BIDV và Argibank đã bắt đầu cho vay gói nhà xã hội 120 nghìn tỷ

Chia sẻ tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vào ngày 4/7, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng BIDV và Argibank đã bắt đầu thực hiện cho vay trong gói 120 nghìn tỷ đồng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện nay NHNN đã nhận được ba công văn công bố 15 dự án của ba tỉnh Bắc Giang, Trà Vinh và Tây Ninh. Trong đó năm dự án đã được cấp phép xây dựng.

Ngoài ra có ba địa phương Bình Định, Phú Thọ và Bà Rịa-Vũng Tàu đã công bố chín dự án, các tổ chức tín dụng tại các địa phương cấp phép cho các dự án cũng đã sẵn sàng. Ngân hàng BIDV và Argibank cũng đã bắt đầu thực hiện cho vay trong gói 120 nghìn tỷ đồng.

ba-nguyen-thi-hong-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-viet-nam-pld-1688547776.jpeg
Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ảnh: VGP

Liên quan đến gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, mới đây Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đã nhận được sáu đề nghị của các chủ đầu tư về việc vay vốn trong gói tín dụng này.

Trong sáu dự án này có ba dự án nhà ở xã hội gồm khu nhà ở xã hội thuộc giai đoạn 2 của dự án Nguyên Sơn (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh - Block C) do Công ty Cổ phần Bất động sản Nguyên Sơn làm chủ đầu tư. Dự án nhà ở xã hội tại địa chỉ 324 đường Lý Thường Kiệt (phường 14, quận 10) do Công ty Cổ phần Đức Mạnh làm chủ đầu tư. Dự án khu nhà ở phường Long Trường (TP.Thủ Đức) do Công ty TNHH Xây dựng và kinh doanh nhà Điền Phúc Thành làm chủ đầu tư. 

Một dự án nhà cho công nhân thuê tại Cụm công nghiệp Q.2 (phường Thạnh Mỹ Lợi, TP.Thủ Đức) do Công ty Cổ phần Thu Thiem Group làm chủ đầu tư. 

Hai dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư đăng ký vay hơn 1.100 tỷ đồng gồm: Dự án xây dựng mới chung cư 350 Hoàng Văn Thụ (phường 4, Q.Tân Bình) do Công ty Cổ phần Đức Khải Tân Bình làm chủ đầu tư và dự án khu dân cư trung tâm Sài Gòn (tại 23 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, Q.1) do Công ty Cổ phần Địa ốc Downtown làm chủ đầu tư.

Tại hội nghị, người đứng đầu ngành ngân hàng cho biết tính đến hết tháng 5, tín dụng chảy vào kinh doanh bất động sản tăng 14% so với đầu năm. Đây là mốc tăng trưởng cao cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đang phát huy tác dụng.

Ngược lại, tín dụng cho tiêu dùng bất động sản đang giảm 1,32% trong khi cùng kỳ năm ngoái tăng 15% cho thấy thời điểm hiện tại nhà đầu tư bất động sản cá nhân và người mua nhà tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng đầu tư.

Vừa qua, NHNN đã hạ lãi suất ba lần trở về mức lãi suất trước đại dịch Covid-19 trong bối cảnh thế giới đang ở mức lãi suất cao. Đồng thời, NHNN cũng đã yêu cầu tất cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng rà soát tất cả hồ sơ để giảm thiểu thủ tục cho vay.

Thống đốc cho rằng, tăng trưởng kinh tế quý 2 cải thiện nhờ khu vực thương mại và dịch vụ (chiếm đến 65% GDP) cho thấy đây là hướng đi rất cần thiết cần tiếp tục trong bối cảnh cầu nước ngoài còn yếu.

Về việc tăng tiếp cận tín dụng, bên cạnh việc NHNN duy trì thanh khoản tốt, bà Hồng đề xuất những giải pháp khác như: Cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp, cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng thông qua bảo lãnh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy đầu tư công để tạo sự lan toả. Riêng về bất động sản, cần cải thiện vấn đề về giá và điều kiện pháp lý.

“Đối với kiến nghị của Bắc Giang và Cà Mau về việc doanh nghiệp bị từ chối cho vay, chúng tôi rất mong các địa phương nêu rõ doanh nghiệp nào không vay được để NHNN yêu cầu Giám đốc Ngân hàng đó làm việc rõ với doanh nghiệp, nói rõ vì sao doanh nghiệp lại không vay được vốn”, bà Hồng đề nghị.