Tuyên truyền PCCC: “Có gia đình toàn cử giúp việc đi”

Đó là thông tin được Trung tá Lê Minh Hải - Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an đưa ra trong một toạ đàm liên quan đến giải pháp an toàn cho người dân sống tại chung cư mini.
theo-trung-ta-le-minh-hai-pld-1695934530.jpg
Theo Trung tá Lê Minh Hải, khi tổ chức làm công tác tuyên truyền, có cuộc chỉ có 20-30% người dân tham gia.

Theo Trung tá Lê Minh Hải, đã là nhà chung cư được thẩm định phê duyệt thì phải đảm bảo về phòng cháy chữa cháy. Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm đầy đủ về các yêu cầu này. Tuy nhiên, chung cư mà chúng ta hay gọi là chung cư mini biến tướng, chức năng là nhà ở nhiều căn hộ, loại hình này chủ yếu là nhà ở riêng lẻ. Lúc trước được xây dựng ở riêng lẻ sau đó sẽ do nhu cầu nên chuyển đổi cho thuê và bán lại. Loại hình nhà này còn nhiều vấn đề an toàn về phòng cháy chữa cháy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Đối với loại hình này, lối thoát nạn rất nan giải. Đặc biệt, chung cư này bố trí cầu thang trong nhà, tại tầng 1, tầng hầm sử dụng để xe, có phòng công năng khác như phòng để máy phát điện, hoặc là phòng để kĩ thuật điện… nên khi xảy ra cháy nổ thì khói sẽ cháy lan, người phía trên ngạt khói và nguy cơ tử vong. Việc triển khai công tác cứu nạn đều khó khăn.

Thứ hai, Trung tá Lê Minh Hải cho biết, loại hình nhà này khi chuyển đổi hình thức nhà riêng lẻ rất ít người ở nhưng khi chuyển sang chung cư, thì số hộ dân đông; công suất điện tăng lên, nếu không cải tạo dây điện, dễ gây quá tải và chập điện.

Đặc biệt, buổi tối là giờ cao điểm, khi các hộ gia đình tập trung đông nên thoát nạn rất khó khăn. Các hộ dân sinh sống trên tòa nhà này cũng chưa nắm được kĩ năng phòng cháy chữa cháy nên chưa biết sử dụng các thiết bị Ngoài ra, việc để xe máy tại tầng hầm cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro.

“Từ năm 2021, chúng tôi đã tập trung toàn bộ lực lượng để tuyên truyền đến từng hộ gia đình, người dân về công tác phòng cháy chữa cháy. Các mô hình chúng tôi triển khai đều nhằm mục đích người dân trong cùng tòa nhà cùng khu vực có thể liên kết, hỗ trợ nhau chữa cháy, thoát nạn và hỗ trợ nhau trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, người dân tham gia rất hạn chế.

Khi chúng tôi tổ chức làm công tác tuyên truyền, có cuộc chỉ có 20-30% người dân tham gia. Có gia đình không thấy chủ nhà mà toàn cử người giúp việc đi. Có gia đình chỉ có chồng đi. Chúng tôi có đến hỏi thì người vợ không biết về kiến thức phòng cháy chữa cháy. Vậy khi hoả hoạn xảy ra, chồng không có nhà thì sẽ ra sao?”, ông Hải cho hay.

Mặt khác, việc chủ động nghiên cứu kĩ năng về việc phòng cháy của người dân chưa cao dẫn đến đến thiếu kiến thức kĩ năng và còn nhiều tồn tại.

Ông Nguyễn Quách Anh, Phó trưởng Phòng quản lý xây dựng, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay chung cư mini có nhiều “biến tướng” về xây dựng sai cách, xây dựng không phép.

“Chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả những nội dung này và cũng đặt ra nguyên tắc, trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện sai phạm sẽ ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm”, vị này nhấn mạnh.

Theo chuyên gia pháp lý, không chỉ là tuyên truyền phòng cháy chữa cháy mà hoạt động tuyên truyền pháp luật về phòng cháy chữa cháy cũng cần tổ chức đồng bộ, cách thức thực hiện phải lan tỏa. Ngoài ra, phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng để có sự kiểm tra chéo. Từ đó giám sát trong quá trình thực thi. Như vậy hiệu quả của pháp luật quy định mới thực thi nghiêm và hạn chế tối đa những hậu quả xảy ra.