Bỉm Sơn – Thanh Hóa: Xúc đất nông trường đổ vào kho chứa nhà máy gạch

Thời gian qua, người dân sinh sống tại phường Đông Sơn, TX. Bỉm Sơn bức xúc trước việc khói bụi từ nhà máy gạch Long Thành thường xuyên bay sang nhà các hộ dân, gây khó thở và ô nhiễm môi trường không khí. Con đường đi chung đang thẳng, bỗng nắn đường để nhường đất cho nhà máy. “Táo tợn” nhất là những vạt đồi vốn dĩ của nông trường Hà Trung (nay là Cty TNHH nông công nghiệp Hà Trung) đã được máy xúc kìn kìn chở vào Nhà máy với số lượng lớn
c1

Ai cho phép xúc tan những vạt đồi màu mỡ trồng cây công nghiệp ngắn ngày để biến thành nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng? 

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Huấn, sống tại tổ 2, Phường Đông Sơn bất bình cho biết: Suốt mấy năm qua, bà con nhân dân sinh sống ở đây vô cùng bức xúc cho biết: Mùa này, khói từ nhà máy gạch Long Thành bay sang rất nồng nặc, làm bà con nhân dân khó thở, mệt mỏi. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, các anh đều có ý kiến nhưng không thấy giải quyết hậu quả. Và hàng ngày người dân cứ gánh chịu. Cứ chiều quét nhà, đến sang hôm sau, sân vườn, cửa nhà đều đầy bụi. Bức xúc hơn cả, là vừa rồi nông trường lấy lại đất, rồi không hiểu sao, họ lại cho máy xúc, xúc tan tất cả mấy ha đất sét đồi để chở vào nhà máy gạch Long Thành làm nguyên liệu.

Bà con rất bức xúc vì mất đất sản xuất, nhưng chẳng biết kêu ai… ông Huấn cũng cho biết thêm, 5 năm qua, tổ 2 của ông chưa đầy 50 hộ mà có đến đến 5, 6 người chết vì ung thư như nhà anh Nguyễn Quang Vinh (có bà mẹ và con trai anh Vinh đều chết vì ung thư), rồi bà Gấm cũng chết…  Nguyên nhân từ đâu thì không dám chắc, nhưng môi trường sống bị ảnh hưởng là điều đáng báo động. Bởi vậy, ông Huấn tha thiết đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa sớm vào cuộc, điều tra làm rõ các tồn tại ở đây, lắng nghe các ý kiến người dân…

c2

Ông Trịnh Văn Huấn, người dân tổ 2, Phường Đông Sơn, TX Bỉm Sơn thẳng thắn trao đổi về những nỗi thống khổ của bà con nhân dân ở đây về nạn ô nhiễm môi trường và các hệ lụy từ Nhà máy gạch Long Thành 

Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị L, một người dân ở tổ 2 cho biết: trước đây, chúng tôi có còn đường nối thẳng ra ngoài đường chính. Nhưng khi cấp phép cho nhà máy gạch Long Thành, con đường đã bị uốn quanh vòng vo ra ngoài khu vực cắm cho nhà máy. Quyền lợi của người dân đang đi thẳng lại thành cong. Bà con kiến nghị mãi mà không được.

“Mục sở thị” tại khu đồi dứa ở đây, phóng viên được người dân cung cấp cho khá nhiều clip quay lại hàng ngày cảnh những chiếc máy xúc của Nhà máy gạch Long Thành đang hoạt động tấp nập, để xúc đất đồi, chở vào khu chứa nguyên liệu của nhà máy. Mấy chiếc ô tô hạng nặng cứ lúc ngược, lúc xuôi chạy vào rồi lại chạy ra chở đất, đã có khoảng 1 số lượng lớn đất sét đồi đã được chở vào đây.

c3

Một khối lượng lớn đất sét đã được đào xúc, trước sự làm ngơ của một số cơ quan chức năng. Vậy số lượng khoáng sản này sẽ lọt vào túi ai? 

Rộng đường dư luận, phóng viên đã liên hệ đến ông Lã Văn Duyến (tên khác là Chiến), là Giám đốc Công ty CP sản xuất và thương mại Long Thành – Chi nhánh Bỉm Sơn để làm rõ sự việc. Sau khi nghe phóng viên đặt câu hỏi về giấy phép khai thác đất, và các vấn đề liên quan khác. Ông Duyến cho biết: hiện tại mình không có ở Thanh Hóa, đang về nhà bên Hà Nam. Có gì liên hệ cung cấp thông tin sau.

Sau đó, Phóng viên tiếp tục nhận được những cuộc gọi của 1 người có tên là Chính, xưng là đại diện của nhà máy, muốn mời đi nói chuyện, uống nước. Phóng viên có đề nghị cung cấp thông tin, nếu có giấy cứ gửi qua đường công văn, hoặc chụp ảnh gửi cho phóng viên để biết xem Nhà máy có được cấp phép khai thác khoáng sản không nhưng người này không có thiện chí. Sau này tìm hiểu thêm, PV được biết: người gọi này có tên là Nguyễn Đình Chính, làm ở bộ phận tiêu thụ sản phẩm gạch của nhà máy gạch Long Thành.

c4

Cần sớm làm rõ việc có hay không tình trạng khai thác khoáng sản đất sét để làm nguyên liệu nhà máy gạch trái phép?

Trao đổi với ông Nguyễn Duy Chinh, Chủ tịch UBND Phường Đông Sơn về tình trạng khai thác khoáng sản đang diễn ra tại đây. Ông Chinh cho biết: việc khai thác này đã bị UBND Phường lập biên bản xử lý nhưng theo phân cấp nên thẩm quyền của Phường đến đâu, thì làm đến đó. Ông Chinh nhấn mạnh.

Qua điều tra, phóng viên được biết: Chủ đầu tư thật sự của Nhà máy gạch Long Thành này là Công ty CP sản xuất và thương mại Long Thành (có địa chỉ tại phố Hưng Hòa, Thị trấn Hòa Mạc, TX Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Do ông Lã Văn Duyến (1982) làm đại diện pháp luật. Năm 2017 xin chủ trương và đến 2018, nhà máy gạch Long Thành đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, kể từ lúc nhà máy đi vào hoạt động đã mang nhiều nỗi khổ cho người dân địa phương. Đường xá bị nắn, khói bụi thường xuyên bay sang khu dân cư…

Có hay không việc Nhà máy gạch Long Thành tự ý khai thác đất trái phép để chở vào kho nguyên liệu của mình làm nguồn sản xuất vật liệu xây dựng với số lượng lớn cần phải được các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa vào cuộc làm rõ. Có hay không việc bao che, dung túng, tiếp tay cho việc khai thác khoáng sản trái phép?

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh các dấu hiệu sai phạm tại đây, khi có sự phản hồi từ các cơ quan chức năng.