Vụ bé gái 13 tuổi nghi dùng búa đánh ông nội tử vong: Góc nhìn pháp lý khi nghi phạm là trẻ vị thành niên

Từ vụ bé gái 13 tuổi nghi dùng búa đánh ông nội tử vong, chuyên gia pháp lý đã chỉ ra những điểm mấu chốt xung quanh vụ án liên quan đến người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Thông tin mới nhất vụ bé gái 13 tuổi nghi dùng búa đánh ông nội tử vong
Cơ quan công an đang tiếp tục điều tra vụ bé gái 13 tuổi nghi dùng búa đánh ông nội tử vong ở Thái Nguyên. Nạn nhân được xác định là ông Lý Tài A. (SN 1966, ở xã Liên Minh, huyện Võ Nhai).

hien-truong-vu-be-gai-13-tuoi-dung-bua-danh-ong-noi-tu-vong-o-thai-nguyen-plpt3082024-0805-1725021266.jpg

Hiện trường nơi phát hiện ông A. tư vong. (Ảnh: V.N)

Thông tin ban đầu cho thấy, khoảng 16h30 ngày 28/8, người dân tại xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, phát hiện ông Lý Tài A. tử vong phía sau nhà con trai chưa rõ nguyên nhân.

Theo một số người dân sống gần hiện trường, ngày 28/8, người dân nhận được thông tin từ con trai ông A. nhờ mọi người đi tìm con gái là cháu L.T.Th. (SN 2011, xóm Thành Tiến, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai) bỗng nhiên “mất tích” không thể liên hệ được. Đến chiều tối 28/8, Th. mới trở về nhà.

Sau đó, người dân cũng phát hiện ra thi thể ông A. ở phía sau nhà. Nhận được tin báo, lực lượng công an đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để điều tra, làm rõ vụ việc. Lúc này, thi thể ông A. được phát hiện trong tình trạng quấn chăn, phía bên ngoài được phủ kín bằng các lớp cỏ dày phía sau nhà.

Qua truy xét, đấu tranh, L.T.Th. khai nhận, vào khoảng 14h chiều 27/8, ông A. đến nhà Th. và yêu cầu Th. cùng em gái là Ng. (SN 2015) đấm lưng giúp. Th. bực tức đã dùng búa và gậy đập nhiều phát vào đầu khiến ông A. tử vong tại chỗ. Sau đó, Th. đã kéo thi thể ông A. ra sau nhà dùng chăn và cỏ che giấu rồi bỏ nhà đi.

Được biết, nạn nhân thường ngày làm ruộng và hay cùng vợ sang nhà con trai bên xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai để sinh sống. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Góc nhìn từ chuyên gia pháp lý
Liên quan đến sự việc này, trao đổi với Pháp luật và Phát triển, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, nhận định, đây là bi kịch gia đình khi người đàn ông thiệt mạng do hành vi của chính cháu nội mình gây ra khi cháu ở độ tuổi còn quá nhỏ.

luat-su-dang-van-cuong-vu-chau-be-13-tuoi-sat-hai-ong-noi-0809-1725021266.jpg

TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp.

Vụ việc chết người xảy ra do tác động ngoại lực là vụ việc có dấu hiệu tội phạm bởi vậy cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ là cần thiết. Kết quả xác minh đến nay cho thấy người thực hiện hành vi sát hại nạn nhân là cháu bé chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, hiện nay mới 13 tuổi. Như vậy, theo thông tin ban đầu nghi phạm thực hiện hành vi chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm nên chưa đủ cơ sở để khởi tố vụ án hình sự.

Điều 12 Bộ luật Hình sự quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều của Bộ luật này.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, người từ đủ 14 tuổi mới phải chịu trách nhiệm hình sự đối với một số tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được liệt kê tại điều 12 Bộ luật Hình sự.

Tại thời điểm gây án, cháu bé mới 13 tuổi nên chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp kết quả xác minh ban đầu chính xác, cháu bé chính là người đã sử dụng búa để đánh ông nội tử vong, cũng chưa đủ căn cứ để xử lý cháu bé này về tội giết người do chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 92 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong trường hợp người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng sẽ bị áp dụng hình thức là đưa vào trường giáo dưỡng.

Cụ thể, Khoản 1 Điều 92 quy định, đối tượng bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: “Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự”.

Như vậy, theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính thì hành vi giết người của người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi và các hành vi quy định của người chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thì bắt buộc phải áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng.

Trong thời gian bị áp dụng biện pháp hành chính là đưa vào trường giáo dưỡng, người dưới 18 tuổi sẽ được học văn hóa, giáo dục hướng nghiệp, học nghề, đọc báo, chơi thể thao, văn nghệ, xem truyền hình… và phải tham gia lao động do trường tổ chức.

Khi đó, nhà trường sẽ sắp xếp công việc phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe để bảo đảm sự phát triển bình thường về thể chất, không bố trí công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại cho những người này.

Đối với vụ việc trên, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ ngoài hai cháu bé dưới 14 tuổi thực hiện hành vi giết người thì còn người nào đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự có liên quan đến hành vi giết người này hay không.

Trong trường hợp kết quả xác minh, điều tra cuối cùng không chứng minh được người đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện hành vi giết người thì cơ quan điều tra sẽ không xử lý hình sự. Cháu bé 13 tuổi có thể bị áp dụng biện pháp hành chính là đưa vào trường giáo dưỡng.

