Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, sáng 12/11, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư. Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã tham gia giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa, khả năng giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế.
Các gói kích cầu phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách
Giải trình một số vấn đề liên quan đến chính sách tài khóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các công cụ để thực hiện chính sách tài khóa cơ bản là thuế, thu ngân sách, nợ và chi ngân sách, kết hợp chính sách tài khóa với tiền tệ.
Theo đó, về thu ngân sách, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị Chính phủ, Quốc hội thực hiện chính sách thuế như năm 2021. Ví dụ giãn, hoãn thuế như năm 2021 (hiện giãn, hoãn đến 31/12 khoảng 115.000 tỷ đồng); giảm 30 loại phí; miễn, giảm 30% thuế VAT, 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 50% thuế của hộ sản xuất kinh doanh, miễn phạt tiền chậm nộp đối với đơn vị kinh doanh thua lỗ khó khăn…
Cùng với đó, Bộ Tài chính sẽ tập trung thu trên nền tảng số và sàn thương mại điện tử, phát hành hóa đơn điện tử để tránh hóa đơn giả, hoàn thuế trục lợi, tránh trốn thuế... Thực hiện các khoản thu bất động sản, chuyển nhượng bất động sản, chống chuyển giá trốn thuế...
Về công cụ nợ, nếu tính theo GDP cũ, năm 2021 nợ công của nước ta là 56,8%, vượt ngưỡng cảnh báo 55%, đây là vấn đề cần cân nhắc. Dư nợ Chính phủ 51,5% theo GDP cũ, 40,5% theo GDP đánh giá lại; nợ công 3,75 triệu tỷ đồng, nợ Chính phủ 3,397 triệu tỷ đồng.
"Chúng tôi ủng hộ các gói kích cầu để phát triển kinh tế, nhưng các gói này phải có hiệu quả để tăng thu ngân sách, giữ được bội chi ngân sách. Tăng bội chi ngân sách 2022, 2023 nhưng giảm các năm tiếp theo và làm nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về thực hiện các gói kích cầu, theo ông Hồ Đức Phớc, nếu bỏ ra mỗi năm 20.000 tỷ đồng, hai năm 2022 - 2023 là 40.000 tỷ đồng, với lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 4% thì huy động được khoảng 1 triệu tỷ đồng đưa vào nền kinh tế. Khoản này không làm tăng bội chi ngân sách, cũng không làm tăng nợ công vì nguồn này được lấy trong nguồn đầu tư chưa phân bổ 2021 - 2025.
Bộ Tài chính tính toán một số gói như phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái bằng ngoại tệ để huy động tiền trong dân, dự tính huy động khoảng 180.000 tỷ đồng. Như vậy mỗi năm tăng bội chi ngân sách 1%.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng bày tỏ băn khoăn khi có tiền rồi, nền kinh tế có hấp thụ được không và vào lĩnh vực nào. Bộ trưởng rằng, tiền phải đổ vào các dự án đầu tư công để dẫn dắt đầu tư, tạo nên đột phá lớn để tăng trưởng. "Rõ ràng chúng ta phải chuẩn bị mới tiêu được tiền ở các gói kích cầu. Nếu chưa chuẩn bị phải chuẩn bị nhanh", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Cùng với đó, chính sách tài khóa và tiền tệ được thực hiện đồng bộ, như vay giải quyết việc làm, làm nhà ở xã hội, các vấn đề mang tính chất hỗ trợ thì tập trung vào ngân hàng chính sách xã hội. Nhưng vay để các doanh nghiệp tập trung phát triển thì thông qua kênh của ngân hàng thương mại, huy động vốn trên thị trường chứng khoán.
Về công cụ chi ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tiết kiệm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển phải có hiệu quả, nếu không sẽ sắp xếp lại, lấy từ dự án không hiệu quả để đưa vào dự án khác hiệu quả hơn. Trong dự toán phân bổ ngân sách cho các địa phương, Bộ, ngành, Bộ Tài chính đã cắt giảm 10% so với định mức Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, trong quá trình điều hành tiếp tục cắt giảm khoảng 10% nữa. Tiết kiệm 50% chi tiếp khách, công tác phí trong nước và ngoài nước. Như vậy, sẽ tiết kiệm một số khoản chi để tập trung đầu tư và chống dịch.
Cẩn trọng với lạm phát năm 2022
Giải trình trước Quốc hội và cử tri cả nước về khả năng giảm lãi suất cho vay, giải pháp của ngân hàng giúp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện chỉ đạo quyết liệt và là một trong những Bộ ngành vào cuộc trách nhiệm với 3 lần giảm lãi suất điều hành, tổng mức giảm 1,5 - 2% từ đầu năm 2020, khi đại dịch mới xuất hiện. “Đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực”, Thống đốc nói.
Ngân hàng Nhà nước cũng kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay cũ, cho vay mới, mặt bằng giảm khoảng 1,66% so với trước khi có dịch. Từ khi có dịch đến nay, tổng mức giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng, cũng tiếp tục thực hiện giảm từ nay đến cuối năm. Ngoài lãi suất, tổ chức tín dụng cũng giảm phí, mức giảm tương đương 2.000 tỷ đồng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Xác định dư địa còn tiếp tục giảm được lãi suất hay không, Thống đốc cho biết, theo đánh giá, năm 2021, khả năng lạm phát vẫn đạt mục tiêu dưới 4%. Tuy nhiên, năm 2022, "rủi ro lạm phát có áp lực rất lớn".
Khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 6,2% so với năm ngoái, cao nhất kể từ năm 1990. Lạm phát của Hàn Quốc cũng lần đầu tiên vượt mức 3%, cao nhất kể từ năm 2012. Tại châu Âu, giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát tháng 9 của khu vực đồng Euro lên cao nhất trong 13 năm.
"Với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn", Thống đốc nhận định.
Trong bối cảnh đó, các ngân hàng Trung ương trên thế giới hiện cũng giảm dần nới lỏng chính sách, theo tính toán, đã có 65 lượt tăng lãi suất, tạo áp lực điều hành cho Việt Nam thời gian tới. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã đưa ra các tiếp cận thận trọng trong chương trình mua tài sản, trong khi các ngân hàng Trung ương Na Uy, Brazil, Mexico, Hàn Quốc và New Zealand đã tăng lãi suất.
Đồng thời, nếu nhìn từ nhiệm vụ thứ hai của chính sách, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, cũng cần thận trọng. Nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang gia tăng. Các ngân hàng giảm lãi suất bằng chính nguồn lực chứ không phải từ ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng các tổ chức cũng phải dùng nguồn lực để xử lý. "Nếu nguồn lực của tổ chức tín dụng suy giảm sẽ ảnh hưởng tới hoạt động, tính an toàn của hệ thống", Thống đốc nói. Bài học từ cuộc khủng hoảng 2008 - 2009 theo bà Nguyễn Thị Hồng vẫn còn, nếu tính toán không cẩn thận, rủi ro lạm phát có thể quay trở lại.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc cho biết, sẽ tiếp tục chỉ đạo cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất nhưng phải đảm bảo mức độ an toàn của từng tổ chức tín dụng và hệ thống. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất hợp lý, trên cơ sở ổn định vĩ mô, phòng ngừa rủi ro lạm phát.