Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) mới đây đã có phản hồi về đề xuất đưa sân bay Gò Găng vào quy hoạch hệ thống cảng hàng không của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Nguy cơ chồng lấn vùng trời với 2 sân bay quốc tế
Theo Bộ GTVT, quá trình nghiên cứu Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, cơ quan ước tính nhu cầu vận chuyển hàng không tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (không bao gồm cảng hàng không Côn Đảo) tương đối cao, cụ thể giai đoạn đến năm 2030 ước khoảng 14,7 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến năm 2050 ước khoảng 28,6 triệu hành khách/năm.
Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải khu vực tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như vị trí dự kiến bố trí cảng hàng không Vũng Tàu (tại Gò Găng) rất gần với cảng hàng không quốc tế Long Thành, vì vậy các đơn vị chuyên ngành hàng không đã rà soát, nghiên cứu tổng thể về phương thức bay, tổ chức vùng trời, hiệu quả đầu tư để đánh giá khả năng hình thành cảng hàng không.
Kết quả cho thấy, theo đường chim bay, vị trí sân bay Gò Găng cách cảng hàng không quốc tế Long Thành khoảng 39km, cách cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 66km.
Trường hợp quy hoạch sân bay Gò Găng thành cảng hàng không dân dụng sẽ xảy ra nguy cơ chồng lần vùng trời của cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Hiện nay, khi cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa đưa vào khai thác, khu vực vùng trời xung quanh sân bay Gò Găng là vùng bay chờ của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, tập trung mật độ lớn tàu bay dân dụng khu vực này.
Như vậy, việc khai thác hàng không dân dụng tại Gò Găng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng lực khai thác, điều hành bay và công suất của các cảng hàng không quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất; ảnh hưởng tới hiệu quả đầu tư của các dự án đang được triển khai.
Chỉ mất 1 giờ đồng hồ từ Vũng Tàu tới sân bay Long Thành
Theo đường bộ, Gò Găng cách Long Thành khoảng 45 km nên 99% dân số tại Bà Rịa - Vũng Tàu có thể tới đây dưới một giờ. Trong bối cảnh cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được đầu tư, sân bay Long Thành hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo Bộ GTVT, sân bay Gò Găng được hình thành với mục đích khai thác chính là hoạt động bay trực thăng, bay taxi, khai thác du lịch, dầu khí. Tính chất hoạt động khai thác hàng không này phù hợp với tính chất hoạt động hàng không chung theo mô hình sân bay chuyên dùng.
Với mô hình này, sân bay Gò Găng vẫn có thể đáp ứng nhu cầu vận tải theo như nội dung đề xuất của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, không ảnh hưởng tới phương án tổ chức vùng trời, công suất khai thác của các cảng hàng không lân cận cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án liên quan.
Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu làm việc với Bộ Quốc phòng để xác định vị trí và quy hoạch sân bay Gò Găng là sân bay chuyên dùng trong quy hoạch của tỉnh.
Thay thế sân bay Vũng Tàu
Năm 2010, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương di dời sân bay Vũng Tàu do sân bay này nằm trong khu vực trung tâm của TP. Vũng Tàu gây ảnh hưởng tới khả năng phát triển đô thị do các quy định về giới hạn, bảo đảm tĩnh không an toàn bay.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã phối hợp với Bộ GTVT báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương di dời sân bay Vũng Tàu về Gò Găng và triển khai lập quy hoạch xây dựng mới sân bay tại Gò Găng.
Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, vào tháng 8/2015, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất, sân bay Vũng Tàu tại Gò Găng được xác định đạt quy mô cấp 3C và có tính chất là sân bay chuyên dùng.
Đề xuất khai thác lưỡng dụng
Tháng 2/2023, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã văn bản Bộ GTVT đề xuất xem xét khả năng đưa sân bay Gò Găng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, sân bay này sẽ có chức năng khai thác, hoạt động là cảng hàng không lưỡng dụng phục vụ vận chuyển hàng không nội địa, hoạt động bay trực thăng bay taxi, khai thác du lịch, dầu khí được đầu tư xây dựng mới tại khu vực Gò Găng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.