Sớm hoàn thiện luật liên quan người chưa thành niên
Trước đó, ngày 27-29/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, góp ý về dự thảo luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Ngay sau Kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã chủ trì, phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, liên tục với cơ quan chủ trì soạn thảo là Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), các bộ, ngành có liên quan; đã tổ chức 2 tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan tư pháp tại TP Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh (là 2 địa phương có số lượng án lớn về người chưa thành niên) để hoàn chỉnh dự thảo Luật.

“Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này. Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với TAND tối cao và các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh hồ sơ trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Hồ sơ gửi tới các đại biểu gồm có 6 loại tài liệu, với tổng cộng hơn 300 trang”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Nhấn mạnh đây là dự án Luật mới, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc đối với người chưa thành niên (NCTN) phạm tội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tham gia đóng góp ý kiến vào 10 vấn đề lớn trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên để nâng cao hơn nữa chất lượng của dự án Luật này.

Đề cập về điều kiện cơ sở vật chất của trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho NCTN trong trại giam quy định tại Điều 155, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, qua nghiên cứu Báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật, không nhất thiết phải xây dựng, thành lập trại giam riêng.

“Vì dự thảo Luật hiện đã thống nhất xử lý chuyển hướng, nghĩa là những NCTN phạm tội sẽ áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng chứ không ở trong trại giam, NCTN phạm tội có thể ở trường giáo dưỡng…, trong khi số lượng NCTN phạm tội không nhiều. Nếu xây dựng trại giam riêng thì rất tốn kém”, đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đối với NCTN phạm tội cần được giam giữ riêng với những người trưởng thành, do đó cần có phân trại dành riêng cho NCTN thì phù hợp hơn với điều kiện hiện nay, và không nên xây dựng trại giam riêng.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) góp ý ề việc bảo đảm thi hành án phạt tù, Khoản 3 Điều 19 dự thảo quy định: "Người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam". Theo đại biểu, việc giam giữ riêng người chưa thành niên chấp hành án phạt tù là cần thiết và nhất quán với các quy định pháp luật liên quan trong hệ thống pháp luật hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cần xem xét tính toán đến nguồn lực để thực hiện được quy định này, tránh trường hợp như hiện nay, trong một số lĩnh vực, mặc dù đã có những quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhưng trên thực tế, hệ thống cơ sở vật chất không đảm bảo, gây khó khăn cho các cơ quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ…

Ngoài ra, đối với việc thi hành án phạt tù của người chưa thành niên, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: "Ưu tiên cho người chưa thành niên chấp hành án phạt tù tại cơ sở giam giữ gần gia đình, địa phương cư trú". Theo đại biểu, điều này thể hiện tính nhân văn, tạo điều kiện cho gia đình thăm nom, gặp gỡ, động viên người chưa thành niên phạm tội, góp phần cải thiện tâm lý của người chưa thành niên theo hướng tích cực.

Về quyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên là bị hại, người làm chứng, dự thảo Luật quy định quyền "được đảm bảo giữ bí mật cá nhân trong suốt quá trình giải quyết vụ việc, vụ án". Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, các thông tin bí mật cá nhân của người chưa thành niên là người bị hại, người làm chứng không chỉ cần được đảm bảo giữ bí mật trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án mà còn cần được đảm bảo giữ bí mật cả sau khi giải quyết vụ việc, vụ án. Vì vậy, đề nghị sửa lại Khoản 6, Điều 22 dự thảo Luật như sau: "được đảm bảo giữ bí mật cá nhân trong và sau quá trình giải quyết vụ việc, vụ án".

dai-bieu-ma-thi-thuy-plpt-0811-1725021266.jpg

Đại biểu Ma Thị Thuý, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) đánh giá, việc quy định xử lý chuyển hướng như trong dự thảo Luật thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với người chưa thành niên. Bởi ở độ tuổi dưới 18 thì cả về thể chất, nhận thức, kiến thức, tâm lý của người chưa thành niên đều chưa phát triển toàn diện, dễ bị thay đổi, tác động do môi trường giáo dục gia đình, tác động ngoài xã hội từ bạn bè, mạng xã hội… nên chưa nhận thức rõ về hành vi phạm tội của bản thân.

Việc xử lý chuyển hướng tạo cơ hội cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật nhìn nhận lại và chịu trách nhiệm đối với những hành vi vi phạm mà mình đã thực hiện, mà không để lại án tích. Vì thế giúp ngăn ngừa sự miệt thị của xã hội đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như các hậu quả bất lợi của việc bị đưa ra xử lý theo hệ thống tư pháp hình sự.

Điều 36, dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên phạm tội quy định 12 biện pháp xử lý chuyển hướng:

1. Khiển trách.

2. Xin lỗi bị hại.

3. Bồi thường thiệt hại.

4. Giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

5. Quản thúc tại gia đình.

6. Hạn chế khung giờ đi lại.

7. Cấm tiếp xúc với người có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.

8. Cấm đến địa điểm có nguy cơ dẫn đến người chưa thành niên phạm tội mới.

9. Tham gia chương trình học tập, dạy nghề.

10. Tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý.

11. Thực hiện công việc phục vụ cộng đồng.

12. Giáo dục tại trường giáo dưỡng.