Doanh thu mảng bất động sản giảm mạnh tới 94%
Tổng công ty Viglacera - CTCP (Mã chứng khoán: VGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với kết quả không mấy khả quan khi doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh.
Cụ thể, trong quý 2, doanh thu thuần của Viglacera đạt 3.928 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này thu về 6.702 tỷ đồng, giảm 17,3%.
Trong cơ cấu doanh thu, mảng kinh doanh bất động sản giảm mạnh khi thị trường gặp khó khăn. Tính chung 6 tháng, doanh thu từ bất động sản của Viglacera đạt 55,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận tới 893 tỷ đồng, giảm tới 94%.
Tương tự, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác cũng sụt giảm theo đà chung của thị trường. Doanh thu từ sản phẩm kính, gương ghi nhận 964 tỷ đồng, giảm 36,2%. Doanh thu gạch, ngói cũng giảm 28% so với cùng kỳ.
Kết quả, Viglacera báo lãi quý 2/2023 đạt hơn 625 tỷ đồng, giảm 9,4% so với cùng kỳ. Lũy kế lợi nhuận nửa đầu năm ghi nhận 777 tỷ đồng, chỉ bằng 53,7% so với năm ngoái.
Phía Viglacera cho biết, lợi nhuận sau thuế giảm do doanh thu từ mảng kinh doanh nhà ở thương mại quý 2/2023 bị sụt giảm mạnh. Trong khi đó, lĩnh vực vật liệu xây dựng gặp khó trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm, doanh thu giảm dẫn đến lợi nhuận giảm.
Năm 2023, Viglacera đặt kế hoạch tổng doanh thu hợp nhất 15.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.210 tỷ đồng. Như vậy sau nửa đầu năm, Viglacera mới chỉ thực hiện được 42% chỉ tiêu doanh thu và 64 % chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Khối tài sản tỷ đô trước thềm thoái vốn
Mới đây, Viglacera đã có thư mời báo giá liên quan đến phương án chuyển nhượng vốn Nhà nước. Theo thông báo, doanh nghiệp này đang trong giai đoạn xây dựng và xem xét các đề xuất phương án chào bán cũng như tiêu chí nhà đầu tư.
Viglacera hiện đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và khu công nghiệp với vốn điều lệ 4.483 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Xây dựng sở hữu 38,58% cổ phần (tương đương 173 triệu cổ phiếu). Cổ đông lớn nhất của VGC hiện là Gelex (GEX) sở hữu 50,21%.
Tại ngày 30/6, tổng tài sản Viglacera đạt 23.155 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), tăng nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng ngắn hạn ở mức 2.390 tỷ đồng, chiếm khoảng 1/10 tổng tài sản. Hàng tồn kho hơn 4.468 tỷ đồng, chiếm phần lớn là hàng tồn của bất động sản, xây dựng với 1.000 tỷ đồng, thành phẩm của kính sứ, sen vòi gần 2.400 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Viglacera còn đang ghi nhận gần 4.900 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang. Tập trung chủ yếu tại các dự án như: Dự án khu công nghiệp Yên Mỹ (955 tỷ đồng); dự án khu công nghiệp Thuận Thành giai đoạn 1 (1.133 tỷ đồng); dự án khu công nghiệp Phú Hà giai đoạn 1 (687 tỷ đồng)...
Về phía nguồn vốn, tổng nợ phải trả của Viglacera là 13.650 tỷ đồng, trong đó nợ đi vay là hơn 4.200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này còn ghi nhận hơn 2.600 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện, phần lớn là doanh thu nhận trước của hoạt động cho thuê bất động sản ghi nhận doanh thu sau 12 tháng tới.
Năm 2023, Viglacera định hướng tập trung đầu tư đối với các dự án trọng điểm, không đầu tư dàn trải.
Cụ thể, đối với lĩnh vực vật liệu xây dựng, doanh nghiệp này sẽ tập trung đầu tư nâng cấp máy móc thiết bị, dây chuyền hiện đại tại một số nhà máy; mở rộng và đầu tư bổ sung các dự án tại nhà máy kính nổi siêu trắng VFG, PFG; hoàn thành đầu tư và đưa sản phẩm đá nung kết ra thị trường tại nhà máy Viglacera Eurotile.
Với mảng bất động sản, các đơn vị thuộc Viglacera sẽ rà soát đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng tại các dự án khu công nghiệp, nhà ở đang triển khai, tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ tại các dự án nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các đơn vị khảo sát, nghiên cứu, lập kế hoạch triển khai đầu tư 38 dự án tại các địa phương, đồng thời triển khai đầu tư nhà ở xã hội trong giai đoạn 2022-2030.