Các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo 138 Thành phố, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động của Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện, thị xã đã có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan, vận dụng sáng tạo, phù hợp với tình hình, đặc điểm địa bàn; triển khai được nhiều giải pháp mới, đồng bộ, đạt hiệu quả cao. Phong trào bảo vệ ANTQ trên địa bàn tiếp tục được duy trì và phát triển. Các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, Ban Chỉ đạo 138 các cấp đã tổ chức hàng trăm cuộc tọa đàm, hội nghị, hội thảo, buổi nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền cá biệt... nhằm tuyên truyền các kiến thức pháp luật, phương thức thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, vận động người dân tham gia tố giác tội phạm.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng các mô hình, lực lượng nòng cốt thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tổ chức thực hiện hiệu quả "Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ"; triển khai thực hiện mô hình “Dân vận khéo". Công an Thành phố cũng đã tham mưu triển khai xây dựng thí điểm 26 Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị năm 2023.
Đặc biệt, lực lượng Công an Thủ đô đã tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ công nòng cốt trong công tác phòng, chống tội phạm; triển khai đồng bộ, toàn diện các biện pháp, giải pháp trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm và tệ nạn xã hội nên chất lượng, hiệu quả các mặt công tác đã đạt các mục tiêu, tiến độ chỉ tiêu đề ra trong năm 2023.
Cụ thể, Công an Thành phố đã kiềm chế, kéo giảm số vụ tội phạm về trật tự xã hội so với cùng kỳ năm 2022 (phát hiện 1.840 vụ, giảm 76 vụ). Hầu hết các loại tội phạm đều giảm cả về số vụ việc và tính chất nghiêm trọng, như: cưỡng đoạt tài sản (giảm 24%); giao cấu, dâm ô với người dưới 16 tuổi (giảm 31,8%); mua bán người (giảm 50%); cố ý gây thương tích (giảm 16,4%); cướp giật tài sản (giảm 12,4%); trộm cắp tài sản (giảm 1,6%); lừa đảo chiếm đoạt tài sản (giảm 9,4%)...
Kết quả điều tra khám phá chung của tội phạm về trật tự xã hội, khám phá án đặc biệt nghiêm trọng đạt cao và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 96 ngày 27/11/2019 của Quốc hội đề ra: đã điều tra, khám phá 1.670 vụ, 3.976 đối tượng, đạt 90,7% (vượt 15,7% so với Nghị quyết 96 đề ra); trong đó, có 166 vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, bắt 312 đối tượng, đạt 98,8% (vượt 8,8% so với Nghị quyết 96 đề ra).
Điều tra khám phá nhanh các vụ án nghiêm trọng, triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm; không để các ổ nhóm tội phạm hình sự, tệ nạn xã hội, tội phạm có tổ chức hoạt động lộng hành, kéo dài; không để tồn tại các tụ điểm về tệ nạn xã hội gây nhức nhối trong dư luận...
Kết quả điều tra khám phá án kinh tế, ma túy, môi trường, công nghệ cao đều đạt kết quả cao, đảm bảo mục tiêu, tiến độ, chỉ tiêu đề ra, trong đó đã phát hiện, điều tra khám phá nhiều vụ án gây được tiếng vang, được các cấp, các ngành ghi nhận, khen thưởng.
Công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư, tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác giải quyết án đảm bảo chất lượng, thời gian, tiến độ đề ra. Chấp hành nghiêm pháp luật trong công tác bắt, giam, giữ, xử lý tội phạm và vi phạm, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Công an Thành phố cũng đã chỉ đạo, điều hành đổi mới phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành, tổ chức các chuyên đề chuyên sâu tạo được sự chuyển biến tích cực về TTATGT, TTĐT được dư luận đánh giá cao.
Tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2022 (số vụ, số người chết và số người bị thương), ùn tắc giao thông giảm, trật tự đô thị có nhiều chuyển biến tích cực, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện trái phép giảm rõ rệt.
