Báo Tiền phong điện tử ngày 15/9/2021 có bài “Chặn đường, ép lái xe trên cao tốc về Hà Nội phải đi vòng trả phí” phản ánh liên quan đến việc thu phí trên đường cao tốc, Báo Vietnamnet điện tử ngày 15/9/2021 có bài viết "43 triệu lượt người bị tước mất cơ hội bay giá rẻ"và Báo VnExpress điện tử ngày 14/9/2021 có bài viết “Hệ lụy giá sàn” phản ánh liên quan đến đề xuất giá sàn vé máy bay.
Theo phản ánh, cao tốc Lào Cai-Nội Bài là một trong những cao tốc có trạm thu phí bị yêu cầu dừng hoạt động khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, lẽ ra phương tiện, chủ yếu là xe chở hàng đi theo luồng xanh qua trạm thu phí cao tốc Lào Cai-Nội Bài ở phía đầu Hà Nội được miễn phí. Tuy nhiên, để không bị thất thu đối với toàn bộ phương tiện từ hướng Lào Cai chạy về Hà Nội, trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhà đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam-VEC đã cho “chặn” toàn bộ chiều đường chạy về Hà Nội tại đoạn qua cầu vượt Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).
Tại đây, để tiếp tục hành trình về Hà Nội, phương tiện được yêu cầu đi vào tỉnh lộ 310 (Vĩnh Phúc) và thực hiện thanh toán phí trạm IC3, sau đó được hướng dẫn vòng trở lại cao tốc để chạy về hướng Hà Nội.
Cũng theo phản ánh, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất áp giá sàn vé máy bay nội địa. Theo đó, giá vé máy bay tối thiểu sẽ bằng 20% mức giá tối đa quy định cho các chuyến bay từ 1/11/2021 đến hết tháng 10/2022. Các đường bay dưới 500 km, mức giá tối thiểu là 320.000 đồng/vé; các đường bay từ 500-850 km trở lên, mức giá tối thiểu là 440.000 đồng… Nếu chính sách khung giá này được thông qua, các hãng hàng không sẽ không thể tung ra những chương trình với giá vé máy bay siêu rẻ hoặc thậm chí 0 đồng mà phải tuân theo mức giá sàn này. Như vậy, hành khách sẽ không được lợi từ các chương trình giảm giá vé.
Về các phản ánh trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo xử lý.