Tuy vậy, tranh cổ động, khẩu hiệu, áp phích, băng rôn tuyên truyền chỉ có giá trị thiết thực khi bảo đảm sự hài hòa cả nội dung và hình thức, đồng thời có ý nghĩa khơi gợi, lôi cuốn các đối tượng tiếp nhận.
1. Lặp từ, thừa chữ, sáo rỗng
Địa bàn có nhiều khẩu hiệu, áp phích, tranh vẽ là khu vực nông thôn, trong đó có nhiều khẩu hiệu, tranh vẽ tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Không ai phủ nhận những khẩu hiệu, áp phích, bích họa mang ý nghĩa tích cực trong việc động viên, khích lệ người dân hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm thay đổi không gian, cảnh quan ở khắp các làng quê trên mọi miền đất nước.
Tuy nhiên, có những khẩu hiệu chưa hay, chưa chặt chẽ. Ví như câu khẩu hiệu: “Chung sức xây dựng nông thôn mới, góp sức thay đổi diện mạo quê hương”. Thật ra, bản thân câu khẩu hiệu này không sai, nhưng sử dụng từ “chung sức”, “góp sức” là trùng lặp. Đề cập đến những khẩu hiệu còn chung chung, người lãnh đạo cao nhất ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở nước ta trong một hội nghị mới đây cho rằng: “Trong xây dựng nông thôn mới phải tránh khẩu hiệu sáo rỗng. Chẳng hạn khẩu hiệu: “Chung tay góp sức làm thay đổi diện mạo nông thôn”, cụm từ này chưa diễn tả hết ý nghĩa; diện mạo là bề ngoài, là những gì nhìn thấy được, nhưng chưa đi vào chiều sâu, về bản sắc nông thôn và những giá trị của nông thôn”.
Ở một xã nông thôn mới xuất hiện bức tranh cổ động vẽ cảnh làng quê, nhà văn hóa và nổi bật là hình ảnh một gia đình có 6 nhân vật (ông bà, bố mẹ và hai trẻ em) đều toát lên niềm hân hoan, hạnh phúc. Bên trên bức tranh có dòng chữ to đậm: “Gia đình văn hóa đoàn kết xây dựng nông thôn mới”. Thực ra câu khẩu hiệu này không hẳn sai, song thừa từ, tối nghĩa.
Bởi theo tiêu chuẩn của danh hiệu “Gia đình văn hóa” đã có các tiêu chí: “Tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương nơi cư trú; gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ” (quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 17-9-2018 về xét tặng danh hiệu ''Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa”).
Như vậy “Gia đình văn hóa” đã hàm chứa sự hòa thuận, trên dưới một lòng thì không nhất thiết phải thêm từ “đoàn kết”.
2. Duy trì khẩu hiệu cũ, không phù hợp thời điểm
Viết khẩu hiệu cũng phải quan tâm coi trọng tính lịch sử, tính thời điểm của nó. Một số nơi hiện nay vẫn duy trì khẩu hiệu “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Khẩu hiệu này chỉ phù hợp với giai đoạn 2006-2016.
Còn từ giữa năm 2016 đến nay, cần phải viết, duy trì khẩu hiệu “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để phù hợp với tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Vì nội hàm câu khẩu hiệu này toàn diện hơn, ý nghĩa sâu sắc hơn. Trong giai đoạn đầu, Đảng ta phát động cuộc vận động với mong muốn toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực của Bác, nhằm góp phần làm chuyển biến văn hóa đạo đức trong Đảng, trong xã hội và trong mỗi cơ quan, đơn vị. Sau 10 năm thực hiện, Đảng ta nhấn mạnh, bên cạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta cần quán triệt, thấm nhuần và làm theo tư tưởng, phong cách của Người, qua đó góp phần hình thành, xây dựng, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam thấm đẫm những giá trị đặc trưng của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3. Ghi sai thời gian và nội dung sự kiện
Trong dịp kỷ niệm hai ngày lễ lớn liền nhau là Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5), một cây xăng ở tỉnh Bắc Giang treo tấm băng rôn đỏ với dòng chữ vàng nổi bật “Chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô (30-4) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5)”.
Trước đó, dư luận cũng xôn xao về tấm áp phích tuyên truyền ghi sai thời gian kỷ niệm một ngày lịch sử của đất nước. Vào ngày 7-5-2017 là kỷ niệm 63 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhưng một số tấm băng rôn ở hai xã Bảo Hòa và Suối Cát thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai lại ghi như sau: “Kỷ niệm 42 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2017).
Việc ghi sai nội dung sự kiện, sai thời gian diễn ra kỷ niệm những ngày lễ lớn của dân tộc không chỉ thể hiện sự cẩu thả của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền ở một số nơi mà còn cho thấy sự thiếu sâu sát trong công tác quản lý của cơ quan chức năng sở tại. Những thông tin sai như vậy khiến người dân hiểu không đúng về sự kiện lịch sử, từ đó làm giảm giá trị, ý nghĩa của công tác tuyên truyền về những ngày lễ quan trọng của đất nước.