Cập nhật tại thời điểm 9h45 ngày 18/3, giá vàng SJC tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với kết phiên giao dịch hôm qua, lần lượt ở mức 66,6 triệu đồng/lượng và 67,7 triệu đồng/lượng.
Giá vàng PNJ tăng mạnh 900 nghìn đồng ở chiều mua vào và 1.100 đồng ở chiều bán ra, lần lượt ở mức 55,1 triệu đồng/lượng và 56,3 triệu đồng/lượng.
Vàng nhẫn 9999 cũng 800 nghìn đồng chiều mua vào lên 55,1 triệu đồng/lượng và 950 nghìn đồng chiều bán ra lên 56,15 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường thế giới, chốt phiên giao dịch ngày 17/3, giá vàng thế giới giao ngay tăng 69,8 USD lên 1.989 USD. Đây là giá cao nhất kể từ tháng 4/2022.
Tổng cộng tuần này, giá đã tăng gần 6%, mạnh nhất trong vòng 3 năm qua. "Giá tăng do lo ngại ngành ngân hàng sẽ nhận thêm nhiều tin dữ vào cuối tuần. Một nguyên nhân khác là nhà đầu tư cũng kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thông báo ngừng tăng lãi suất trong phiên họp tuần tới", Tai Wong - chuyên viên giao dịch kim loại quý tại New York cho biết.
Vụ sụp đổ của Silicon Valley Bank (Mỹ) cuối tuần trước đã phơi bày sự dễ tổn thương của các ngân hàng trước làn sóng tăng lãi suất. Việc cổ phiếu Credit Suisse (Thụy Sĩ) lao dốc càng khiến thị trường thêm hỗn loạn.
"Giá vàng tăng khi nhà đầu tư tìm đến công cụ trú ẩn", Lukman Otunuga - nhà phân tích cấp cao tại FXTM cho biết.
Giá USD và các thị trường chứng khoán gần đây đều lao dốc, khiến vàng trở thành công cụ đầu tư hấp dẫn. Dù vàng được coi là công cụ phòng trừ rủi ro trong bất ổn kinh tế, kim loại quý này lại ít được chú ý khi lãi suất tăng cao.