Asanzo bị cưỡng chế thuế vì nợ quá hạn 47 tỷ đồng

Mai Hoàng

26/12/2022 08:53

Theo dõi trên

Mới đây, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư – Cục Hải quan TP HCM đã ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty CP Tập đoàn Asanzo (Asanzo) với số tiền cưỡng chế hơn 47 tỷ đồng.

Cụ thể, Asanzo đã nợ thuế số tiền 47,11 tỷ đồng quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp theo quy định. Do vậy, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư quyết định cưỡng chế Asanzo bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu để Công ty hoàn thành nghĩa vụ với cơ quan thuế.

Quyết định có hiệu lực thi hành trong thời hạn 01 năm kể từ ngày 19/12/2022 cho đến khi Asanzo nộp đủ tiền nợ thuế vào Ngân sách Nhà nước.

a1-1671966374.jpg

Asanzo nợ thuế quá hạn số tiền 47,11 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty CP Tập đoàn Asanzo ra đời từ cuối năm 2013 với số vốn điều lệ 400 tỉ đồng, được điều hành bởi ông Phạm Văn Tam (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc). Ông Tam còn được biết đến với biệt danh “Shark Tam” vì đã tham gia vào show truyền hình thực tế Shark Tank 2019.

Asazon được thành lập với mục tiêu xác định phân khúc thị trường riêng bằng việc sản xuất tivi giá rẻ có màn hình nhỏ, tập trung phục vụ khu vực nông thôn. Công ty hiện có trụ sở và nhà máy ở TP HCM chuyên về ngành hàng điện tử, gia dụng với danh mục hàng loạt sản phẩm bán trên thị trường từ TV, điều hòa, smartphone cho đến bình đun nước, nồi cơm điện, lò nướng…

Năm 2019, Asazon vướng phải lùm xùm có nhiều dấu hiệu vi phạm về sở hữu công nghiệp, giả mạo xuất xứ hàng hóa, lừa dối người tiêu dùng và trốn thuế.

Theo thông từ Tổng cục Hải quan cho biết: Qua công tác kiểm tra giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan phát hiện một số container khai báo hàng hóa nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo có xuất xứ MADE IN CHINA, có yếu tố xâm phạm nhãn hiệu Asano đã được bảo hộ của Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Đông Phương.

Theo số liệu kiểm tra, xác minh của Tổng cục Quản lý thị trường cho thấy tỷ lệ nguyên vật liệu chính/chi phí giá thành chiếm 98% - 99%, giá trị gia tăng tạo ra sau quá trình lắp ráp rất thấp – chỉ chiếm 1 – 2% trong tổng chi phí giá thành sản phẩm. Trong khi đó, mặt hàng tivi xuất khẩu mang nhãn hiệu Asanzo chỉ thực hiện lắp ráp đơn giản, các bộ phận của sản phẩm để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh thì không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định hiện hành và có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

a2-1671966375.jpg

Asanzo dính nghi án hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam.

Về việc Asanzo sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” trong hoạt động quảng cáo và in trên bao bì nhiều sản phẩm, Bộ Khoa học công nghệ cho biết, không nhận được và không xử lý bất kỳ hồ sơ nào đăng ký chuyển giao công nghệ liên quan đến Asanzo và các công ty có liên quan. Như vậy, hành vi của Asanzo là hành vi lừa dối người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Thanh tra Cục thuế TP HCM đã tiến hành thanh tra Asanzo, thời kỳ từ năm 2016 – 07/2019. Kết quả thanh tra cho thấy Asanzo và các đơn vị liên quan có dấu hiệu trốn thuế số tiền gần 14 tỷ đồng bao gồm: thuế tiêu thụ đặc biệt 9,79 tỷ đồng, thuế GTGT 4,19 tỷ đồng.

Cụ thể, Asanzo đã thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên công ty đứng tên để các công ty này nhập hàng về bán lại cho Asanzo; Mua linh kiện điện lạnh từ các Công ty Trần Thoàn, Công ty Việt Tài, Công ty An Thiên về thuê gia công lại một phần rồi lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo và bán cho doanh nghiệp cũng thuộc Tập đoàn Asanzo; Mua linh kiện nhưng lại ghi nội dung hóa đơn là "mặt hàng thành phẩm" để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn... Đối với hành vi sử dụng hóa đơn đầu vào có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch được xác định có mục đích trốn thuế.

Với những sai phạm đã nêu, Cục thuế TP HCM đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Asanzo. Sau đó, cơ quan đã chuyển hồ sơ vi phạm đến Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC03), Công an TP HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong ngày 19/12, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư đã công bố 07 quyết định cưỡng chế bằng biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của 07 doanh nghiệp nợ thuế quá hạn, nợ thuế có hành vi phát tán tài sản/bỏ trốn. Tổng số tiền cưỡng chế lên đến 165 tỷ đồng.

Trong đó, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Địa ốc Trường Thịnh Phát nợ 97 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Asanzo nợ 47 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải biển Khai Nguyên nợ 14 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Thu Đại Việt nợ 3,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Dormer Technology Services Việt Nam nợ 1,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Trường Thông nợ 1,5 tỷ đồng và Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Hoàng Phú Thịnh nợ 500 triệu đồng.

Bạn đang đọc bài viết "Asanzo bị cưỡng chế thuế vì nợ quá hạn 47 tỷ đồng" tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com