Góc nhìn pháp lý vụ ép tài xế quỳ xin lỗi sau va chạm giao thông

Hành vi đập vỡ kính ô tô của người va chạm giao thông rồi ép tài xế quỳ xin lỗi sẽ được các luật sư phân tích dưới góc nhìn pháp lý.

Tối 11/8, Trần Tấn Phong (46 tuổi) bị Công an TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) tạm giữ để điều tra về hành vi gây rối trật tự công cộng liên quan đến vụ việc đập vỡ kính ô tô của người va chạm giao thông rồi ép tài xế quỳ xin lỗi.

Theo thông tin ban đầu, khoảng 12h45 cùng ngày 11/8, Trần Tấn Phong lái ô tô BKS 61A-901... đi trên đường Nguyễn Chí Thanh và rẽ trái vào đường Lê Chí Dân, phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một.

Cho rằng anh P.T.S. (SN 1997) điều khiển ô tô đã cản trở Phong qua đường nên Phong tăng ga đuổi theo nhiều lần, chạy vượt lên phía trước đầu xe của anh S.

Sau đó, Phong nhặt khúc xương dài khoảng 30 cm trên vỉa hè và xông tới đập vỡ cửa kính ô tô của anh S. Khi anh S. bước ra khỏi xe, Phong dùng tay nắm tóc và cầm khúc xương hù dọa, định đánh thì được người dân xung quanh đến can ngăn.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của Trần Tấn Phong đã gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội có dấu hiệu phạm vào tội "Gây rối trật tự công cộng"; "Cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Làm nhục người khác".

Đối với hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản và làm nhục người khác, Cơ quan CSĐT Công an TP Thủ Dầu Một đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hành vi ép tài xế quỳ xin lỗi bị xử lý ra sao?
Liên quan tới vụ việc ép tài xế quỳ xin lỗi trên, PV Pháp luật và Phát triển đã có cuộc trao đổi với một số chuyên gia pháp lý để nhìn nhận vấn đề trên phương diện pháp luật.

cd-8444jpg-1723437824.jpg

Trần Tấn Phong - đối tượng có hành vi ép tài xế quỳ xin lỗi sau va chạm giao thông.

Luật sư Lê Văn Kiên - Trưởng văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý - phân tích, gây mất trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân. Người có hành vi gây mất trật tự công cộng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

lekien-2-1004-1723513693.jpg

Luật sư Lê Văn Kiên phân tích về vụ việc ép tài xế quỳ xin lỗi tại Bình Dương.

Theo luật sư Kiên, tội "Gây rối trật tự công cộng" được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt như sau:

Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc đã bị kết án về tội gây rối trật tự công cộng, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: Có tổ chức; Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng; Xúi giục người khác gây rối; Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; Tái phạm nguy hiểm.

Luật sư kiên cho rằng, xét cụ thể trường hợp của ông Trần Tấn Phong, người này đã có hành vi dùng khúc xương bò đập vỡ cửa kính ô tô, đe dọa và bắt nạn nhân quỳ xin lỗi… Vì vậy, việc Công an TP Thủ Dầu Một tạm giữ nghi phạm để tiếp tục điều tra là hoàn toàn có cơ sơ.

Đề cập sâu hơn về hành vi đập cửa kính tô tô, đe dọa và ép tài xế quỳ xin lỗi của Trần Tấn Phong, luật sư Kiên đồng tình với việc cơ quan chức năng điều tra thêm 2 tội danh "Cố ý làm hư hỏng tài sản" và "Làm nhục người khác”.

Với tội "Cố ý làm hư hỏng tài sản", Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017 tại các Khoản 1, 2, 3 và 4) quy định tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" như sau:

1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;

đ) Tài sản là di vật, cổ vật.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

c) Tài sản là bảo vật quốc gia;

d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Để che giấu tội phạm khác;

e) Vì lý do công vụ của người bị hại;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Về tội "Làm nhục người khác", Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định như sau:

Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: Phạm tội 02 lần trở lên; Đối với 02 người trở lên; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Đối với người đang thi hành công vụ; Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình; Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Làm nạn nhân tự sát.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Kiên nhấn mạnh, cấu thành tội phạm của tội "Làm nhục người khác" theo Điều 155 Bộ luật Hình sự cũng được quy định rất rõ. Theo đó, mặt khách quan của tội danh này được thể hiện thông qua hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác. Các hành vi có thể thể hiện bằng lời nói hoặc hành động nhằm hạ thấp nhân cách, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác. Chẳng hạn thể hiện bằng lời nói như: sỉ nhục, chửi bới một cách thô bỉ, tục tĩu…

Ngoài ra, mặt khách quan của tội danh này còn thể hiện qua hành động như: Lột trần truồng nạn nhân, bắt quỳ, nhổ nước bọt vào mặt, ném phân, mắm tôm, trứng thối vào người khác...

Luật sư Kiên cũng lưu ý, người phạm tội làm nhục người khác theo Khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị hại có yêu cầu khởi tố hình sự.