Tăng cường phòng, chống tội phạm bằng công nghệ hiện đại
Về các công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, Ban Chỉ đạo 138/TP yêu cầu Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện, thị xã tiếp tục tham mưu, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; trọng tâm là Kết luận số 13-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khóa X về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới"; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023.
Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa xã hội, tập trung vào công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở, trên Internet..., trong đó, chú trọng kiến thức nhận diện tội phạm, cập nhật phương thức thủ đoạn hoạt động phạm tội mới, tập trung vào các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tuyên truyền, biểu dương kịp thời các gương người tốt, việc tốt, đi đôi với phê phán, lên án và xử lý kịp thời các hành vi cố ý vi phạm, coi thường pháp luật.
Xây dựng, phát triển phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ theo hướng xã hội hóa, lấy phương châm tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT đến tận cơ sở. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Xây dựng 26 Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh trật tự và văn minh đô thị năm 2023 đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm giảm các loại tội phạm và tệ nạn xã hội. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, khai thác, phát huy tối đa giá trị, hiệu quả của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD để chuyển đổi phương thức quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý xã hội; tập trung thực hiện Đề án 06 của Chính phủ phục vụ xây dựng, hoạch định chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên cơ sở kết nối dữ liệu, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại.
Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quản lý các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự... Chủ động phối hợp, triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đảm bảo TTATGT, TTĐT, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...
Tại Hội nghị, các đơn vị đã tham luận về việc đấu tranh phòng ngừa vi phạm pháp luật với thanh thiếu niên; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng; công tác quản lý, đào tạo, dạy nghề cho học viên ở cơ sở cai nghiện của Thành phố; vướng mắc trong việc công bố các cơ sở xác định tình trạng nghiện ma túy, kinh phí xác định tình trạng nghiện ma túy; đánh giá toàn diện công tác phòng chống HIV/AIDS; hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở… Thay mặt Ban Chỉ đạo 138 Thành phố, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Thành phố đã trả lời rõ các vấn đề cụ thể, phương hướng xử lý, trách nhiệm rõ từng đơn vị, cách phối hợp, thời hạn triển khai.
Thành lập 2 Ban Chỉ đạo mới chuyên sâu về phòng chống tội phạm
Tại Hội nghị, UBND Thành phố cũng công bố quyết định thành lập 2 Ban Chỉ đạo mới tách ra từ Ban Chỉ đạo 138 Thành phố gồm: Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm và Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thành phố Hà Nội và Ban Chỉ đạo Phòng, chống AIDS và Phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn là Trưởng 2 Ban Chỉ đạo này.
Việc thành lập 2 Ban Chỉ đạo nêu trên dựa trên căn cứ thực tiễn, nhằm tăng cường công tác chuyên môn hóa, tập trung cho từng lĩnh vực chuyên sâu bảo đảm hiệu quả hoạt động của các mô hình Ban Chỉ đạo của Thành phố.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đánh giá cao các báo cáo, tham luận tại hội nghị khi đã chỉ rõ thực trạng và các giải pháp khắc phục. Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố yêu cầu sớm hoàn thiện, ban hành quy chế phối hợp toàn diện giữa Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế với Công an Thành phố về việc xác định tình trạng nghiện ma túy. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, phòng, chống tội phạm, HIV/AIDS. Đồng chí Lê Hồng Sơn yêu cầu các sở, ngành tham mưu tổ chức Hội thi “Tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện xã, phường, thị trấn tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy năm 2021” trên địa bàn Thành phố năm 2023.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố cũng giao Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị xã căn cứ theo mô hình Ban Chỉ đạo Thành phố, thực hiện kiện toàn mô hình hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp mình sao cho phù hợp, hiệu quả. Các địa phương phải tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội năm 2023” để bảo đảm 100% địa bàn chuyển hóa thành công trong năm 2023; tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên các cơ sở kinh doanh dịch vụ, có điều kiện nhạy cảm về an ninh trật tự kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; thực hiện hiệu quả công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.