m2 tại khu chợ thương mại Như Quỳnh đã hoàn thiện việc xây thô, có sổ đỏ có giá bán khoảng 5,5-5,8 tỉ đồng, tương đương 90-96 triệu đồng/m2. Đây là mức giá chung tại khu vực này, thậm chí các căn ở mặt ngoài đường Quốc lộ 5 còn có giá hơn 100 triệu đồng/m2.
Trước đó, vào khoảng tháng 3, những căn như thế này chỉ có giá khoảng 30 triệu đồng/m2 nếu ở mặt trong và 40-50 triệu đồng/m2 ở mặt đường lớn.
Trước việc giá bất động sản tăng bất thường, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu Sở Xây dựng phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch xây dựng. Trong đó, tỉnh yêu cầu thực hiện kịp thời công bố, công khai thông tin về quy hoạch xây dựng, thông tin về các dự án nhà ở, phát triển đô thị.
Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong việc huy động vốn của dự án phát triển nhà ở.
Ngoài ra, chủ tịch tỉnh cũng yêu cầu, tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản. Yêu cầu các sàn giao dịch, cá nhân kinh doanh bất động sản không được rao bán, thông tin, nhận đặt cọc trên các mạng xã hội đối với các dự án khi chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.